* Nhịp sống công nghiệp
Mở đầu cho câu chuyện về Les Vergers Du Mekong, ông Lê Văn Đồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vườn Trái Cửu Long, chia sẻ: Les Vergers Du Mekong dịch sang tiếng Việt là “Vườn Trái Cửu Long” đã diễn giải đầy đủ cho lý do vì sao công ty được hình thành. Chúng tôi muốn là một phần của những vườn cây trái tại ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng”. Ông Đồng kể rằng, người sáng lập Les Vergers Du Mekong là ông Jean-Luc Voisin khi đến Việt Nam đã yêu thích ngay sự trù phú của vùng đất này. Bởi khí hậu đầy nắng, đất phù sa màu mỡ và đặc biệt là nông dân tuyệt vời- họ yêu đất, vườn của họ và làm việc rất chăm chỉ. Và từ nguồn nguyên liệu trái cây của ĐBSCL, Les Vergers Du Mekong đã sản xuất ra các loại nước ép trái cây tươi hoàn toàn nguyên chất thanh trùng; không sử dụng các chất bảo quản, màu hóa học. Ngoài ra còn có các loại mứt trái cây tươi nấu theo truyền thống Pháp, các loại puree (bột nhuyễn) trái cây khác…
Ông Jean-Luc Voisin, người sáng lập Les Vergers Du Mekong, tham quan vườn trái cây nguyên liệu của công ty và trao đổi với nông dân. Ảnh: CTV
Năm 2015, cái tên cá thát lát Phạm Nghĩa xuất hiện trên thị trường lần đầu chỉ với một văn phòng nhỏ diện tích chưa đầy 50m2, nhân viên chưa đến 20 người và sản lượng mỗi ngày chỉ từ 50-60kg. Đến năm 2019, Công ty Cổ phần Thực phẩm Phạm Nghĩa đã có một nhà máy sản xuất với diện tích 10.000m2, vùng nuôi hơn 30ha, trên 200 nhân sự và sản lượng bình quân 20 tấn/ngày. Với quy trình sản xuất khép kín, phát triển sản phẩm ra đến bàn ăn, cá thát lát Phạm Nghĩa ngày càng quen thuộc với người tiêu dùng. Ông Phạm Trọng Nghĩa, Tổng Giám đốc công ty, chia sẻ: Phạm Nghĩa đang phấn đấu trở thành doanh nghiệp chế biến thực phẩm quy mô với độ phủ trong nước và mở rộng xuất khẩu ra các thị trường lớn nước ngoài. Chúng tôi tâm niệm rằng “Với Phạm Nghĩa, ai cũng là đầu bếp” và chủ động áp dụng công nghệ hiện đại, đa dạng sản phẩm; chú trọng xây dựng văn hóa riêng biệt.
“Toàn thành phố hiện có 1.047 doanh nghiệp công nghiệp. Chỉ số phát triển công nghiệp trong 5 năm gần đây duy trì tăng trưởng ổn định. Hạt gạo, con cá, con tôm và trái cây của vùng ĐBSCL được chế biến tại Cần Thơ đã vươn ra nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động liên kết với các hợp tác xã, với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng để xuất khẩu sang các thị trường khó tính”- ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết.
* Mở lối trên những hành trình mới
The Fruit Republic Cần Thơ là công ty 100% vốn Hà Lan hoạt động tại KCN Hưng Phú 1 từ năm 2012 và chuyên xuất khẩu trái cây đạt chứng nhận Global GAP sang thị trường châu Âu. Ông Phan Thượng Minh, Giám đốc Dịch vụ Công ty The Fruit Republic Cần Thơ, chia sẻ: “Công ty có hơn 400 cán bộ, công nhân viên và có đến một nửa trong số đó làm việc trực tiếp tại vùng nguyên liệu ở khắp ĐBSCL để đồng hành hỗ trợ kỹ thuật giúp nông dân sản xuất theo quy trình Global GAP. Công ty chọn Cần Thơ làm điểm đến, chọn ĐBSCL để xây dựng vùng nguyên liệu. Chúng tôi cũng kỳ vọng hạ tầng giao thông thủy, bộ kết nối giữa Cần Thơ với các tỉnh trong vùng, với TP Hồ Chí Minh được quan tâm đầu tư hơn nữa, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển.
Khi các doanh nghiệp FDI tại Cần Thơ hoạt động hiệu quả sẽ góp phần lan tỏa sức hút đến các nhà đầu tư mới, tiềm năng. Ông Lê Văn Đồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vườn Trái Cửu Long, chia sẻ: Cần Thơ đang và sẽ làm tốt vai trò thu hút đầu tư trong tương lai. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, chúng tôi luôn đồng hành cùng UBND TP Cần Thơ trong quảng bá hình ảnh thành phố, kêu gọi đầu tư và giao lưu kết nối với các nhà đầu tư. Tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp chế biến trái cây còn rất lớn! Không chỉ chúng tôi mà các nhà đầu tư cùng ngành đều quan tâm nhiều đến những cơ chế ưu đãi tốt hơn cho các doanh nghiệp làm nông nghiệp sạch.
Các chuyên gia của Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc tham quan dây chuyền chế biến của Công ty Cổ phần Thực phẩm Phạm Nghĩa. Ảnh: CTV
Thành phố có 9 KCN tập trung, với 2 khu đã cơ bản lấp đầy là Trà Nóc 1, Trà Nóc 2. Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, khẳng định: Tương lai, KCN Thốt Nốt sẽ là điểm đến mới lý tưởng cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp tại Cần Thơ nhờ giao thông kết nối thông thương, cầu Vàm Cống góp phần rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp trung chuyển hàng hóa đi TP Hồ Chí Minh. Ban đang đề xuất thành phố xin ý kiến Chính phủ chuyển đổi vị trí một số KCN ven sông Hậu, gần khu đô thị ra các khu vực huyện ngoại thành nhằm giảm chi phí đền bù. Các KCN này gần các tuyến đường cao tốc, đường dự mở, được đầu tư hoàn thiện hạ tầng sẽ tạo điều kiện cho vùng nông thôn phát triển.
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương, nói: Chính phủ và Bộ Công thương đã quy hoạch Trung tâm logistics hạng II của vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ và thành phố đang giao Sở Công thương xây dựng Đề án để thu hút đầu tư phát triển Trung tâm logistics này. Vấn đề là phải giải quyết luồng cho tàu lớn vào sông Hậu để nhà đầu tư thấy được tiềm năng đáng khai phá trong lĩnh vực logistics tại Cần Thơ, không chỉ phục vụ cho Cần Thơ mà cho cả ĐBSCL.
* * *
Nhịp sống công nghiệp của Cần Thơ vẫn đang cuộn chảy! Có những doanh nghiệp chỉ mới góp mặt vài năm, cũng có những doanh nghiệp đã gắn bó từ ngày Cần Thơ hình thành các KCN. Dù thời gian ngắn hay dài, với ký ức xưa và khát vọng nay, tất cả đều nỗ lực hướng về phía trước, cùng thành phố góp thêm những mùa xuân mới tràn đầy niềm tin và hy vọng!
MINH HUYỀN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)