Tri Tôn: Đất lành thu hút đầu tư

Thứ bảy, 25 Tháng 1 2020 16:05 (GMT+7)
Dù có xuất phát điểm thấp, hạ tầng chưa đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao nhưng Tri Tôn (An Giang) cũng đứng trước cơ hội tăng tốc phát triển. Quỹ đất lớn, nguồn lao động dồi dào, thiện chí mời gọi cùng các chính sách ưu đãi đầu tư được áp dụng là những lợi thế giúp Tri Tôn thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó là tiềm năng bứt phá phát triển du lịch.
Đột phá nông nghiệp
 
Năm 2019 có thể xem là năm rất thành công của huyện Tri Tôn trong mời gọi, thu hút đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Nổi bật trong số đó là dự án đầu tư liên kết phát triển chuỗi giá trị gia tăng bò sữa của Tập đoàn TH với dự kiến vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng, quy mô 900ha.
 
“Khi dự án được triển khai, Tập đoàn TH sẽ liên kết với nông dân phát triển vùng nguyên liệu trồng bắp, trồng cỏ lên đến vài ngàn ha. Người dân nông thôn có thêm việc làm và tăng thu nhập khi liên kết nuôi bò sữa. Khi lượng sữa thu nhiều, doanh nghiệp có thể xây dựng nhà máy sơ chế hoặc chế biến sữa, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho huyện”- Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm kỳ vọng.
 
Điều kiện thuận lợi của Tri Tôn đã thu hút được Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Lư Gia đầu tư dự án cây ăn trái, dược liệu, bò thịt, gà công nghệ cao kết hợp chiết xuất tinh dầu, với tổng vốn đầu tư hơn 2.562 tỷ đồng, quy mô 500ha, hiện đang triển khai thực hiện theo tiến độ.
 
Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Lộc Ngọc Xuân II và Công ty TNHH MTV Lộc Ngọc Xuân III dự kiến đầu tư 2 trang trại chăn nuôi cá sấu và đà điểu công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái. Mỗi dự án có tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng, quy mô từ 16,3-17,6ha, đang xúc tiến tạo quỹ đất. Đối với Công ty Cổ phần Gạo Hạnh Phúc, đang triển khai dự án nhà máy chế biến gạo xuất khẩu với tổng vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng, quy mô 16ha.
 
“Cũng trong năm nay, huyện đã mời gọi được Công ty TNHH MTV SX-TM-DV An Dy đầu tư sản xuất, nhân và lai tạo giống nấm đông trùng hạ thảo với quy mô 2.000m2, vốn đầu tư 6 tỷ đồng” - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Tri Tôn Trang Phước Hòa thông tin.
 
Một loại cây trồng đang phát huy hiệu quả ở Tri Tôn khi chuyển đổi sản xuất trên nền đất lúa là chuối cấy mô. Ông Hòa cho biết, Công ty TNHH Chế biến nông sản Vĩnh Phát đang đầu tư 127 tỷ đồng cho dự án sản xuất - chế biến chuối cấy mô tại xã Vĩnh Phước với quy mô 400ha.
 
Trong khi đó, Công ty TNHH MTV SD của ông Nguyễn Lợi Đức cũng đầu tư 150 tỷ đồng vào trang trại chăn nuôi bò kết hợp trồng chuối cấy mô với diện tích 71,1ha ở xã Vĩnh Gia. Đối với Công ty TNHH TM-DV XNK Hoàng Vĩnh Gia, đang đầu tư 84,6 tỷ đồng vào trang trại chăn nuôi heo và trồng chuối cấy mô với diện tích 178,4ha, cung ứng 12.000 con heo/năm cho Tập đoàn CP. Tại xã Tân Tuyến, Công ty TNHH XNK Nông sản Xanh Việt đầu tư dự án trồng chuối cấy mô với diện tích gần 100ha, tổng vốn 82,4 tỷ đồng.
 
Kết hợp du lịch
 
Để khai thác lợi thế cây lúa, Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú đã đầu tư kho chứa, nhà máy xay xát - chế biến lúa, gạo với tổng vốn 142,9 tỷ đồng, quy mô 56.480m2, sản xuất 62.720 tấn/năm. Xí nghiệp Lương thực huyện Tri Tôn đầu tư kho chứa, nhà máy xay xát - chế biến lúa, gạo với tổng vốn 65 tỷ đồng, sản xuất 62.720 tấn/năm và kho chứa 10.000 tấn/năm. Đối với Công ty TNHH TM-DV Sản xuất lúa giống Hai Thụ, đang đầu tư 10 tỷ đồng vào dự án Nhà máy sản xuất lúa giống Hai Thụ có quy mô 1ha, cung ứng 6.000 tấn lúa giống/năm.
 
Trong khi đó, Công ty TNHH TM-DV Hải Thuận An Giang đã đầu tư 45 tỷ đồng cho nhà máy chế biến bột cá trên diện tích 1ha, sản lượng 15.000 tấn/năm. Công ty Cổ phần SX-TM Hành Tinh Xanh đầu tư nhà máy sản xuất tinh dầu trầm hương với tổng vốn 33 tỷ đồng, quy mô 2.454m2.
 
Ông Cao Quang Liêm cho biết, Tri Tôn có diện tích lớn nhất tỉnh, có một số diện tích đất công do tỉnh, huyện quản lý chưa được khai thác trong thời gian dài, là điều kiện tốt để thu hút đầu tư vào địa bàn huyện. Tri Tôn là địa phương vừa có núi, vừa có đồng bằng, được thiên nhiên ưu đãi về cảnh đẹp thiên nhiên, tiềm năng khoáng sản, lễ hội văn hóa, nhiều di tích lịch sử nổi tiếng… Định hướng của huyện là tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi nông nghiệp mạnh mẽ kết hợp phát triển du lịch. Đối với diện tích rừng triền núi, huyện tập trung phát triển xoài, sầu riêng, cây dược liệu… Trong đó, vùng nguyên liệu xoài VietGAP ở xã Lê Trì đã xuất khẩu được sang Mỹ, Úc…
 
“Cùng với cảnh đẹp hồ Soài So và các hồ chứa nước vùng cao đã được đầu tư xây dựng mới (Ô Tà Sóc, Ô Thum, Soài Chek), sắp tới đây, Tri Tôn sẽ được đầu tư thêm 3 hồ lớn là: Lê Trì (27ha), Đăk Lây (23ha, thuộc xã An Tức) và Cô Tô (11ha). Huyện sẽ đầu tư hệ thống thủy lợi sau hồ để cung cấp nước tưới, giúp bà con Khmer canh tác 1.000ha đất quanh năm, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập” - ông Liêm chia sẻ.
 
 
Các hồ chứa nước rộng mênh mông này cùng với phong cảnh thiên nhiên, di tích lịch sử, kiến trúc chùa cùng văn hóa Khmer sẽ là những điểm nhấn cho du lịch Tri Tôn. Điển hình như ở khu vực hồ Soài Chek (xã Núi Tô), cùng với sân đua bò, đường lên chùa cổ Tà Pạ, huyện đang xây dựng nhà văn hóa Khmer, công viên, quy hoạch khu biệt thự vườn nghỉ dưỡng…
 
Đối với hồ Ô Thum (xã Ô Lâm), UBND tỉnh đã cho chủ trương Công ty Cổ phần Du lịch An Giang đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Tức Dụp 2. Tại khu vực hồ Ô Tà Sóc (xã Lương Phi), mô hình du lịch sinh thái sẽ phát triển gắn với khám phá, tìm hiểu khu di tích cách mạng Ô Tà Sóc. Còn với hồ Soài So, một loạt dịch vụ du lịch được mời gọi đầu tư để kết hợp khám phá núi Tô.
 
Những năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông huyết mạch của huyện Tri Tôn đã được đầu tư khá đồng bộ, như: Tỉnh lộ 941, 943, 948, đường Tri Tôn - Vàm Rầy, Tỉnh lộ 955B, cầu Cây Me...
 
“Sau khi đoạn Tỉnh lộ 948 thuộc huyện Tịnh Biên được nâng cấp mở rộng, chúng tôi sẽ đề nghị tỉnh đầu tư kết nối đoạn thuộc huyện Tri Tôn. Khi các tuyến đường được đầu tư thuận lợi, Tri Tôn sẽ phát huy được lợi thế là 1 trong 4 mũi tứ giác du lịch của tỉnh (Long Xuyên - Châu Đốc - Tri Tôn - Thoại Sơn. Huyện đang mở rộng các tuyến đường, thực hiện nâng cấp, chỉnh trang đô thị, đưa thị trấn Tri Tôn đạt chuẩn đô thị loại IV, tạo bộ mặt mới đón chào du khách đến Tri Tôn” - ông Liêm khẳng định.
 
Quan tâm nhiều mặt xã hội
 
Về lâu dài, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch vẫn là 2 mũi nhọn kinh tế của huyện miền núi Tri Tôn, kỳ vọng tạo ra đột phá phát triển mới. Tuy nhiên, ở địa phương mà tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao nhất tỉnh, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Khmer còn nhiều khó khăn thì huyện vừa phải xác định mục tiêu lâu dài, vừa tập trung quyết liệt cho những giải pháp trước mắt.
 
Theo kết quả điều tra, dân số huyện Tri Tôn năm 2019 có 134.930 người, trong đó dân tộc thiểu số Khmer gần 46.000 người, chiếm hơn 34% dân số. Nếu như tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến cuối năm 2019 còn khoảng 9,31% thì tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số Khmer còn khoảng 20%.
 
“Huyện dành ưu tiên cho công tác đào tạo nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm, triển khai đầy đủ, kịp thời chính sách dân tộc” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm nhấn mạnh.
 
Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân (bìa trái) thăm hỏi các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở Tri Tôn
 
Cùng với giảm nghèo, huyện quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục và đào tạo. Năm 2019 được Huyện ủy Tri Tôn chọn là “Năm nâng cao chất lượng giáo dục và các vấn đề xã hội”.
 
Ông Liêm cho biết, huyện đã vận động xã hội hóa gần 2 tỷ đồng để trang bị 170 bộ máy vi tính, đáp ứng cơ bản nhu cầu học công nghệ thông tin của học sinh. Đồng thời, đầu tư khoảng 116 tỷ đồng để xây mới, sửa chữa cơ sở vật chất trường học.
 
Với quyết tâm “mọi người đều có Tết, mọi nhà đều có Tết”, huyện Tri Tôn sẽ nỗ lực vận động kinh phí để tặng quà cho các hộ nghèo, khó khăn, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, gia đình chính sách… Đêm giao thừa, huyện tổ chức bắn pháo hoa từ trụ sở Huyện ủy để người dân vui đón xuân với sinh khí mới.
NGÔ CHUẨN - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế