Tránh hạn cho vụ hè thu

Thứ bảy, 28 Tháng 3 2020 16:22 (GMT+7)
Năng suất vụ lúa đông xuân 2019 - 2020 ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đạt cao. Tuy nhiên, vụ hè thu năm nay, sản xuất lúa ở hai khu vực này dự báo sẽ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, vì vậy các bộ, ngành và địa phương đang triển khai các phương án nhằm tránh hạn, bảo đảm sản xuất vụ hè thu đạt kết quả tốt.
Tránh hạn cho vụ hè thu
Vụ hè thu năm nay, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang cây lạc, nông dân xã Bình Nam, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) không phải trăn trở về việc thiếu nước tưới. Ảnh: SƯƠNG BIÊN
 
Ðược mùa vụ đông xuân
 
Phó Cục trưởng Trồng trọt Lê Thanh Tùng cho biết, đến nay sản xuất vụ đông xuân 2019 - 2020 tại các tỉnh, thành phố duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cơ bản đạt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Diện tích lúa toàn vùng ước đạt 314,2 nghìn ha, giảm 5.300 ha nhưng năng suất lại tăng cao, ước đạt 66,28 tạ/ha, tăng 2,16 tạ/ha.Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Bình Ðịnh, vụ đông xuân năm 2019 - 2020, toàn tỉnh sản xuất hơn 48 nghìn ha lúa. Nhờ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp trong sản xuất cũng như phòng trừ sâu bệnh, năng suất lúa đạt 69,8 tạ/ha. Riêng các huyện như: Hoài Ân, Tây Sơn, Tuy Phước đã xây dựng nhiều cánh đồng lớn và đầu tư sản xuất thâm canh, phòng trừ sâu bệnh kịp thời cho nên năng suất lúa đạt hơn 71 tạ/ha.
 
Ðể đạt được kết quả đó, Cục Trồng trọt đã phối hợp các địa phương triển khai kế hoạch và các giải pháp chỉ đạo sản xuất sớm hơn, bố trí thời vụ gieo sạ phù hợp, xuống giống nhanh, gọn; chủ động lịch xuống giống linh hoạt cho từng tiểu vùng tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương. Theo đó, vùng đủ nước tưới đã tăng cường đầu tư thâm canh, vùng có nguy cơ thiếu nước cuối vụ chuyển đổi cây trồng khác sử dụng ít nước như: ngô, lạc, rau, đậu… Hưởng ứng chương trình phát động giảm lượng giống lúa gieo sạ của Bộ NN và PTNT, các tỉnh đã đồng loạt triển khai sản xuất lúa vụ đông xuân 2019 - 2020 đến các địa phương và hộ dân cho nên đã thay đổi dần tập quán gieo sạ lúa mật độ cao. Theo đó, lượng giống lúa gieo sạ phổ biến hiện nay là từ 120 đến 130 kg/ha. Một số địa phương đã chủ động xây dựng mô hình giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80 kg/ha có kết quả tốt và đang tuyên truyền nhân rộng trong thời gian tới. Không những vậy, việc cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa như san lấp phẳng đồng ruộng, áp dụng máy sạ hàng và máy cấy… giúp giảm lượng giống lúa gieo sạ đã được thực hiện tốt hơn.
 
Ðặc thù của các tỉnh, thành phố duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là địa hình đồi núi, sinh thái đa dạng, quy mô diện tích sản xuất nhỏ lẻ dẫn đến việc triển khai thực hiện mô hình cánh đồng lớn cho các loại cây trồng còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để tạo lợi thế cạnh tranh về chi phí sản xuất, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, các địa phương đã xây dựng một số mô hình cánh đồng lớn cho từng loại cây trồng. Kết quả cho thấy, các mô hình triển khai theo cánh đồng lớn trong sản xuất lúa tập trung chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao hơn so với canh tác truyền thống, từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ và gieo trồng truyền thống của người dân.
 
Chủ động tránh hạn vụ hè thu
 
Bộ NN và PTNT cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có lượng mưa thấp hơn trung bình những năm trước cho nên sản xuất vụ hè thu năm nay dự báo nhiều khó khăn.Tại các tỉnh Bình Ðịnh, Ninh Thuận, Bình Thuận, nhiều hồ chứa chỉ đạt 10 đến 40% dung tích thiết kế. Dự báo năm nay, vùng duyên hải Nam Trung Bộ sẽ hạn tương đương giai đoạn 2015 - 2016. Còn ở Tây Nguyên, các hồ chứa vào thời điểm này, lượng nước chỉ khoảng 62% dung tích. Hiện tại, vùng Tây Nguyên có hàng trăm héc-ta cây trồng thiếu nước và dự báo thời gian còn lại của mùa khô năm 2020 do lượng mưa thấp cho nên khả năng diện tích cây trồng bị thiếu nước tăng lên 25.000 đến 30.000 ha. Ðể giải quyết tình trạng này, Bộ NN và PTNT cũng đã đưa ra hai phương án cho vụ sản xuất hè thu. Nếu thời tiết hạn nặng như giai đoạn năm 2015 - 2016, vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên gieo sạ khoảng 177.000 ha lúa, giảm gần 10.000 ha. Nếu hạn nặng hơn, toàn vùng sẽ cắt giảm hơn 47.000 ha lúa, chỉ gieo sạ khoảng 131.000 ha.
 
Tại hội nghị sơ kết sản xuất vụ đông xuân 2019 - 2020 và triển khai vụ hè thu 2020 vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên do Bộ NN và PTNT tổ chức tại Bình Ðịnh ngày 13-3, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu, các địa phương sẵn sàng các giải pháp chống hạn vụ hè thu 2020; rà soát lại từng vùng, từng tiểu vùng nguồn nước đáp ứng được cho sản xuất lúa. Cần tập trung sử dụng giống lúa ngắn ngày, năng suất cao; đẩy lịch thời vụ lên sớm hơn để tận dụng nguồn nước, đặc biệt là chủ động các phương án để ứng phó hạn hán lớn, kéo dài.
 
Mặt khác, Cục Trồng trọt khuyến cáo người dân đẩy mạnh nạo vét kênh, mương, bờ vùng, bờ thửa; gia cố bờ đập, kiểm tra và sửa chữa, tu bổ công trình thủy lợi; tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn nước, vận hành hợp lý công trình, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp yêu cầu cây trồng; bố trí diện tích sản xuất không vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng tại những nơi có khả năng thiếu nước; thường xuyên thông báo tình hình thời tiết, nguồn nước để điều chỉnh việc cấp thoát nước cho phù hợp với sản xuất. Ðối với vùng khả năng bị hạn, thiếu nước tưới, cần chuyển đổi cây trồng cạn như mè, sắn,... hoặc chuyển dịch mùa vụ gieo trồng để tránh thiệt hại do khô hạn…
 
NGUYÊN PHÚC - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế