Tháng 9-2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể hóa Chiến lược trên, TP Cần Thơ xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2014-2020, tầm nhìn đến năm 2050 TP Cần Thơ.
Trên cơ sở đó, thành phố đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức và nhân dân nhận thức về TTX, tạo ý thức xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, thúc đẩy tiêu dùng xanh, sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên thiên nhiên, ưu tiên sử dụng các nguồn nguyên liệu có thể tái chế, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các nội dung về TTX chủ yếu được triển khai và lồng ghép vào các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, kế hoạch phát triển và dự án đầu tư hằng năm.
Theo đánh giá của UBND thành phố, Chiến lược TTX thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, thể hiện ở các nội dung nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện, huy động nguồn lực…
Giảm phát thải khí nhà kính và sử dụng năng lượng hiệu quả, thành phố đã phát động thực hiện phong trào sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, tổ chức các hội nghị, hội thảo giới thiệu giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp ngành chế biến nông thủy sản, chế biến thực phẩm, công nghiệp xây dựng.
Triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về đổi mới công nghệ, từ đầu năm đến nay, chương trình đã tiếp nhận 20 đề nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện dự án đổi mới công nghệ, thiết bị với tổng kinh phí đề xuất hỗ trợ là 7,85 tỉ đồng (kinh phí đối ứng của doanh nghiệp là 18,65 tỉ đồng). Xây dựng mô hình các tuyến phố, đường giao thông, công viên, khuôn viên trên địa bàn sử dụng đèn chiếu sáng là loại bóng cao áp natri hoặc cao áp metan.
Đèn chiếu sáng ngõ xóm, đường giao thông khu vực nông thôn sử dụng phổ biến bóng đèn compact; các loại đèn trang trí cơ bản sử dụng công nghệ đèn Led…
Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành và phát triển bền vững. Theo ông Nguyễn Minh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản TP Cần Thơ, thành phố đã xây dựng hơn 115 cánh đồng lớn với diện tích trên 30.000ha và 21.238 hộ tham gia. Hình thành các vùng sản xuất rau an toàn công nghệ cao với diện tích 229ha tại các quận, huyện; trong đó, chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP hơn 10ha.
Bên cạnh đó, nhiều nông dân, doanh nghiệp đã đầu tư phát triển sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, như: trồng rau trong nhà lưới, rau thủy canh, tưới phun trên rau... với diện tích khoảng 9,38ha. Để cho ra sản phẩm sạch, ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến với diện tích khoảng 227ha cây ăn trái có lắp đặt hệ thống tưới phun, 146,4ha cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Cùng với đó, các hoạt động thẩm định và hậu kiểm báo cáo đánh giá tác động môi trường trước và sau khi dự án hoạt động được thực hiện chặt chẽ. Công tác cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản, khai thác sử dụng tài nguyên nước mặt, nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước được thực hiện đúng quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: Thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững, thời gian qua, thành phố tăng cường theo dõi, giám sát công tác thu gom và xử lý rác thải, đồng thời triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực xử lý chất thải theo hình thức xã hội hóa.
Thúc đẩy lối sống xanh, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân trong việc chấp hành pháp luật, tích cực bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó, người dân thay đổi hành vi tiêu dùng và xây dựng lối sống thân thiện với môi trường…
Thời gian qua, TP Cần Thơ phát triển hài hòa giữa kinh tế - xã hội với môi trường. Trong ảnh: Một góc TP Cần Thơ.
Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định, nhưng thành phố nhìn nhận vẫn còn một số hạn chế trong thực hiện chiến lược TTX. Cụ thể, nhiều nội dung triển khai về TTX chỉ dừng lại ở việc tổ chức tập huấn, hội thảo. Việc theo dõi, đánh giá, giám sát về TTX còn hạn chế do chưa có các tiêu chí khung. Thiếu liên kết các biện pháp, chưa đồng bộ giữa các ngành cho các mục tiêu TTX, dẫn đến thiếu các hướng dẫn kịp thời cho địa phương và nhà đầu tư trong triển khai…
Từ đó, thành phố đề ra các giải pháp cho giai đoạn tiếp theo, nhằm đưa TTX thực sự là phương thức phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững. Đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao khả năng chống chịu tác động do biến đổi khí hậu.
Cụ thể, triển khai lập quy hoạch tích hợp TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch, trong đó, chú trọng lồng ghép các mục tiêu TTX trong quá trình lập quy hoạch, đề xuất cụ thể các giải pháp triển khai thực hiện. Xây dựng kế hoạch sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.
Đồng bộ hóa các chỉ tiêu đánh giá về TTX vào các chỉ tiêu thống kê để có cơ sở theo dõi, thu thập thông tin và đánh giá thực hiện. Bên cạnh đó, chủ động liên kết, hợp tác với các tỉnh vùng ĐBSCL, đặc biệt trong lĩnh vực TTX, ứng phó biến đổi khí hậu. Thu hút đầu tư ngoài nhà nước với các dự án xử lý rác thải, ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, các dự án điện gió, điện mặt trời…
Bài, ảnh: LẠC MẪN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)