Nếu như vào được thị trường Nhật Bản trong năm 2020, Việt Nam sẽ là cái tên thứ 5 được xuất khẩu vải tươi vào Nhật Bản sau Trung Quốc, Đài Loan, Mexico và Mỹ. Hiện tại, quả vải đông lạnh của Việt Nam đang xuất khẩu rất tốt sang thị trường Nhật Bản, tạo triển vọng tốt cho quả vải tươi tới đây của nước ta.
Ảnh minh họa: Báo điện tử Đảng Cộng sản.
Tại Nhật Bản, quả vải tươi được trồng chủ yếu tại 3 tỉnh Okinawa, Kagoshima và Miyazaki với sản lượng khoảng 13 tấn vào năm 2014 và đang có xu hướng giảm đi do tình trạng già hóa tại khu vực này. Sản lượng vải tươi trồng tại Nhật Bản chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng nhập khẩu. Theo thống kê năm 2016, Nhật Bản đã nhập khẩu trên 90% vải tươi từ Trung Quốc và Đài Loan, cụ thể nhập khẩu 136 tấn từ Trung Quốc và 125 tấn Đài Loan.
Cũng theo điều tra về giá vải tươi tại thị trường Nhật Bản năm 2016, loại vải nhập khẩu từ Trung Quốc hiện đang có giá thành rẻ nhất với khoảng 470 Yen, tương đương gần 100.000 đồng/kg.
Quả vải đông lạnh của Việt Nam đang xuất khẩu tốt đối với thị trường Nhật Bản, có những công ty của Việt Nam xuất khẩu được số lượng khoảng 3.000 tấn/năm. Có thể nói, tiềm năng đối với quả vải tươi của Việt Nam là rất lớn, có thể xuất khẩu tới 100 - 150 tấn/năm, tuy nhiên hạn chế của quả vải tươi là mùa vụ ngắn hạn, trong khi các công ty nhập khẩu hoa quả của Nhật Bản luôn đòi hỏi 2 tiêu chí là chất lượng và sự ổn định, từ đó đặt ra vấn đề đầu tư kho lạnh và công nghệ bảo quản vải tươi đối với Việt Nam.
Đến nay, quả thanh long, quả xoài và chuối của nước ta đã được nhập khẩu tươi vào Nhật Bản. Mặc dù số lượng có xu hướng tăng theo từng năm nhưng vấn đề dư lượng chất bảo vệ thực vật đang tiếp tục được các cơ quan chức năng Nhật Bản đặt ra đối với hoa quả tươi từ Việt Nam.