Giải pháp cấp bách cho doanh nghiệp và người dân

Chủ nhật, 12 Tháng 4 2020 13:15 (GMT+7)
Trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tình hình sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội, hiện Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, địa phương đã đề ra nhiều giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
 
Nhiều giải pháp cấp bách sẽ được hỗ trợ kịp thời đến doanh nghiệp và người lao động trước những tác động do Covid-19.
 
Hệ lụy từ dịch Covid-19
 
Sau hơn 3 tháng kể từ thời điểm bùng phát, hiện dịch Covid-19 tiếp tục có diễn biến nhanh, phức tạp, lan rộng trên phạm vi toàn cầu, khó dự báo đỉnh dịch và thời điểm kết thúc, cũng như quy mô, phạm vi tác động của dịch. Còn ở trong nước, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực quyết tâm, quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nên công tác phòng, chống dịch đã, đang đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tạo tâm lý an tâm cho người dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong khi tính tự chủ và năng lực nội tại của không ít doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, từ đó dịch Covid-19 đã có những tác động và ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
 
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Các doanh nghiệp trong nước đang gặp nhiều khó khăn khi nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường đầu ra đều giảm mạnh. Mặt khác, chi phí để duy trì hoạt động trở thành gánh nặng trong khi dòng tiền dần thiếu hụt; đồng thời doanh thu sụt giảm, thậm chí thua lỗ nên khả năng cầm cự không thể kéo dài, từ đó số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng cao so với cùng kỳ.
 
Qua khảo sát cho thấy, hiện các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong những lĩnh vực xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động việc làm… là những ngành đang chịu tác động trực tiếp và ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19 gây ra. Điển hình, trong lĩnh vực công nghiệp về chế biến và chế tạo thì đang bị gặp khó về nguồn nguyên, vật liệu (nhất là nguyên liệu nhập từ Trung Quốc), từ đó tác động đến tình hình sản xuất của doanh nghiệp và nguồn thu nhập cho công nhân. Trong lĩnh vực du lịch, lượng hành khách quốc tế đang giảm 70-80%, khách nội địa cũng giảm từ 10,9-15,3 triệu lượt. Bên cạnh đó, ngành hàng không, với việc tạm dừng bay tới các quốc gia trên thế giới và giảm đường bay nội địa nên các hãng hàng không trong nước giảm khoảng 40-50% doanh thu; còn vận tải đường bộ và đường sắt, xe buýt, taxi cũng bị sụt giảm mạnh do lượng khách đi du lịch, lễ hội giảm.
 
Trước những khó khăn trong sản xuất và kinh doanh nên có không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tạm ngưng hoạt động, từ đó kéo theo nhiều lao động phải mất việc làm, ảnh hưởng đến đời sống. Qua tổng hợp nhanh từ các doanh nghiệp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 2 tháng đầu năm nay có khoảng 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Bước sang đầu tháng 3, đặc biệt tuần thứ 2 khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, số lượng doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với trên 15% trong tổng số doanh nghiệp. Đặc biệt, ở một số ngành, lĩnh vực như: du lịch, lưu trú, nhà hàng thì cắt giảm đến 70-80%. Tại Hậu Giang, nhiều doanh nghiệp, đơn vị cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, trong đó điểm dễ nhận thấy nhất là các cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà hàng, dịch vụ ăn uống… đều tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ đó những đơn vị này phải mất doanh thu, đặc biệt là số lao động phải nghỉ việc tương đối lớn.
 
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thông tin đến cuối tháng 3 vừa qua cả nước có trên 153.000 người mất việc làm phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và hàng triệu lao động bị ngừng việc, trong đó tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực như: vận tải, dệt may, da giày, dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống… Nếu diễn biến dịch có xu thế đi ngang như hiện nay thì ước tính trong quý II này, cả nước sẽ có trên 250.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và 1,5-2 triệu lao động bị ngừng việc. Trường hợp dịch bùng phát mạnh hơn thì con số trên tăng lên gấp đôi. “Qua khảo sát nhanh, có tới 53% doanh nghiệp dự kiến giảm ít nhất 20% số lao động và 27% dự kiến cắt giảm trên 40% số lao động. Do đó, số lao động bị cắt giảm, mất việc làm được dự báo sẽ đạt mức thấp kỷ lục trong 10 năm qua và tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây”, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động -  Thương binh và Xã hội, chia sẻ thêm.
 
Ngoài 2 vấn đề trên thì trong sản xuất nông nghiệp cũng đang chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19 khi có không ít mặt hàng nông sản chủ lực gặp khó khăn về đầu ra và giá bán giảm mạnh. Chẳng hạn tại Hậu Giang, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid- 19 nên nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh như: khóm Cầu Đúc, mít Thái siêu sớm, dâu, xoài, dưa hấu... đều bị rớt giá mạnh vì thị trường tiêu thụ chậm, từ đó tạo tâm lý lo lắng cho nông dân.
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho hay: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của quý I ước chỉ tăng 3,82% so với cùng kỳ, đây là con số thấp nhất từ năm 2011 tới nay. Trong đó, đáng chú ý là lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản gần như không có tăng trưởng, chỉ tăng 0,08% do tác động kép của dịch Covid-19 và tình hình hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng xảy ra ở khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và vùng đồng bằng sông Cửu Long, cũng như dịch tả heo châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn. Trong điều kiện tình trạng dịch Covid-19 càng kéo dài thì ảnh hưởng đến nền kinh tế càng nghiêm trọng hơn, từ đó mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,8% là thách thức và khó đạt được.
 
Nhiều giải pháp cấp bách đặt ra
 
Để tháo gỡ những khó khăn, thách thức đang đặt ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng công việc phòng, chống, dập dịch, bảo đảm an toàn tuyệt đối sức khỏe cho Nhân dân phải tiếp tục xem là nhiệm vụ ưu tiên, quan trọng hàng đầu. Đặc biệt là chủ động ứng phó với các kịch bản đã được dự liệu, không chủ quan, không hoang mang. Tuy nhiên, cũng cần có những giải pháp cấp bách nhằm duy trì và thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững ổn định xã hội; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã đề ra.
 
Theo đó, nhằm chia sẻ gánh nặng và khó khăn ngay trong lúc dịch đang diễn ra, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tham mưu và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mà đối tượng được hướng tới là doanh nghiệp, người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng dịch Covid-19; qua đây góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Từ yêu cầu trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất để Chính phủ ban hành các gói hỗ trợ về an sinh xã hội. Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động -  Thương binh và Xã hội, thông tin thêm: Mức hỗ trợ theo các gói an sinh xã hội được đề xuất là từ 300.000 đồng đến 1,8 triệu đồng/người/tháng (tùy theo đối tượng) và áp dụng không quá 3 tháng, bắt đầu hỗ trợ từ tháng 4 này. Ngoài ra, sẽ xem xét tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng cho người lao động và người sử dụng lao động. 
 
Cùng với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các ngành ngân hàng, tài chính, công thương, giao thông vận tải... cũng kịp thời triển khai các giải pháp như: giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, miễn giảm phí dịch vụ, thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi; gia hạn, giãn, hoãn các khoản phải nộp của doanh nghiệp về thuế, tiền thuê đất; cắt giảm chi phí cho các doanh nghiệp, giảm giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ... với tổng giá trị quy đổi ước tính khoảng 330.000 tỉ đồng, tương đương gần 14 tỉ USD. Mặt khác, Chính phủ cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các đối tượng là doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành nghề chịu tác động của dịch Covid-19, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đồng thời, dự kiến hỗ trợ khoảng 20 triệu đối tượng, với kinh phí khoảng 62.000 tỉ đồng trong việc thực hiện đơn giản hóa thủ tục gửi hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Cùng với Chính phủ và bộ, ngành Trung ương thì các địa phương còn thực hiện cắt giảm các khoản chi để dự phòng cho nguồn thu ngân sách và có giải pháp hỗ trợ cho những đối tượng gặp khó khăn, nhất là lao động mất việc làm, hộ nghèo, gia đình có công.
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị từng đơn vị liên quan cần thực hiện quyết liệt, đầy đủ các giải pháp đã ban hành tại các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ nhằm duy trì được các hoạt động kinh tế, xã hội ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.
 
Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ phải được áp dụng phù hợp với từng giai đoạn và bảo đảm nguyên tắc nhanh, kịp thời, đúng đối tượng, hiệu quả. Bên cạnh đó, các ngành liên quan hình thành sớm kịch bản vực dậy nền kinh tế trên tinh thần “bình phục nhanh” và “bứt phá”. Sau đó, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương và khu vực doanh nghiệp để sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới nhằm đủ sức cạnh tranh, cũng như chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch…
 
HỮU PHƯỚC - (baohaugiang.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế