Kết nối
Lãnh đạo thành phố tiếp xúc với nhà đầu tư Nhật Bản.
Trong nhiều năm, vùng ĐBSCL luôn là nhóm các địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh đứng đầu trong cả nước. Cơ sở hạ tầng của ĐBSCL, đặc biệt là TP Cần Thơ ngày càng được đầu tư hoàn thiện. Trong chiến lược thu hút đầu tư, thành phố xác định Nhật Bản là một trong đối tác trọng điểm thu hút đầu tư. Để thúc đẩy mối hợp tác này, TP Cần thơ thành lập Japan Desk Cần Thơ kết nối hỗ trợ các nhà đầu tư Nhật Bản tìm hiểu môi trường kinh doanh tại TP Cần Thơ.
Tổ công tác gồm 14 thành viên có tổ trưởng là Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, các thành viên còn lại là lãnh đạo một số sở, ngành của thành phố; đặc biệt, tổ công tác còn có một tổ phó là người Nhật giữ vai trò cố vấn. Chức năng của Japan Desk Cần Thơ là cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư từ Nhật vào TP Cần Thơ. Cầu nối liên kết giữa nhà đầu tư Nhật với các cơ quan chức năng của TP Cần Thơ trong việc cung cấp thông tin, thực hiện các hoạt động hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư Nhật trên địa bàn TP Cần Thơ. Đồng thời, Japan Desk Cần Thơ cung cấp thông tin cần thiết cho các doanh nghiệp Nhật muốn tìm hiểu môi trường đầu tư tại TP Cần Thơ cũng như, kết nối với Japan Desk các tỉnh, thành, các hiệp hội, các tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại của Nhật…
Kể từ khi thành lập Tổ công tác, hoạt động xúc tiến đầu tư của thành phố có nhiều khởi sắc và tiến triển tốt. Đây cũng là kênh quảng bá chính thức của TP Cần Thơ đến các nhà đầu tư Nhật Bản. Trong 2 năm hoạt động (từ năm 2017-2019), các thành viên Tổ công tác đã phối hợp cung cấp thông tin về kinh tế - xã hội, các dự án đầu tư từ Nhật Bản trên địa bàn thành phố, tham gia tiếp và làm việc với hơn 20 đoàn chính quyền thành phố, tỉnh và doanh nghiệp địa phương Nhật Bản đến Cần Thơ tìm cơ hội hợp tác. Tổ công tác phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát danh mục dự án mời gọi đầu tư từ Nhật Bản. Tham mưu UBND thành phố ban hành 10 cam kết của Chủ tịch UBND thành phố đối với doanh nghiệp Nhật Bản tại Khu Công nghiệp Hữu nghị Việt Nam- Nhật Bản. Hai năm qua, thành phố tổ chức 2 đoàn công tác xúc tiến hợp tác đầu tư tại Nhật Bản và 1 hội thảo xúc tiến đầu tư vào TP Cần Thơ dành cho doanh nghiệp Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh...
Năm 2019, đã từng bước tổ chức thực hiện việc ký kết hợp tác, hữu nghị, đoàn kết, đầu tư giữa TP Cần Thơ và tỉnh Wakayama, Hyogo, thành phố Tokyo về thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, du lịch, logistics, y tế, giáo dục thu được một số kết quả khả quan như tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư và Kết nối giao thương với hơn 120 đại biểu tham dự. Trong khuôn khổ hội nghị, TP Cần Thơ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Nhà máy sản xuất, gia công thủy sản cho Liên doanh giữa The Marine Foods Corporation (Nhật Bản) và Công ty TNHH Thực phẩm Xuất khẩu Nam Hải. Thành phố cũng Cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Takesho Food & Ingredients Inc. triển khai dự án xây dựng nhà máy chế biến nguyên liệu thực phẩm tại Khu Công nghiệp Trà Nóc 2 đầu tư nhà máy chiết xuất protein từ tôm thành gia vị, tổng vốn đầu tư 2 dự án 22 triệu USD.
Phát huy hiệu quả từ Japan Desk Cần Thơ
Lũy kế đến hết năm 2019, TP Cần Thơ có 86 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 726,35 triệu USD. Trong đó có 8 dự án có vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản, vốn đầu tư đăng ký 32,18 triệu USD (năm 2017, thành phố có 6 dự án có vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản, vốn đầu tư đăng ký 12,04 triệu USD). Ước năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Cần Thơ vào Nhật Bản là 190,2 triệu USD, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: gạo, thủy hải sản, may mặc, lông vũ, nông sản, nông sản chế biến, dược phẩm và một số mặt hàng khác (găng tay bóng ném, vật tư nguyên liệu); kim ngạch nhập khẩu là 14,25 triệu USD, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: nguyên liệu dược, hóa chất, vải và một số mặt hàng khác (da, vật tư nguyên liệu, máy móc thiết bị).
|
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết chất lượng nguồn nhân lực của địa phương ngày càng được nâng lên, đáp ứng tốt yêu cầu của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ông nhấn mạnh, Japan Desk Cần Thơ là đơn vị quan trọng cung cấp thông tin cho nhà đầu tư Nhật Bản khi đến TP Cần Thơ tìm hiểu cơ hội hợp tác; là đầu mối cung cấp thông tin thị trường, cơ hội đầu tư tại Nhật Bản cho các doanh nghiệp Việt Nam. Để Tổ công tác tiếp tục hoạt động hiệu quả, các đơn vị cần nghiêm túc đánh giá, nghiên cứu phương án để đưa ra đề xuất điều chỉnh, bổ sung về nhân sự cũng như nội dung hoạt động của tổ công tác...
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, nguyên Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư- Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, cho biết năm 2019, nhà đầu tư Nhật Bản đứng đầu trong các nhà đầu tư đến Cần Thơ. Trong năm qua, Trung tâm đã tổ chức các chuyến đi thăm và làm việc với các doanh nghiệp FDI Nhật Bản trên địa bàn. Qua đó cho thấy các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đều đạt kết quả tốt, một số doanh nghiệp có xu hướng mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đến Cần Thơ làm ăn, trong công tác xúc tiến, thành phố cần tập trung vào các tập đoàn lớn, mang tính dẫn dắt...
Bà Nguyễn Thị Kiều Duyên, Phó trưởng Ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản. Đối với dự án Khu Công nghiệp Hữu nghị Việt Nam- Nhật Bản, vẫn chưa hấp dẫn được nhà đầu tư do chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng, còn thiếu những mô hình nhà xưởng mẫu... Ông Trương Quốc Trạng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, đề xuất: để có cách làm hay, mang lại hiệu quả tích cực trong việc thu hút đầu tư từ Nhật Bản, thành phố cần tổ chức các chuyến công tác tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tế từ các địa phương, doanh nghiệp Việt thành công trong thu hút nhà đầu tư Nhật Bản...
Ông Noboru Konda, Tổng Giám đốc Tập đoàn Brainworks, chia sẻ: ngoài TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, phần lớn doanh nghiệp Nhật Bản chưa biết nhiều đến ĐBSCL, trong đó có TP Cần Thơ. Theo các chuyên gia Nhật Bản, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương- thu hút mạnh nhà đầu tư Nhật Bản, tuy nhiên theo nhận định, hiện quỹ đất tại các địa phương này không còn nhiều nên dẫn đến sự dịch chuyển các nhà máy Nhật Bản đến các địa phương khác, ĐBSCL cần tranh thủ cơ hội này. Để thu hút đầu tư hiệu quả, các địa phương nên tiếp cận các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam sẽ tốt hơn đối với các doanh nghiệp chưa làm ăn với Việt Nam, để mời gọi họ mở các chi nhánh, nhà máy sản xuất tại địa phương. Đồng thời, cần chú ý đến môi trường sinh sống cho người Nhật: trường học, bệnh viện, các điều kiện giải trí... khi họ đến đầu tư kinh doanh. Có được như vậy, việc thu hút đầu tư từ Nhật Bản sẽ tích cực hơn. Ông Takimoto Koji, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh (JETRO) nhận định, nguồn nhân công ở TP Cần Thơ dồi dào, nhân lực trẻ và năng động, đào tạo cơ bản tốt, đáp ứng với nhu cầu phát triển. Tôi sẽ giới thiệu đến các doanh nghiệp Nhật Bản về vùng ĐBSCL với nhiều tiềm năng phát triển.
Bài, ảnh: KHÁNH NAM - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)