PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO: Gắn kết nghiên cứu và sản xuất

Thứ bảy, 16 Tháng 11 2019 15:52 (GMT+7)
Trong 5 ngày (từ ngày 6 đến 10-11), Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam 2019 tại TP Cần Thơ đã thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan mua sắm. Hội chợ để các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu đến với các đối tượng mục tiêu, tạo cơ hội tìm kiếm khách hàng mới tiềm năng; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp nhận định đánh giá chính xác xu hướng thị trường, hợp tác phát triển công nghệ sản xuất, từ đó xây dựng chiến lược phát triển sản xuất - kinh doanh.
 
►Quảng bá nông sản đồng bằng
Tại Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam 2019, cùng với các sản phẩm nông nghiệp như: cây giống, máy móc nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nông sản… các doanh nghiệp tham gia hội chợ lần này giới thiệu đến thị trường ĐBSCL các sản phẩm tiêu dùng có nguồn gốc từ thiên nhiên; hệ thống silo chứa nông sản; hệ thống làm sạch, xử lý nguyên liệu; hệ thống sấy lạnh công nghiệp cho ngành chế biến thực phẩm áp dụng công nghệ hiện đại và tiên tiến nhất hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất nông sản chế biến, đáp ứng yêu cầu và nhu cầu của thị trường nhập khẩu khó tính.
 
Đặc biệt, Cần Thơ còn đón đoàn 30 doanh nghiệp nhập khẩu gạo từ Hồng Kông đến tìm hiểu, trao đổi về tình hình xuất khẩu các mặt hàng gạo đặc sản, gạo chất lượng cao và tăng cường kết nối giao thương, hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hoạt động này đã đem lại tín hiệu khả quan trong việc mở rộng hợp tác, xúc tiến thương mại của thành phố với mặt hàng gạo. 
 
Hội chợ năm nay có 500 gian hàng của 300 đơn vị, doanh nghiệp tham gia đến từ 25 tỉnh, thành của Việt Nam như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Quảng Nam, Bình Dương, Bến Tre, Bạc Liêu, Lâm Đồng, An Giang, Hải Dương, Long An, Phú Yên, Phú Thọ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Đắk Lắk, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đà Nẵng, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bình Thuận, Yên Bái, Bình Phước, Nghệ An, Hà Giang… và các doanh nghiệp liên doanh - quốc tế đến từ: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Israel, Ấn Độ, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Malaysia,… với các lĩnh vực: máy móc thiết bị nông nghiệp, dây chuyền sản xuất, chế biến nông nghiệp; vật tư nông nghiệp, phân bón thuốc bảo vệ thực vật; công nghệ hỗ trợ phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch, đặc sản được làm từ nông sản các vùng miền… 
 
ĐBSCL với thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, thủy sản và đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Giá trị sản xuất nông nghiệp dẫn đầu cả nước, chiếm 33,2% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn quốc.
 
Năm 2018, vùng ĐBSCL tiếp tục đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, tôm, cá tra và trái cây với kim ngạch xuất khẩu đạt 8,34 tỉ USD. Xuất khẩu ĐBSCL chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước, 95% cá tra, 60% tôm và khoảng 65% trái cây. Như vậy, có thể nói ĐBSCL không chỉ là vùng nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam mà còn là vùng nông nghiệp quan trọng của khu vực và thế giới.
 
Tuy nhiên, phát triển nền nông nghiệp nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn; tiềm ẩn những rủi ro rất lớn. Biến đổi khí hậu, tiêu thụ hàng hóa nông sản còn nhiều bất cập; giá trị sản xuất nông nghiệp thiếu tính ổn định; việc đầu tư và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tạo ra giá trị gia tăng cho nông sản chưa cao.
 
Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhận định, cho dù nhiều sản phẩm khoa học công nghệ đã được chuyển giao vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nhưng ứng dụng công nghệ trong ngành nông nghiệp vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu.
 
Từ thực tế đó, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gia tăng, sản phẩm nông nghiệp đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Do đó, việc đưa khoa học công nghệ hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản được xem là rất cần thiết cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng.
Các đại biểu dự lễ khai mạc hội chợ tham quan máy rang xay cafe Bùi Văn Ngọ.
►Mở cơ hội hợp tác
Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam 2019 mang ý nghĩa quan trọng và thiết thực, gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh, gắn kết giữa các đơn vị- địa phương, các doanh nghiệp - người tiêu dùng cùng các nhà đầu tư gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, mở rộng hợp tác kinh doanh,… đối với các mặt hàng nông sản. Bà Nguyễn Doãn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương, cho rằng, hội chợ thực sự là cầu nối hiệu quả, là kênh xúc tiến thương mại quan trọng để các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, giao lưu và ký kết nhiều hợp đồng thương mại có giá trị cao, tạo cơ hội cho việc xây dựng, nâng cao giá trị thương hiệu nông sản nhằm mở rộng, phát triển xuất khẩu, giao lưu thương mại, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tiến trình hội nhập khu vực và thế giới của các doanh nghiệp Việt Nam.
 
Đến với hội chợ, Công ty TNHH MTV Minh Đức Thành (Kocana), quận Thốt Nốt, mang đến các sản phẩm đặc trưng của Thốt Nốt - con cá tra, nhưng với công nghệ chế biến hiện đại, sản phẩm từ con cá tra đã được nâng chất.
 
Ông Bùi Thanh Quang, đại diện Công ty TNHH MTV Minh Đức Thành, cho biết, bên cạnh bán nguyên liệu, Kocana cho ra thị trường các sản phẩm chế biến như: khô cá tra ăn liền, cá tra phi lê sấy khô, cá tra 1 nắng xiên que… Sau hơn 2 năm ra thị trường, sản phẩm hiện đã có mặt tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
 
Với lợi thế có vùng nuôi nguyên liệu được nuôi theo quy chuẩn chất lượng, cùng công nghệ chế biến hiện đại, Kocana tin tưởng các sản phẩm chế biến của công ty sẽ chinh phục thị trường trong nước và quốc tế.
 
Bà Nguyễn Thanh Phương, đại diện truyền thông Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Huệ Viên (Hà Nội) cho biết, các sản phẩm của công ty là sản phẩm sinh học chiết xuất từ lá ổi như: xà bông, nước rửa chén, nước xúc miệng… Lần đầu tiên tham gia hội chợ và tiếp cận thị trường Cần Thơ, ngoài mục đích quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, chúng tôi hy vọng tìm kiếm nhà phân phối tại Cần Thơ hoặc các tỉnh ĐBSCL.
 
Hợp tác xã nông nghiệp Lộc Hưng (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) có 16 hộ thành viên, diện tích 30,5ha trồng xoài sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hợp tác xã cung ứng chủ yếu cho chợ đầu mối Bình Điền (TP Hồ Chí Minh).
 
Hướng đến thị trường xuất khẩu, hợp tác xã hiện đã được trao giấy chứng nhận code xoài Đài Loan và xoài Cát Hòa Lộc xuất khẩu vào thị trường Úc (diện tích được cấp code là 17,2ha), hiện hợp tác xã đang hoàn thiện hồ sơ để được cấp code xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Tham gia Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam 2019, hợp tác xã mong muốn tìm thêm nhiều đối tác.    
 
Gần như mỗi kỳ Hội chợ nông nghiệp quốc tế Việt Nam tại TP Cần Thơ, Công ty TNHH Cơ khí nông nghiệp Bùi Văn Ngọ đều tham gia quảng bá với những mô hình máy nông nghiệp đồ sộ, đạt chất lượng cao. Do đó, khu trưng bày máy nông nghiệp mang thương hiệu Bùi Văn Ngọ luôn thu hút đông khách trong và ngoài nước đến tham quan.
 
Ông Nguyễn Thể Hà, Chuyên viên tư vấn đầu tư, Công ty TNHH Cơ khí nông nghiệp Bùi Văn Ngọ cho rằng, mỗi kỳ hội chợ này công ty xem đây là ngày hội tri ân khách hàng. Đó là nơi để cán bộ nhân viên công ty được gặp gỡ khách hàng, nhà khoa học và đặc biệt là bà con nông dân để tìm hiểu được nhu cầu thực tế của bà con cũng như những sáng kiến của các nhà khoa học…
Bài, ảnh: KHÁNH NAM - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế