Lượng lúa vụ đông xuân còn tồn nhiều trong dân và doanh nghiệp.
Trước đó, nhiều DN kinh doanh xuất khẩu gạo tại ĐBSCL lo lắng khi lượng gạo lớn đang “mắc kẹt” ở cảng.
Nhiều địa phương cũng đã có văn bản kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo cho nông dân và DN, nhất là giai đoạn dịch bệnh gây nhiều khó khăn. Ngày 10/4, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép xuất khẩu 400 ngàn tấn gạo trong tháng 4/2020, phương án điều hành trong tháng 5/2020 sẽ được tính toán và quyết định trước ngày 25/4.
Mở cổng khai hải quan… lúc rạng sáng
Bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty Ngọc Quang Phát ở TP Cần Thơ cho biết: Hiện nay giá gạo đang nằm ở mức cao, DN mà xuất được thì cũng sẽ mua lúa với giá cao cho nông dân, trong khi đó vụ hè thu cũng đã đến gần. Đây là thời điểm vàng để chúng ta bán gạo, nếu để nó trôi qua, giá tụt trở lại thì sẽ rất khó khăn và chịu nhiều thiệt thòi nhất vẫn là nông dân.
Đồng tình với quyết định của Thủ tướng khi đồng ý cho xuất khẩu 400 ngàn tấn gạo, ông Phạm Thái Bình-Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng đây là quyết định rất kịp thời.
Quyết định này đã làm cho ngành hàng lúa gạo của Việt Nam không mất cả ngàn tỷ đồng. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của các DN hoạt động trong ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL.
Tuy nhiên quyết định của Thủ tướng khiến cho các DN chưa kịp vui thì câu chuyện “thông qua tự động” của hải quan đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các DN xuất khẩu gạo.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại Phước Thành IV ở Vĩnh Long thì cho rằng, nhiều DN đã không làm thủ tục mở tờ khai hải quan được, trong khi có một số ít DN khác lại được rất nhiều. “Ai mở cổng khai hải quan lại mở lúc rạng sáng bao giờ. Có một số DN do không nắm được thông tin, cho nên sáng thức dậy thì người ta đã khai hết rồi”- ông Thành nói và cho rằng, việc nhiều DN không mở được tờ khai hải quan sẽ tiếp tục gặp khó khăn vì hàng còn ùn ứ ngoài cảng rất lớn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều công ty phải cử nhân viên ngồi canh máy tính để chờ Tổng cục Hải quan mở cổng khai báo hải quan để vào mở tờ khai, thời gian để khai chỉ có vài tiếng đồng hồ rồi bị khoá.
Ngày 13/4, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (gọi tắt Cty Trung An) có trụ sở tại Cần Thơ đã có “Đơn đề nghị giải quyết khẩn cấp” gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương.
Ông Bình cho biết: Việc làm của hải quan là “không minh bạch”. Từ trước ngày 24/3 đến nay, Cty Trung An đã phải tạm dừng đăng ký và thông quan đối với các lô hàng gạo xuất khẩu đã và đang trên đường lên cảng. Hiện tại đang có hàng trăm ngàn tấn gạo đã nằm tại các cảng đang chờ thông quan. “Nếu hải quan cho mở tờ khai thì việc đầu tiên phải cho các lô gạo của các DN đã và đang khai dở dang, sau đó mới cho khai mới. Việc rất đơn giản vậy mà hải quan không thực hiện, mà chỉ trong 3 giờ đồng hồ lúc đêm khuya đã cho khai hết 400 ngàn tấn. Việc làm của Hải quan như vậy có đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hay không?”.
Số lượng gạo lưu kho còn nhiều
Ghi nhận của chúng tôi, tại địa bàn TP Cần Thơ hiện có 41 DN đủ năng lực xuất khẩu gạo trực tiếp và hiện nay số lượng gạo lưu kho trên địa bàn còn rất nhiều. Trước đó các đơn vị này đã thực hiện ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài và đăng ký khai hải quan đầy đủ. Hiện các doanh nghiệp vẫn còn lượng lớn lưu kho chưa được phân bổ hạn ngạch xuất khẩu, trong khi đó, số nợ cho vay của các ngân hàng đối với các DN xuất khẩu gạo trên địa bàn đã lên tới 7.700 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương Cần Thơ xác nhận, chỉ riêng các DN Cần Thơ hiện nay có gần 10 ngàn tấn gạo đang nằm ở kho cảng, trên các ghe tàu chờ xuất khẩu, chi phí phát sinh mà các DN phải trả lên tới tiền tỷ.
Long An, được xem là tỉnh xuất khẩu gạo nếp hàng đầu Việt Nam cũng đã phải lên tiếng về việc thông quan lúc “nửa đêm” và cho rằng thông tin giờ thông quan không được thông tin rộng rãi chính thức. Theo đó đợt vừa qua Long An chỉ có 7/24 DN khai báo với sản lượng chỉ 8.500 tấn.
Sở Công thương tỉnh Long An cũng có văn bản động viên các DN kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn, và yêu cầu các DN “tiếp tục theo dõi hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020, vì trong trường hợp tờ khai hải quan đã khai không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực chất ít hơn số lượng đã khai hải quan thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4. Thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu”.
An Giang cũng vừa có công văn kiến nghị cho phép thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đang có hiệu lực, trong đó ưu tiên cho xuất khẩu sớm số lượng gạo đã và đang làm thủ tục khai báo hải quan, tồn đọng tại cảng, cùng số lượng gạo đã ký hợp đồng đến hết năm 2020.
Trao đổi với PV báo Đại Đoàn kết, ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty xuất khẩu gạo Trung Thạnh ở Cần Thơ cho biết: Mong muốn Chính phủ tính toán sớm mở đường cho DN xuất khẩu, trong khi mùa vụ mới khoảng 1,5 tháng nữa là tới rồi. Chỉ cần đến mùa vụ mới thì lượng gạo dự trữ quốc gia và lượng gạo khác còn tồn đọng có thể dùng đến sang năm còn chưa hết. Giai đoạn này giá gạo đang cao, nhiều nơi cố găm lại để được giá tốt nhất, nếu mở xuất khẩu thì giá mới tăng còn nếu hạn chế như hiện nay giá sẽ từ từ giảm xuống, chỉ cần đến hết tháng 5 vụ mới thu hoạch giá lúa sẽ tụt xuống rất mạnh. Giá lúa gạo đang tăng cao mà không cho xuất đi, trong khi vụ mới sắp đến là cả một thách thức…
Có hay không nhóm lợi ích trong xuất khẩu gạo?Về vấn đề này, ngày 14/4, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn khẳng định: “Không có dấu hiệu hay là tác động tiêu cực của công chức hải quan, cơ quan hải quan”. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, hệ thống thông quan thủ tục hải quan điện tử của hải quan Việt Nam do Chính phủ Nhật tài trợ và đã hoạt động mấy năm nay, thủ tục hải quan là 24/7, tức là không có ngày nghỉ và không có giờ nghỉ. Kể từ 24h ngày 11/4/2020, hệ thống đã được thiết lập để hoạt động tự động theo nguyên tắc tự động tiếp nhận, tự động trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu theo nguyên tắc tờ khai đăng ký trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước, ngay sau khi người khai hải quan gửi thông tin tờ khai hải quan đến hệ thống, không có sự can thiệp của công chức hải quan. Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tự động dừng tiếp nhận thông tin đăng ký tờ khai hải quan nếu số lượng đăng ký chạm mốc hạn ngạch được phép xuất khẩu trong tháng 4 (là 400.000 tấn).
Qua theo dõi, thống kê của Tổng cục Hải quan trong thời gian từ 24h ngày 11/4/2020 đến 19h34 ngày 12/4/2020 đã có 40 DN đăng ký tờ khai xuất khẩu tại 13 Chi cục Hải quan; Số lượng gạo đã đăng ký trong tờ khai xuất khẩu là 399.999,73 tấn. Theo ông Cẩn, số lượng gạo xuất khẩu còn dư hơn 11 tấn. Do vậy là các DN đăng ký tờ khai lớn hơn 11 tấn thì đều bị “hất ra”. (Hồ Hương)
Quốc Trung - (daidoanket.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)