Xoay trục để nông nghiệp ĐBSCL phát triển thịnh vượng, bền vững

Chủ nhật, 08 Tháng 12 2019 21:29 (GMT+7)
Trước áp lực từ biến đổi khí hậu, hội nhập kinh tế quốc tế, nhu cầu chuyển đổi kinh tế nông nghiệp ĐBSCL trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Bởi nó không chỉ giải quyết vấn đề thu nhập cho nông dân, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế vùng ĐBSCL. Trên thực tế, chuyển đổi nông nghiệp của vùng cũng đã diễn ra suốt một thời gian khá dài với các chủ trương, chính sách lớn từ Chính phủ, bộ ngành. Không chỉ vậy, Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng còn tăng cường hợp tác với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Hà Lan để học tập, chia sẻ kinh nghiệm từ quốc gia này.
 
Thắt chặt liên kết
Mặc dù là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng thu nhập người nông dân Việt Nam vẫn bấp bênh.
 
Vào tháng 4-2019, Chính phủ hai nước Việt Nam-Hà Lan đã ký Biên bản ghi nhớ về quan hệ hợp tác nhằm triển khai Chương trình Chuyển đổi nông nghiệp vùng ĐBSCL (MD-ATP). Sự kiện này đánh dấu mối quan hệ hợp tác chiến lược và lâu dài giữa Hà Lan và Việt Nam về quản lý nguồn nước và nông nghiệp. Từ nền tảng này, mới đây, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn Chương trình MD-ATP. Hội thảo nhằm thu thập các ý kiến đóng góp, đề xuất từ các nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp để hoàn thiện những quyết định cho MD-ATP. 
 
Theo đó, MD- ATP là chương trình tiếp nối quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hà Lan hình thành từ khi triển khai Kế hoạch ĐBSCL (MDP) vào năm 2013. Trong đó, Kế hoạch ĐBSCL kết luận, việc chuyển đổi sang chuyên môn hóa tập trung trong kinh doanh nông nghiệp đóng vai trò sống còn cho sự phát triển kinh tế - xã hội an toàn và bền vững của ĐBSCL.
 
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, Hà Lan có diện tích và quy mô dân số xấp xỉ ĐBSCL; địa hình đất thấp và phát triển rất mạnh về nông nghiệp. Ngoài ra, Việt Nam và Hà Lan cũng đang đứng trước những thách thức của biến đổi khí hậu. Vì vậy, Việt Nam rất mong muốn phía Hà Lan có những chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển bền vững ĐBSCL. Trong đó, có các vấn đề về quy hoạch, quản trị, về đầu tư xây dựng chiến lược phát triển, đặc biệt là đầu tư xây dựng chuỗi giá trị chủ lực cho vùng trước thách thức của biến đổi khí hậu...
 
Ông Willem Schoustra, Tham tán Nông nghiệp, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, cho biết: “Với kinh nghiệm thực tế và những thành công đạt được, Hà Lan có thể cung cấp kiến thức và hỗ trợ tích cực cho ĐBSCL trong quản lý nguồn nước và kinh doanh nông nghiệp. Đồng thời, chúng tôi đã có quá trình làm việc với các địa phương vùng ĐBSCL từ việc triển khai Kế hoạch ĐBSCL trước đây. Đây là những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược và lâu dài giữa Hà Lan-Việt Nam nói chung và Chương trình MD-ATP nói riêng trong giải quyết các vấn đề về nước và phát triển nông nghiệp”.
 
Chuyển đổi kinh tế nông nghiệp ĐBSCL 
ĐBSCL đang chuyển hướng từ ưu tiên phát triển lúa gạo- thủy sản- trái cây sang thủy sản- trái cây- lúa gạo. Trong ảnh: Nuôi cá tra xuất khẩu tại Hợp tác xã Thới An, quận Ô Môn.
 
Theo kế hoạch, trong giai đoạn đầu từ năm 2020-2023, MD-ATP sẽ xúc tiến phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp tại sáu vùng sinh thái nông nghiệp của ĐBSCL. Giai đoạn tiếp theo, bài học từ việc phát triển các chuỗi giá trị kể trên sẽ được vận dụng vào các chuỗi tại những tỉnh khác. Chương trình MD-ATP dự kiến hoàn thành vào năm 2030, sau khi đã phát triển và hiện đại hóa một loạt các lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp tại ĐBSCL.
 
Ông Martijn Van De Groep, Trưởng nhóm nghiên cứu giai đoạn chuẩn bị MD-ATP, nhấn mạnh: “ĐBSCL đang ở điểm giới hạn, thời điểm cần thay đổi bởi biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sụt lún đất là điều không thể tránh khỏi… Chính vì vậy, Chương trình MD-ATP đề xuất chuyển đổi chính sách ưu tiên lúa gạo sang hệ thống sản xuất tích hợp như: gạo-cá, gạo-rau, cá–cá… được xem là phương án tối ưu để tránh những tác động kinh tế do sự sụt giảm năng suất lúa gạo do biến đổi khí hậu gây ra. Giai đoạn đầu, MD-ATP sẽ lựa chọn các vùng trọng điểm dựa trên điều kiện thủy lợi, đặc điểm thổ nhưỡng, nguy cơ về khí hậu, khả năng thích ứng, nhu cầu và cơ hội thị trường... Nghĩa là chuyển dần từ mục tiêu đạt được sản lượng cao nhất sang tập trung vào chất lượng sản phẩm và phát triển chuỗi giá trị”.
 
Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, để chuyển đổi nông nghiệp hiệu quả cần tập trung cho các ngành hàng mà địa phương có lợi thế và thị trường có nhu cầu. Riêng đối với Cà Mau, địa phương đã chia làm 3 vùng: vùng ven biển (mặn, lợ) phát triển thủy sản với các sản phẩm chủ lực là tôm, cua; vùng nước lợ luân canh 1 vụ lúa, 1 vụ tôm và vùng ngọt mới phát triển cây lúa và tỉnh cũng có lúa thuộc nhóm chất lượng cao. Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ, chia sẻ: “40 năm qua ngành lúa gạo đã làm nên kỳ tích nhưng nông dân vẫn chưa giàu. Một thời gian dài, chúng ta ưu tiên phát triển cây lúa nên hạ tầng, đặc biệt là thủy lợi phát triển chủ yếu phục vụ sản xuất lúa. Còn nông dân muốn trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản hầu hết là phải tự đầu tư.
 
Trong khi đó, ĐBSCL giờ đây lúa quá nhiều rồi, giá lại rẻ, chi phí sản xuất lại cao… Điều này đặt ra vấn đề là phải chuyển đổi nông nghiệp ĐBSCL theo hướng kinh tế. Nghĩa là sản xuất phải có lời, phải làm ra tiền. Thay vì đầu tư thủy lợi cho lúa, chúng ta nên chuyển hướng đầu tư sang cái khác và hướng nông dân làm theo mình”. 
 
Trên thực tế, Chính phủ, các bộ ngành cũng đã thấy sự bất cập và có định hướng chuyển đổi nông nghiệp ĐBSCL. Tiến sĩ Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết: “Nếu như trước đây, ĐBSCL ưu tiên phát triển sản xuất lúa gạo- thủy sản- trái cây thì nay đã được Chính phủ định hướng xoay trụ
 
c chiến lược thành thủy sản- trái cây- lúa gạo. Sự chuyển đổi này nhằm đưa nền nông nghiệp ĐBSCL phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng trên cơ sở phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao kết hợp với du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản. Song song đó, cơ sở hạ tầng được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai…”. Có thể thấy, sự nhận thức kịp thời và nhạy bén chuyển đổi từ Chính phủ, các bộ ngành được kỳ vọng mang đến nhiều cơ hội để nông nghiệp ĐBSCL lập nên những kỳ tích mới.
 
Bài, ảnh: MỸ THANH - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế