Trước đó, ngày 15/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, thay thế cho Nghị định số 109/2010/NĐ-CP. Đây được đánh giá là bước tiến quan trọng, giúp tháo gỡ nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo.
Bộ Công Thương tích cực gỡ khó cho hoạt động xuất khẩu gạo
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin, hiểu được tầm quan trọng của văn bản này, ngày 1/10/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 30/2018/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP. Nghị định số 107/2018/NĐ-CP và Thông tư số 30/2018/TT-BCT có nhiều điểm mới thể hiện tư duy đổi mới trong quản lý của Chính phủ, của Bộ Công Thương về kinh doanh xuất khẩu gạo như: loại bỏ quy định về địa bàn đầu tư xây dựng, quy mô kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo; thương nhân chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng được xuất khẩu các loại gạo này không cần có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, khuyến khích thương nhân đầu tư sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng gạo có chất lượng, giá trị cao; thương nhân có thể thuê kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh…
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu từng khẳng định, đây là những bước tiến mới về thể chế theo hướng mở, xây dựng thể chế kiến tạo, minh bạch, tạo thuận lợi cho thương nhân khi gia nhập thị trường xuất khẩu gạo, nhằm phát triển ổn định, bền vững của ngành sản xuất, xuất khẩu gạo, nâng cao tính cạnh tranh của thương nhân và của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới.
Thực tiễn, sau hơn 1 năm thực thi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP với những cải cách, tư duy mới, Bộ Công Thương đã cấp thêm 47 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nâng con số thương nhân xuất khẩu gạo lên 182 thương nhân. Các thương nhân xuất khẩu gạo của Việt Nam đã và đang tiếp tục góp phần đưa những “hạt ngọc trời” của Việt Nam với chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Mặc dù, trong những năm gần đây, khi nhiều nước nhập khẩu gạo đã có những sự thay đổi sâu sắc về chính sách đối với mặt hàng lúa gạo theo hướng thị trường thuộc về người mua, trong hoạt động điều hành xuất khẩu gạo, đối với các đợt thầu G2P, chủ trương của Bộ Công Thương là cho phép tất cả các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo được tham gia và kịp thời công bố thông tin về các đợt đấu thầu của các nước trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua Hiệp hội Lương thực Việt Nam tới các thương nhân.
Trong bối cảnh rủi ro thị trường cao, song song với việc thông tin về các đợt đấu thầu, Bộ Công Thương cũng luôn chủ động cung cấp thêm thông tin về tình hình cung cầu gạo trong nước và thế giới, cảnh báo tới các thương nhân để các thương nhân có quyết định bỏ thầu đúng đắn, bảo đảm hiệu quả xuất khẩu gạo và uy tín xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Đặc biệt, đối với công tác xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã chủ trương đa dạng hóa, đổi mới các hình thức xúc tiến thương mại mặt hàng gạo, chú trọng các thị trường trọng điểm, truyền thống, mới, tiềm năng và theo từng chủng loại gạo đặc thù, góp phần giúp các thương nhân Việt Nam tìm kiếm, xây dựng quan hệ giao thương bền vững với các đối tác nước ngoài có uy tín, đảm bảo hoạt động kinh doanh ổn định, mang tính lâu dài.
"Về lâu dài, tái cơ cấu sản xuất lúa gạo cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác của ta cần phải đi theo hướng lấy tín hiệu thị trường để định đướng quy hoạch và tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu là biện pháp giúp ổn định được hoạt động tiêu thụ với giá có lợi cho người nông dân, nâng cao thu nhập của người nông dân" - Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.
Nhờ đó, tuy gặp khó khăn ở khu vực châu Á trong năm 2019, gạo Việt Nam đã đẩy mạnh được các thị trường khu vực châu Phi, châu Âu, châu Mỹ, góp phần giảm bớt lượng suy giảm từ thị trường truyền thống là châu Á. Đây không chỉ là kết quả nhờ sự chủ động, năng động của các thương nhân xuất khẩu gạo Việt Nam mà còn là kết quả của chủ trương chuyển dịch về cơ cấu thị trường và nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng trong thời gian qua của Bộ Công Thương, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
Với kỳ vọng tận dụng tốt cơ hội và vượt qua thách thức từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết trong thời gian qua, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo đang được xác định là một bộ phận quan trọng trong cộng đồng thương nhân Việt Nam, đã, đang và sẽ tiếp tục cùng đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế, góp phần phấn đấu đạt được chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 7% mà Quốc hội đề ra và mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra cho ngành Công Thương trong năm 2020.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2019, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 6,259 triệu tấn, thu về 2,758 tỷ USD.