Ông Phạm Đức Chinh - quyền Cục trưởng Cục QLTT kiêm Phó Ban chỉ đạo 389 tỉnh Long An - cho biết, tình hình buôn lậu hàng hóa qua biên giới trên địa bàn tỉnh Long An trong tháng 10/2019 giảm so với tháng trước, nhờ các lực lượng chức năng của 389 như QLTT, Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý được các vụ buôn lậu, vận chuyển hàng nhập lậu. Một số địa bàn, luồng tuyến là điểm nóng về buôn lậu trước đây được các lực lượng chức năng chốt chặn, đồng thời không để phát sinh, hình thành các tụ điểm, luồng tuyến buôn lậu mới. Các đối tượng đầu nậu, vận chuyển thuê được lực lượng công an lập danh sách, phối hợp với chính quyền, đoàn thể quản lý, tuyên truyền không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu. Tuy hoạt động buôn lậu nhìn chung có giảm nhưng tình hình vận chuyển hàng lậu qua biên giới ở khu vực Long An giáp với Campuchia vẫn còn phức tạp và dự báo có chiều hướng gia tăng.
Trong tháng 10/2019, lực lượng 389 tỉnh Long An đã phát hiện và xử lý 396 vụ vi phạm, trong đó có 113 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng nhập lậu. Hàng hóa bị tạm giữ gồm 214.762 bao thuốc lá (nâng số lượng thuốc lá nhập lậu bị thu giữ tại địa bàn tỉnh Long An lên 1.555.062 bao trong 10 tháng đầu năm 2019), 5.000kg đường cát, 700 chai rượu ngoại; tạm giữ 48 xe máy, 11 xe ô tô dùng làm phương tiện vận chuyển hàng lậu. Cơ quan chức năng đã khởi tố 7 vụ án với 8 đối tượng vận chuyển thuốc lá nhập lậu, với tang vật trên 62.000 bao.
Thuốc lá nhập lậu qua biên giới được ngụy trang trong chiếu cói đã bị lực lượng Công an tỉnh Long An bắt giữ
Theo ông Chinh, hàng nhập lậu qua biên giới nhiều nhất hiện nay là thuốc lá, các mặt hàng điện tử, điện lạnh, đường cát, quần áo, giày dép, hàng gia dụng đã qua sử dụng không có hóa đơn chứng từ. Điểm nóng hàng hóa thẩm lậu qua biên giới hiện nay là tuyến quốc lộ 62, tuyến N2, các địa bàn như huyện Đức Huệ, thị xã Kiến Tường. Các đối tượng thường hoạt động vào ban đêm, giờ cao điểm, các ngày nghỉ và sẵn sàng chống đối lực lượng làm nhiệm vụ khi bị phát hiện, bắt giữ trên khu vực dọc theo biên giới.
Đơn cử, ngày 8/10, tại ấp Nhơn Hòa 1, thị xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, lực lượng Công an tỉnh Long An đã bắt giữ hai đối tượng cùng ngụ tại huyện Đức Hòa vận chuyển bằng ô tô 15.000 bao thuốc lá ngoại nhập lậu. Ngày 9/10, tại ấp Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, Công An huyện Đức Huệ bắt giữ ô tô 7 chỗ vận chuyển 15.000 bao thuốc lá lậu. Trước đó, ngày 23/9, Công an huyện Đức Hòa bắt giữ Hồ Tấn Vũ, ngụ tại xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An vận chuyển 14.400 bao thuốc lá nhập lậu. Ngày 16/9, Công an tỉnh Long An bắt giữ Lê Hoàng Ngân, ngụ tại xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa vận chuyển 24.580 bao thuốc lá nhập lậu.Đối với mặt hàng thuốc lá, trên một số tuyến thuộc địa bàn biên giới Đức Huệ, hoạt động vận chuyển thuốc lá qua biên giới bằng xe gắn máy, dùng xe ô tô du lịch vận chuyển thuốc lá với số lượng lớn đi TP. Tân An, TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ. Hoạt động buôn lậu thuốc lá qua biên giới Long An hiện nay được lãnh đạo 389 Long An đánh giá là có tổ chức, hình thành nhiều đường dây, ổ nhóm, cấu kết với các đối tượng ngoài tỉnh Long An tổ chức buôn lậu mang tính chuyên nghiệp và khó bị triệt phá.
Để đẩy lùi hàng hóa nhập lậu qua biên giới, kiểm soát thị trường từ nay cho đến cuối năm, Phó Ban chỉ đạo 389 tỉnh Long An - Phạm Đức Chinh - cho biết, lãnh đạo 389 tỉnh yêu cầu các lực lượng chức năng gồm QLTT, Hải quan, Công an, Bộ đội biên phòng, chính quyền các huyện, xã cần xác định rõ đối tượng, lĩnh vực, địa bàn các mặt hàng trọng điểm để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là mặt hàng thuốc lá. Các đơn vị cần thực hiện chặt chẽ, hiệu quả công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng chức năng của trung ương và địa phương; làm tốt công tác trinh sát địa bàn, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động buôn lậu qua biên giới; điều tra nắm bắt về các hoạt động của các đường dây, ổ nhóm buôn lậu mang tính chất chuyên nghiệp.
Trên tuyến biên giới, ngoài tăng cường chốt chặn những điểm nóng mà hàng lậu thường xuyên đi qua, các đơn vị cần phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền đến với cư dân sinh sống dọc đường biên giới không tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu.