ĐBCSL đang chịu tác động mạnh mẽ của quá trình sụt lún đất, sạt lở và tác động cực đoan của thời tiết do ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước nhận định, những thách thức mà ĐBSCL đang đối mặt có phần nguyên nhân do con người và cả nguyên nhân thiên tai.
ĐBSCL đang cần hạ tầng giao thông kết nối liên vùng để tăng tốc phát triển. Trong ảnh: Nút giao vòng xoay cầu Cần Thơ bờ Vĩnh Long.
Việc triển khai Nghị quyết về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (Nghị quyết 120) của Chính phủ được kỳ vọng tạo ra cú hích mới cho vùng; vừa đồng thời ứng phó, sống chung với các thách thức hiện tại, vừa tạo động lực phát triển thông qua các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, vốn huy động trong và ngoài nước.
Báo cáo tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ĐBSCL còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, trong khi hệ thống hạ tầng giao thông kết nối còn nhiều bất cập và tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng gần đây... Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo, quyết tâm sớm hoàn thành các tuyến đường bộ quan trọng kết nối các địa phương trong vùng ĐBSCL. Đặc biệt cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được ưu tiên bố trí đủ vốn và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2021; Dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ triển khai quý I-2020 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ sớm triển khai thực hiện.
Thủ tướng cũng khẳng định, các dự án phát triển ĐBSCL đã có kế hoạch bố trí 16.700 tỉ đồng và Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội tiếp tục bố trí đủ 3.400 tỉ đồng từ kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự phòng ngân sách Trung ương năm 2019 để hỗ trợ các địa phương.
Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước và tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để giải quyết những vấn đề cấp bách của vùng. Cụ thể như đối phó với tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, suy giảm nguồn nước, thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, phát triển nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; trong đó, có việc tập trung đầu tư cảng biển, cảng sông.
Quyết tâm thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình đã được duyệt, không ngừng cải thiện đời sống của hơn 20 triệu người dân vùng ĐBSCL, phát huy hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh và sự đóng góp của vùng cho đất nước.
Theo nhận định của một số chuyên gia, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL cần phải có những đầu tư lớn, trong khi Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình, sẽ mất nhiều thời gian hơn để tiếp cận các khoản vay ưu đãi.
Nghiên cứu gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chương trình Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP) và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) đã cho thấy đang có khoảng 32 tỉ USD huy động từ khu vực tư nhân vào năm 2025, tập trung vào 4 lĩnh vực chính: năng lượng tái tạo, nông nghiệp và thủy sản, chế biến thức ăn và cơ sở hạ tầng môi trường. Đây là cơ hội để huy động nguồn lực đầu tư từ tư nhân cho mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL. Vấn đề còn lại là Chính phủ cần thúc đẩy, tạo động lực và giảm rủi ro cho đầu tư từ khu vực tư nhân để thu hút nguồn lực này đầu tư vào vùng.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng các bộ ngành liên quan và các tư vấn quốc tế… đã khởi động Quy hoạch tổng thể tích hợp ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch tổng thể tích hợp này được kỳ vọng trở thành một khung duy nhất, xóa bỏ và chỉnh sửa 2.538 quy hoạch hiện có, là định hướng cho các kế hoạch đầu tư trong tương lai của Trung ương, cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL.
Những quyết tâm của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ, cùng các bộ ngành Trung ương và sự chủ động ứng phó của các địa phương vùng ĐBSCL sẽ là nền tảng để thay đổi từ tư duy sang hành động, tạo tâm thế và lực đẩy phát triển vùng.
Bài, ảnh: Gia Bảo - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)