Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về tình hình liên quan đến giá thịt heo mới đây, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định việc giá thịt heo tăng cao gần đây không hẳn do thiệt hại đàn heo trong nước dẫn đến thiếu nguồn cung mà còn do khâu lưu thông và thông tin "có vấn đề", trong đó có biểu hiện "găm hàng, thổi giá".
Quá nhiều khâu trung gian
Cụ thể, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, do nguồn heo thịt hiện nay được cung cấp chủ yếu ở các công ty, trang trại và hộ chăn nuôi lớn, còn các hộ nhỏ lẻ trong vùng dịch cơ bản còn rất ít. Bên cạnh đó, việc xuất bán heo thịt được yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt hơn, làm cho những hộ giết mổ nhỏ lẻ không tiếp cận được với nguồn cung heo thịt qua kiểm dịch nên phải mua lại của các thương lái với giá cao.
Ngoài ra, những thông tin phản ánh chỉ tập trung những nơi thiếu hụt nguồn cung và có giá cá biệt, vô hình trung tạo hiệu ứng lan tỏa, kéo giá heo trong nước đồng loạt tăng cao, từ đó thương lái, hộ chăn nuôi lợi dụng để găm hàng, cùng nhau đẩy giá.
Thịt heo bán tại siêu thị ở TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết giá heo hơi tại các trại chăn nuôi ở miền Đông Nam Bộ vẫn đứng ở mức cao, từ 73.000-74.000 đồng/kg.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho thấy gần 7 tháng sau khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện, tổng đàn heo trên địa bàn đã giảm hơn 40% (từ 2,5 triệu con xuống còn 1,4 triệu con).
Trong đó, các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài chiếm gần 1,3 triệu con, lượng heo trong dân chỉ còn hơn 100.000 con. "Hiện đàn heo do người dân chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn đã giảm khoảng 80% so với trước khi dịch tả heo châu Phi xảy ra. Do đó, các thương lái đã đẩy giá thu mua lên cao để gom hàng" - ông Đoán lý giải và cho biết thêm hiện mỗi con heo 100 kg, người nuôi có lãi hơn 2 triệu đồng.
Đây là mức lãi rất cao.
Trong khi đó, đại diện các DN chăn nuôi lớn như C.P., CJ, Japfa đều xác nhận gần đây có nhiều thương lái yêu cầu mua heo thịt với số lượng gấp đôi so bình thường nhưng hầu hết yêu cầu không được đáp ứng. Chẳng hạn một thương lái bình thường chỉ đặt mua 500 con/ngày, nay tăng lên 1.000 con, DN không đáp ứng mà chỉ cung cấp heo với số lượng như trước.
Bởi, nếu họ xuất bán heo ồ ạt sẽ dẫn đến mất cân đối nguồn cung, không đủ heo để bán ra trong thời gian tới. Như vậy, không những không ổn định được thị trường mà còn làm tình hình phức tạp thêm.
Nguyên nhân xuất phát từ việc giá heo thịt mà các DN lớn công bố thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Cụ thể, hiện giá heo hơi của C.P. công bố là 68.500 đồng/kg, CJ 72.500 đồng/kg, Japfa 72.000 đồng/kg. Đây là mức giá mà các DN bán ra cho khách quen và cơ sở giết mổ làm ăn lâu năm.
Còn những thương lái khác phải mua qua trung gian với giá cao, từ 73.000-74.000 đồng/kg. Được biết, mỗi ngày C.P. xuất bán ra thị trường từ 4.000-5.000 con heo thịt, CJ 2.500-2.700 con và Japfa 1.500 con.
Tuy nhiên, đó chỉ mới ở khâu thu mua, đến khâu giết mổ và phân phối, giá thịt heo tiếp tục bị đẩy lên hàng chục ngàn đồng/kg. Chẳng hạn, thịt heo đùi sau khi giết mổ về đến chợ hiện có giá bán 90.000 đồng/kg, ở chợ lẻ lên 110.000 đồng/kg, còn siêu thị treo bảng giá đến 140.000 đồng/kg. Hoặc sườn non ở chợ đầu mối có giá 145.000 đồng/kg, khi về tới chợ lẻ được tiểu thương bán ra 200.000 đồng/kg, còn siêu thị 235.000 đồng/kg.
Tăng nhập khẩu thịt đông lạnh
Trước diễn biến khó lường của giá heo, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết đang phối hợp cùng các DN theo dõi sát diễn biến mặt hàng này để chủ động chuẩn bị nguồn hàng. Trong đó có giải pháp tăng nhập khẩu thịt heo đông lạnh, tăng dự trữ các mặt hàng thay thế; đồng thời đẩy mạnh khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng những mặt hàng thay thế này.
Cũng theo ông Phạm Thành Kiên, TP HCM bảo đảm nguồn cung hàng hóa chứ không chủ trương can thiệp giá và tuân thủ quy luật thị trường, sao cho các bên được hưởng lợi và giá cả hàng hóa phù hợp. Trong trường hợp có đột biến về giá, hệ thống phân phối trên địa bàn sẽ bảo đảm phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng, tránh hiện tượng đầu cơ.
Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương mới đây, TP HCM cam kết bảo đảm sản lượng thịt heo bình ổn thị trường TP trong thời điểm bình thường là 4.091 tấn/tháng và dịp Tết là 5.148 tấn/tháng.
Mặc dù cam kết sản lượng ổn định nhưng thực tế, lượng heo giết mổ tại các DN đã giảm mạnh từ nhiều ngày nay. Đại diện Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho hay lượng giết mổ heo mỗi đêm của DN đã giảm gần phân nửa, chỉ còn khoảng 600-700 con, trong khi trung bình trước đây, mỗi ngày Vissan giết mổ, cung ứng ra thị trường khoảng 1.200 con heo.
"Giá heo hơi lên quá cao, các trại giảm nguồn hàng, chỉ bán ra số lượng hạn chế nhưng do tiêu thụ thịt heo tươi sống sụt giảm nên sản lượng giết mổ hiện vẫn đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Vissan đã chủ động đưa thịt heo đông lạnh ra cửa hàng giới thiệu sản phẩm của công ty và các siêu thị nhưng khách hàng không mặn mà" - vị này nhìn nhận.
Được biết, Vissan đã giết mổ, trữ đông 2.000 tấn thịt heo và đưa ra thị trường với giá rẻ hơn thịt "nóng" 15% nhưng sức tiêu thụ mặt hàng này rất chậm. "Người tiêu dùng thà chấp nhận mua thịt "nóng" giá cao hoặc mua ít lại chứ không thích mua thịt đông lạnh.
Mặc dù vậy, với tình hình giá heo tăng cao và khả năng tiếp tục tăng, lựa chọn tốt nhất cho khách hàng là chuyển qua dùng thịt thay thế hoặc dùng thịt đông lạnh" - vị đại diện này nói thêm.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại chợ đầu mối Hóc Môn, ngày 19-11, lượng heo về chợ đạt 312 tấn, tiếp tục giảm nhẹ so với những ngày trước. Tuy vậy, giá heo mảnh đã chững lại, còn khoảng 85.000-90.000 đồng/kg.
Giá thịt heo toàn cầu tăng vọt
Tổ chức Sức khỏe Động vật thế giới dự báo sự bùng phát của dịch tả heo châu Phi (ASF) sẽ làm chết 1/4 số lượng heo trên thế giới, khiến giá thịt heo tăng vọt ở khu vực châu Á cũng như trên toàn cầu. Trong đó, chỉ riêng Trung Quốc, ước tính lượng heo đã giảm 1/2 kể từ tháng 8-2018 sau khi ASF bùng phát, nguyên nhân dẫn tới sự tăng vọt về giá. Hiện giá thịt heo tại nước này dù đã giảm nhẹ so với đầu tháng nhưng vẫn tăng 157% so cùng kỳ năm ngoái, lên trung bình khoảng 48 nhân dân tệ (159.000 đồng/kg).
Theo hãng tin Reuters, lo ngại về những tác động chính trị của sự thiếu hụt thịt heo, loại thịt được tiêu thụ phổ biến nhất tại Trung Quốc, Bắc Kinh đã tăng cường hỗ trợ nông dân tái đàn. Đồng thời, khuyến khích tăng sản lượng gia cầm và những loại thịt khác. Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, dù sản lượng thịt heo giảm nhưng có sự gia tăng lớn về sản lượng thịt gia cầm, thịt bò và thịt cừu nên nguồn cung thịt nói chung được bảo đảm.
X.Mai
Nguyễn Hải - Thanh Nhân link (nld.com.vn)
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)