Dịch bệnh Covid-19 đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu. Hãng tin Bloomberg có đã nhận định tăng trưởng kinh tế thế giới bằng 0, thậm chí nhiều nước còn đang tăng trưởng âm.
Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê KT-XH Quý I/2020 do Tổng cục thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) công bố chỉ trong 3 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Nền kinh tế Việt Nam đang bị ảnh hưởng sâu rộng và toàn diện ở tất cả các ngành nghề, các lĩnh vực, cùng lúc chịu tác động cả từ hai phía cung và cầu. Việc đóng cửa các cơ sở kinh doanh, sang nhượng, trả mặt bằng, cắt giảm nhân sự, “ngủ đông” thậm chí tuyên bố phá sản ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang diễn ra ngày càng phổ biến với tần suất ngày càng tăng. Nền kinh tế đang ở mức thấp nhất trong lịch sử mười năm qua.
Trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp, các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng duy trì sự tồn tại và cầu cứu Chính phủ có những giải pháp cụ thể giúp họ tháo gỡ và giải quyết các khó khăn giúp họ vượt qua giai đoạn này.
Tại cuộc họp thường trực Chính phủ vào ngày 27/3 vừa qua, Thủ tướng cho biết đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu gói tài khóa hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Thủ tướng cũng khẳng định, gói này sẽ “lớn gấp nhiều lần gói miễn, giãn nợ thuế hơn 80.000 tỷ đồng đang thực hiện”. Thủ tướng đã giao cho Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước triển khai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 27/3 - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Trước đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ cũng đã tung ra gói hỗ trợ trị giá 280.000 tỷ đồng gồm 25.000 tỷ đồng hỗ trợ tín dụng nhằm khoanh, giãn nợ vay cho các doanh nghiệp chịu tác động của Covid-19. Cùng đó là 30.000 tỷ đồng hỗ trợ giãn, hoãn nộp thuế doanh nghiệp. gói hỗ trợ tài khóa này sau đó được Bộ Tài chính đề xuất tăng lên trên 80.000 tỷ đồng.
Đây là một tín hiệu đáng mừng từ Chính phủ dành cho các chủ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Giải pháp đưa ra nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Khi nền kinh tế bị ảnh hưởng, người lao động là đối tượng sẽ chịu tác động nặng nề nhất.
Trước tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, nhiều nước trên thế giới đã có những gói hỗ trợ hoặc kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử. Điển hình Thượng viện Mỹ đã phê duyệt gói kích thích kinh tế của nước này với số tiền lên đến 2.000 tỷ USD. Tuy vẫn còn nhiều những ý kiến trái chiều song việc khôi phục và phát triển nền kinh tế giai đoạn hiện nay đang được Chính phủ tất cả các nước xem trọng và ưu tiên hàng đầu trong đó có Việt Nam.
Huyền Phạm link - (doanhnghiepvn.vn)
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)