Trước việc giá thịt heo trong nước duy trì ở mức quá cao trong thời gian dài sau tác động của dịch tả heo châu Phi, lượng thịt heo nhập khẩu từ Mỹ, Canada, Brazil, Nga… gia tăng đáng kể và dần "ghi điểm" với người tiêu dùng.
Giá chỉ từ 45.000 đồng/kg
Lần theo lời quảng cáo thịt heo Mỹ, Canada trên mạng với giá hấp dẫn chỉ từ 45.000 đồng/kg, người viết liên hệ nhân viên Công ty B.M.A (trụ sở tại quận 3, TP HCM) thì được biết đây là giá bán sỉ đối với món giò heo. Giá các mặt hàng khác cũng khá "mềm": nạc thăn 119.000 đồng/kg, sườn non 109.000 đồng/kg, cốt lết 99.000 đồng/kg - điều kiện là khách phải mua nguyên thùng từ 15-23 kg, tùy loại thịt. Đối với khách mua lẻ, giá các mặt hàng cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg và phụ thu thêm tiền cắt (2.000 đồng/kg), đóng gói hút chân không từng túi 500 g (2.000 đồng/túi). Công ty này cam kết bán hàng không cận "đát" và có đầy đủ giấy tờ xuất xứ để người mua yên tâm.
Theo khảo sát của phóng viên, giá thịt heo đông lạnh chỉ bằng phân nửa hoặc 70% so với thịt heo tươi của một số thương hiệu trong nước. Tại cửa hàng Co.op Food Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh), thịt ba rọi nhập khẩu được cắt khoanh, đóng khay khá bắt mắt với miếng thịt nhiều nạc, chỉ có lớp mỡ ở giữa, giá khuyến mãi 195.000 đồng/kg. Cửa hàng thực phẩm Hiền Hà ở cạnh chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP HCM) bán thịt heo đông lạnh (Mỹ) giá chỉ 152.000 đồng/kg nhưng lớp mỡ nhiều hơn.
Do thịt heo trong nước giá cao, chị Mai Lê (ngụ quận 7, TP HCM) đã rủ bạn mua chung 1 thùng thịt heo đông lạnh về dùng thử. "Theo cảm nhận của tôi, thịt heo ngoại không khác mấy so với thịt tươi trong nước nhưng giá rẻ hơn rất nhiều" - chị Lê nhận xét. Bà Thanh Loan (ngụ quận Bình Thạnh) thì cho rằng thịt đông lạnh không còn vị ngọt và dai tự nhiên như thịt heo "nóng" nên khi nấu nướng phải cho gia vị nhiều hơn.
Thịt heo nhập khẩu được rao bán khá nhiều trên “chợ” online Ảnh: TẤN THẠNH
Còn vướng rào cản tâm lý
Thực tế, rào cản từ thói quen tiêu dùng thích thịt heo tươi sống, mới giết mổ đã khiến thịt heo đông lạnh nhập khẩu thời gian qua chủ yếu chỉ được cung cấp vào kênh các nhà máy chế biến thực phẩm hoặc các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể mà ít được bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), cho biết dù thịt heo nhập khẩu về nhiều nhưng công ty chỉ dùng cho chế biến. "Nếu khách sỉ có nhu cầu, Vissan vẫn bán thịt heo đông lạnh. Đến nay, phần lớn người tiêu dùng vẫn chưa chấp nhận thịt đông lạnh mà thích hàng tươi sống. Đây là vấn đề tâm lý, thói quen tiêu dùng chứ không phải vấn đề chất lượng" - ông Phú nhìn nhận. Cũng theo ông Phú, quy cách pha lóc thịt heo nhập khẩu và trong nước khác nhau nên so sánh chênh lệch giá là không chuẩn xác. "Ví dụ sườn non nhập khẩu có tới 9 cọng trong khi sườn non trong nước chỉ 7 cọng, 2 cọng còn lại tính vào sườn già. Thịt ba rọi nhập khẩu mỡ rất nhiều, người tiêu dùng Việt không thích, lý do là heo ở nước ngoài giết mổ ở trọng lượng lớn (130 kg/con), còn trong nước thường mổ từ 90-110 kg/con" - ông Phú dẫn chứng.
Chủ một cơ sở chế biến thực phẩm tại Bình Dương cho biết những ngày gần đây, nhiều nhà nhập khẩu chào bán thịt heo nhập từ Nga. "Đây là nguồn hàng mới nên cơ sở đặt thử vài thùng ba rọi (giá 120.000 đồng/kg) để làm món ba rọi xông khói và thịt heo kho trứng đóng hộp. Cảm quan về màu sắc, mùi vị, tỉ lệ nạc mỡ thì nguồn hàng này khá chất lượng, chúng tôi có thêm lựa chọn về nguyên liệu" - chủ cơ sở này thông tin.
Theo ông Nguyễn Thanh Khuê, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Anh Khải Ký (TP HCM), lâu nay thịt đông lạnh được bán chủ yếu cho kênh nhà hàng, khách sạn, quán ăn, suất ăn công nhân… nên người chế biến là đầu bếp chuyên nghiệp, có kỹ thuật và các thiết bị để rã đông sản phẩm đúng cách. "Quá trình rã đông thịt nếu không đúng cách sẽ rất dễ nhiễm vi sinh, làm giảm chất lượng thịt. Do đó, người tiêu dùng khi nấu ăn tại nhà phải tìm hiểu kỹ về quy trình rã đông thịt. Ngoài ra, trên thị trường hiện nay còn có hiện tượng thịt đông lạnh được rã đông rồi bán như thịt tươi sống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe người tiêu dùng nên rất cần được cơ quan chức năng kiểm soát" - ông Khuê kiến nghị.
Nhập khẩu thịt heo tăng 300%
Thông tin từ Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), từ ngày 28-1 đến nay, Tập đoàn Miratorg (Nga) đã làm thủ tục xuất khẩu hơn 3.465 tấn thịt heo thông qua 15 doanh nghiệp của Việt Nam. Các lô hàng đã về đến Việt Nam qua các cảng Cát Lái, Phước Long - TP HCM và cảng Hải Phòng vào ngày 18-3, đang cung cấp ra thị trường. Cũng theo Cục Thú y, tính đến ngày 27-3, Việt Nam đã nhập 39.191 tấn thịt heo, tăng 312% so cùng kỳ năm 2019. Các nguồn chính cung cấp thịt heo cho Việt Nam là: Canada 25,81%, Đức 20,59%, Ba Lan 13,77%, Brazil 9,68%, Mỹ 7,65%, Nga 2,62%. Trước đó, trong năm 2019, Việt Nam đã nhập 67.131 tấn thịt heo và sản phẩm chế biến từ thịt heo, tăng 63% so với năm 2018.
Để gia tăng thêm nguồn cung thịt heo, ngoài kiến nghị các chính sách hỗ trợ tái đàn heo trong nước, Bộ NN-PTNT cũng kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm những nguồn hàng hợp lý tại các nước xuất khẩu. Ngoài ra, Bộ NN-PTNT đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sớm có chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt heo; trong đó có chính sách giảm, miễn thuế cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo từ Mỹ.
VƯƠNG NGỌC - (nld.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)