Doanh nghiệp phàn nàn danh mục hàng phải kiểm định quá nhiều

Thứ năm, 05 Tháng 12 2019 11:11 (GMT+7)
Đây chỉ là một trong nhiều bất cập được các đại biểu cũng như doanh nghiệp đưa ra tại Hội thảo "Điều kiện kinh doanh và quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực lao động: Một số vấn đề và yêu cầu cải cách" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 04/12 tại Hà Nội.
 
Cải lùi chứ không phải cải cách!
Ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng CIEM khẳng định, cải cách, nâng cao chất lượng các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh và cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành là trọng tâm ưu tiên của Chính phủ trong những năm gần đây. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, các bộ, ngành đã thực hiện rà soát, ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản về điều kiện kinh doanh và quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Tuy vậy, thực tế cho thấy vẫn còn những nội dung bất cập, tạo rào cản đối với doanh nghiệp.
 
Toàn cảnh hội thảo.
 
Nhận xét về kết quả cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trong lĩnh vực lao động, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng, cải cách ĐKKD trong lĩnh vực lao động chưa có đột phá, chưa hiệu quả, thực chất cho doanh nghiệp (DN). Thay vào đó, cải cách ĐKKD trong lĩnh vực này mới chỉ chủ yếu dưới hình thức giảm mức độ yêu cầu về số lượng nhân sự hoặc giảm yêu cầu về quy mô diện tích của cơ sở vật chất, nhưng ít cắt bỏ quy định về ĐKKD.
 
Dẫn chứng cho nhận định này, bà Thảo lấy ví dụ về điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (trình độ sơ cấp). Quy định trước khi cắt giảm là "...bảo đảm tỷ lệ học sinh quy đổi trên giáo viên quy đổi tối đa là 25 học sinh/giáo viên; đối với các nghề yêu cầu về năng khiếu, bảo đảm tỷ lệ học sinh quy đổi trên giáo viên quy đổi tối đa là 15 học sinh/giáo viên; có giáo viên cơ hữu cho nghề tổ chức đào tạo". Trong khi đó, quy định sau cắt giảm là "...đảm bảo tỷ lệ học sinh quy đổi trên gáo viên quy đổi tối đa là 25 học sinh/giáo viên, có giáo viên cơ hữu cho nghề tổ chức đào tạo".
 
Theo đánh giá của bà Thảo, ĐKKD thể hiện sự chia phần quản lý giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, từ đó gây khó khăn cho DN.
 
"Trước đây, các DN hoạt động kiểm định kỹ thuật ATLĐ xin cấp phép tại một đầu mối là Bộ LĐTBXH thì nay phải xin giấy phép của 10 bộ với một nội dung công việc. Trong nhiều trường hợp, các quy chuẩn, quy trình, biểu mẫu... về kiểm định ATLĐ giống nhau, nhưng các bộ không thừa nhận kết quả của nhau mà vẫn yêu cầu tham gia đào tạo lại để được cấp chứng chỉ. Chi phí đào tạo DN phải trả phí chính thức khỏng 10 triệu đồng/người", Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM nêu thực trạng.
 
Cũng theo bà Thảo, không có cơ sở nào để để phân chia quản lý giữa hai cơ quan quản lý khi máy điều hòa nhiệt độ có công suất nhỏ hơn 9.000 BTU thuộc quản lý của Bộ KH & CN. Trong khi đó, máy điều hòa nhiệt độ công suất lớn hơn 9.000 BTU thuộc quản lý của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội và yêu cầu kiểm tra chất lượng trước thông quan.
 
Những bất cập khác cũng được bà Thảo đưa ra như quy định về huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động: thực hiện hình thức, gây tốn kém về thời gian và chi phí DN. Hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành chậm cải cách, thậm chí có những văn bản mới được ban hành gây khó khăn hơn cho DN.
 
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, quản lý chuyên ngành trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động có ý nghĩa quan trọng ảnh hưởng đến DN và cộng đồng nhưng lại ít được chú ý.
 
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI phát biểu tại hội thảo.
 
"Theo phản ánh thực từ từ cộng đồng doanh nghiệp, danh mục hàng hóa phải kiểm định quá nhiều. Chúng tôi cho rằng, chỉ nên tập trung kiểm định đv hàng hóa nguy cơ mất an toàn cao, sử dụng dành cho mục đích công cộng. Cần rà soát danh mục hàng hóa tiến tới cắt giảm dựa trên lịch sử tai nạn và thiệt hại và phải so sánh hiệt hại với chi phí kiểm định cho toàn bộ sản phẩm đó. Ngoài ra, cần dựa trên lịch sử kiểm định, xem xét tỷ lệ kết quả không đạt", ông Đậu Anh Tuấn nói.
 
Một loạt những bất cập khác cũng được ông Đậu Anh Tuấn nêu ra, đó là phân chia thẩm quyền chồng chéo, bất cập kiểm định trùng lặp, thiếu quy chuẩn kỹ thuật, quy trình kiểm định hợp lý, giá sàn dịch vụ kiểm định và tổ chức bộ phận y tế trong DN.
 
Trên góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Quân, Công ty cổ phần Kiểm định kỹ thuật an toàn Quốc gia (TP. Hồ Chí Minh) đã góp ý về Nghị định 44/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động, về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động.
 
"Thời gian qua, Nghị định 44/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã tồn tại nhiều điều bất cập, bất hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp và cản trở sự phát triển của xã hội trong lĩnh vực này", ông Nguyễn Minh Quân chia sẻ.
 
Trong số những bất cập của NĐ này, ông Nguyễn Minh Quân đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề kiểm định. Theo ông, miếng bánh về kiểm định chia đều cho các bộ ngành quản lý, gây khó khăn, phiền hà, tốn kém cho DN.
 
"Đã có nước nào có cách quản lý tương tự như Việt Nam hay chưa? Khi mà cùng một đối tượng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn có cùng tên gọi, được áp dụng cùng tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn nhưng lại cùng lúc nhiều bộ quản lý và doanh nghiệp phải đi xin giấy phép từ nhiều bộ? Các kẻ hở này quá lộ liễu mà ai cũng thấy!", ông Quân trăn trở.
 
Bình luận về các ý kiến của chuyên gia cũng như đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Chung cho rằng, "chúng ta đang cải lùi, không phải cải cách - điều mà Chính phủ không mong muôn và cộng đồng DN càng không mong muốn".
 
Cần tiếp tục cải cách thực chất ĐKKD
Đề xuất các giải pháp, bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, cần tiếp tục bãi bỏ, cải cách thực chất các quy định về ĐKKD; Thống nhất đầu mối quản lý về ATLĐ. Ngoài ra, cần cắt giảm danh mục mặt hàng QL, KTCN theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng; thực hiện kiểm tra ATLĐ (đối với hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn) trước khi đưa vào vận hành, lưu thông thay vì trước thông quan; đồng thời cải cách các quy định và thực thi về huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.
 
Từ hạn chế trong thực tế, để môi trường hoạt động kinh doanh được tốt hơn, quản lý Nhà nước của các Bộ được rõ ràng, minh bạch, ít bị trùng chéo, góp phần cho sự quản lý tốt về lĩnh vực toàn, VSLĐ, giảm thiểu tai nạn, ông Nguyễn Minh Quân đề xuất: Các đối tượng có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn nào đã được quản lý tốt, ổn định từ Bộ nào thì nay tiếp tục để Bộ đó quản lý hoặc lựa chọn một Bộ nào đó có đủ điều kiện về nhân lực, trình độ, kinh nghiệm quản lý lĩnh vực này để quản lý thống nhất, tránh tình trạng xé nhỏ, chia phần như hiện nay.
 
Doanh nghiệp này kiến nghị, đối với các đối tượng có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn nào khác mới phát sinh sau khi có Nghị định 44 thì đối tượng nào gần với chuyên ngành của Bộ nào thì Bộ đó quản lý nhưng phải trên cơ sở phải có công cụ quản lý kỹ thuật ít nhất là quy chuẩn và quy trình kiểm định tương ứng cho đối tượng quản lý.
 
Không được đưa vào danh mục Nghị định, Thông tư những đối tượng chưa ban hành quy chuẩn, quy trình. Nếu chưa ban hành QC, QT mà đưa vào luật thì sẽ xảy ra tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, gây khó khăn cho các doanh nghiệp bị điều chỉnh, ảnh hưởng vì họ sẽ không thể thực hiện đúng luật được.
 
Ông Vũ Tiến Thành, Trưởng Phòng Quản lý an toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhìn nhận, những điều bất cập mà các ý kiến tại hội thảo nêu là một thực tế, ai cũng nhận thấy, có rất nhiều điều vô lý, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội tiếp thu, lắng nghe tất cả các ý kiến phản hồi để có những điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới nhằm tạo môi trường kinh doanh đầu tư thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo N. Minh - (doanhnghiepvn.vn)
Dẫn T.Uyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế