Nâng tầm đặc sản miền Tây

Thứ năm, 16 Tháng 4 2020 13:53 (GMT+7)
Lâu nay, đặc sản vùng ĐBSCL có sức hấp dẫn không chỉ đối với du khách gần xa mà còn ngay cả người dân địa phương. Tuy nhiên, một thực tế phải nhìn nhận là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hiện nay vẫn chưa đầu tư mạnh cho việc xây dựng thương hiệu. Bên cạnh một số sản phẩm đặc sản được đầu tư khá tốt đi được vào các kênh phân phối hiện đại, hầu hết thiết kế bao bì sơ sài, không bắt mắt. Đây là một trong những nguyên nhân khiến đặc sản vùng miền khó vươn xa.
 
Đặc sản vùng ĐBSCL được giới thiệu tại một sự kiện tổ chức trên địa bàn TP Cần Thơ mới đây.
 
Chưa gây dựng được niềm tin
 
Theo lời kể của chị Đỗ Ngọc Lan, người dân phường Lê Bình, quận Cái Răng, mới đây, gia đình chị được người quen cho 1 hộp khô heo, giới thiệu là đặc sản của tỉnh Trà Vinh. Khô được để trong hộp nhựa trong suốt nhìn khá hợp vệ sinh. Khi nếm thử  thì hương vị rất đặc trưng, vừa ăn. Tuy nhiên, nhãn của sản phẩm chỉ ghi vỏn vẹn: Cơ sở K.N; thành phần: thịt heo, muối, đường…; địa chỉ cũng chỉ ghi cấp xã, huyện. Ngoài ra, sản phẩm nói trên chỉ ghi ngày sản xuất, không ghi hạn sử dụng và hoàn toàn không đề cập đến chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. “Ngon thì ngon thật nhưng tôi cũng hơi sợ vì không biết rõ xuất xứ và cũng chẳng ai bảo đảm sản phẩm không gây hại đến sức khỏe người dùng” - chị Đỗ Ngọc Lan băn khoăn.
 
Còn chị Lê Thanh Mai, ngụ phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, cho biết: “Các loại khô, mắm; tương, chao, hủ tiếu, lạp xưởng, rượu… là những món khoái khẩu của người miền Tây và cũng gây ấn tượng với khách từ xa đến. Tuy nhiên, ngoài các sản phẩm vào được các kênh phân phối hiện đại được đầu tư bài bản về nhãn mác, bao bì, sản xuất theo tiêu chuẩn… thì các sản phẩm bán ở chợ truyền thống còn rất sơ sài.
 
Không ít sản phẩm chỉ được đóng gói bằng những túi ni lông trắng bình thường, không có những điểm nhấn để tạo ấn tượng. Những sản phẩm có bao bì khá hơn lại không cung cấp nhiều thông tin sản phẩm cho người tiêu dùng. Trong khi đó, mức sống người dân ngày một nâng cao, khi bỏ tiền ra mua sản phẩm họ không chỉ quan tâm về giá, chất lượng mà còn muốn biết sản phẩm đạt được chứng nhận gì, quá trình nuôi trồng và chế biến ra sao…”.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, để xây dựng thương hiệu và để sản phẩm đi vào lòng người tiêu dùng, người sản xuất phải có những câu chuyện dẫn dắt và tạo điểm nhấn cho sản phẩm. Đây là điều mà doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ sản xuất chưa làm được. Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ: Sóc Trăng có những đặc nức tiếng gần xa: gạo ST24, Trứng bào xác Artemia Vĩnh Châu, Trà Mãng cầu, Lạp xưởng Mai Quế Lộ Quãng Trân, Bánh pía nhân đậu xanh hiệu Quãng Trân, Tôm một gió… Để phát huy thế mạnh này, tỉnh cũng thành lập Cửa hàng Giới thiệu- Liên kết- Tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc sản- An toàn vệ sinh thực phẩm tại điểm du lịch chùa Chén Kiểu (huyện Mỹ Xuyên). Tuy nhiên, quá trình triển khai thì gặp khó do người dân chưa giỏi về kỹ năng giao tiếp và khi giới thiệu sản phẩm lại không có những câu chuyện gắn liền với quá trình sản xuất ra sản phẩm. Chính vì vậy, đặc sản dù ngon, sạch, bổ dưỡng nhưng vẫn chưa níu chân được khách hàng.
 
Trợ lực
 
Theo các chuyên gia, chính những hạn chế nói trên là những trở ngại lớn khiến đặc sản địa phương không thể thoát khỏi thị trường nhỏ bé “nơi mình sinh ra” để đến với khách hàng ở các vùng miền khác nói chi đến chuyện xuất khẩu. Đó còn chưa kể tới những vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng và bảo hộ thương hiệu, tương tác để hiểu tâm lý khách hàng… Vùng nông thôn cả nước hiện có 6.010 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình (có đăng ký kinh doanh). Trong đó, có 3.126 doanh nghiệp tổ chức sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế, đặc sản địa phương thuộc 6 nhóm sản phẩm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, nhóm lưu niệm- nội thất- trang trí, nhóm dịch vụ- du lịch nông thôn. Do quy mô sản xuất nhỏ, nguồn lực hạn chế, mang tính hộ gia đình nên sản phẩm đặc sản ĐBSCL còn hạn chế về nhiều mặt: vốn, công nghệ, chiến lược marketing, xây dựng thương hiệu… Tuy nhiên, đã đến lúc đặc sản vùng miền phải tìm hướng đi phù hợp với sự hỗ trợ đắc lực từ các cơ quan quản lý nhà nước để có thể thoát ra khỏi thị trường truyền thống và tiến xa hơn, mang lại giá trị cao hơn cho người sản xuất.
 
Nhận diện được những “điểm nghẽn” trong phát triển đặc sản vùng miền, Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan đã có những giải pháp thúc đẩy đặc sản vùng miền cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng. Trong đó, đáng kể nhất là Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (OCOP) do Chính phủ phê duyệt và các chính sách, giải pháp về phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn do Bộ Công thương chủ trì.
 
Mới đây, Bộ Công thương ban hành Kế hoạch số 1480/KH-BCT về việc hỗ trợ, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp khu vực, quốc gia. Kế hoạch tập trung các nội dung hỗ trợ khá toàn diện. Cụ thể, sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, quốc gia được hỗ trợ, cung cấp thông tin, tư vấn hướng dẫn cách tiếp cận chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước; xét ưu tiên hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Đồng thời, các dòng sản phẩm này còn được trợ lực kết nối với các hệ thống phân phối hàng hóa bán buôn, bán lẻ trên toàn quốc; tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, xúc tiến đầu tư phát triển và xây dựng, quảng bá, phát triển thương hiệu... Như vậy, với những hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước nếu doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ kinh doanh biết tận dụng cơ hội và  phát huy nội lực bản thân, tin rằng sản phẩm đặc sản miền Tây sẽ được nâng tầm và vươn ra biển lớn.
 
Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng – Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, cho biết: “Đến cuối năm 2019, tất cả địa phương tại ĐBSCL đã phê duyệt Đề án OCOP giai đoạn 2018-2020 cấp tỉnh cũng như xác định những sản phẩm thế mạnh, đặc thù. Hầu hết địa phương đều xác định được hơn 10 sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh để đầu tư và phát triển. Một số tỉnh có hơn 30 sản phẩm: Sóc Trăng, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp. Trong đó, nhiều sản phẩm chất lượng đã được sản xuất và tiêu thụ tốt trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
 
MỸ THANH - (baocantho.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế