Doanh nghiệp xuất khẩu gạo mong được gỡ khó

Thứ sáu, 10 Tháng 4 2020 06:58 (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh xuất khẩu (XK) gạo tại ĐBSCL cũng đang tỏ ra lo lắng vì lượng hàng "mắc kẹt" ở cảng. Tỉnh An Giang cũng kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo cho nông dân và DN trong giai đoạn khó khăn này.
 
Thu hoạch lúa Đông Xuân tại ĐBSCL. Ảnh: CẢNH KỲ
Thu hoạch lúa Đông Xuân tại ĐBSCL. Ảnh: CẢNH KỲ
 
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), những DN đã đóng gạo vào container chờ xuất khẩu có khả năng bị thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng do việc dừng XK gạo. Trước hết là DN sẽ bị thiệt hại vì phải xử lý số lượng hàng đang chuẩn bị XK. Tiếp đó, nếu giá lúa sụt giảm thì nông dân sẽ bị thiệt.
Còn ông Phạm Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung Thạnh cho rằng, việc hàng hóa bị tắc nghẽn, tạo thêm gánh nặng rất lớn về chi phí cho DN. “DN gặp rất nhiều khó khăn vì vốn vay đến hạn thanh toán, ngân hàng vẫn phải thu hồi, trong khi hàng hóa không lưu thông được nên không có dòng tiền để trả nợ ngân hàng”, ông Quang nói và cho rằng, Chính phủ nên sớm có quyết định để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.
 
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long) dẫn số liệu thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, việc tạm dừng XK đột ngột đã khiến khoảng 200.000 tấn gạo của DN bị "mắc kẹt" ở cảng, riêng công ty của ông cũng bị tồn hơn 1.000 tấn.
 
Ngoài chuyện DN có thể bị phạt do không giao hàng đúng hạn cho đối tác thì gánh nặng chi phí phải lưu hàng ở cảng là không hề nhỏ. Trung bình một container gạo (25 tấn), DN phải tốn khoảng 300.000 đồng/ngày. Với 1.000 tấn gạo (tương đương 50 container), DN của ông Thành đang chịu mức phí 15 triệu đồng/ngày. Tính hết 200.000 tấn gạo (tương đương 8.000 container) như ở trên thì các DN phải mất 2,4 tỷ đồng/ngày. Về lý thuyết, DN có thể thương lượng với đối tác nhập khẩu để chia sẻ rủi ro. Tuy nhiên, theo ông Thành, nếu khách hàng không đồng ý hỗ trợ DN đành phải chịu rủi ro.
 
Ngày 5/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang (địa phương sản xuất lúa hàng đầu vùng ĐBSCL) có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị xem xét hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo cho nông dân và DN trên địa bàn, đảm bảo an sinh xã hội cho địa phương trong mùa dịch bệnh COVID-19.
 
Trong công văn, An Giang kiến nghị cho phép DN tiếp tục XK gạo, trong đó ưu tiên cho XK sớm số lượng gạo đã và đang làm thủ tục khai báo hải quan, tồn đọng tại cảng và số gạo đã ký hợp đồng đến hết năm 2020, nhằm giúp các DN hạn chế thiệt hại do vi phạm hợp đồng, đồng thời giữ ổn định giá lúa trên thị trường.
 
Trong khi năm 2020 An Giang sẽ sản xuất 4 triệu tấn lúa, tương đương 2 triệu tấn gạo, tỉnh này kiến nghị Chính phủ căn cứ vào yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực, có chủ trương cho XK phù hợp.       
 
GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, khi nhu cầu cao, thương lái mua lúa của nông dân với giá cao, người dân được hưởng lợi. Người dân được mùa thì nên “cho phép” họ trúng giá để họ khá lên. Còn vấn đề an ninh lương thực chúng ta vẫn đảm bảo được, vì hằng năm chúng ta có đến 3 vụ lúa. Theo ông Xuân, hiện tại đang có dịch bệnh, nhưng khi hết dịch rồi thì tình hình sẽ trở lại bình thường, do vậy cần có những giải pháp căn cơ và bền vững.            
 
CẢNH KỲ - (tienphong.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế