Các thiết bị, công nghệ hiện đại ứng dụng trong nông nghiệp được giới thiệu tại một sự kiện tổ chức ở TP Cần Thơ.
►Nhiều DN tiên phong
Nói đến việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp không thể không đề cập đến mô hình Nông trại sạch Cần Thơ-CanTho Farm tọa lạc trên địa bàn quận Bình Thủy. Cantho Farm có diện tích khoảng 7.000m2, tích hợp các mô hình trồng trọt (thủy canh, địa canh) và chăn nuôi công nghệ cao.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ cơ sở sản xuất Cantho Farm, cho biết: "Để tiết kiệm tối đa lượng nước và chất dinh dưỡng cung cấp cho cây, ở đây chúng tôi trồng địa canh dưa lưới, dưa lê, dưa leo, cà chua theo công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel và trồng thủy canh (xà lách) theo công nghệ thủy canh của Hà Lan. Ngoài ra, Cantho Farm còn kết hợp các dịch vụ tham quan, trải nghiệm và ẩm thực tại chỗ".
Được thành lập từ năm 2015, đóng trên địa bàn quận Cái Răng, Công ty TNHH Vườn Sinh Thái Kim's Garden chuyên cung ứng trùn quế (giống, phân, thịt trùn quế đông lạnh), ruồi lính đen (trứng, phân), dế mèn Thái (bán trứng). "Đây là các sản phẩm dùng làm đầu vào cho các hộ nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Điểm mạnh của chúng tôi là có đủ năng lực để ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và ứng dụng Online Marketing để gia tăng doanh số bán hàng. Với sự phát triển rộng khắp của hệ thống Internet và sự phổ biến của điện thoại thông minh đã giúp nông dân có thể tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng với website và kênh Youtube của công ty"- bà Hoàng Thị Hồng Lộc, đồng sáng lập Công ty TNHH vườn sinh thái Kim's Garden chia sẻ.
Ở lĩnh vực chế biến nông sản, một số DN cũng mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ để tiết giảm chi phí sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm. Theo ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung Thạnh (huyện Cờ Đỏ), với tầm nhìn và mục tiêu ngắn hạn "Làm thật tốt cái hiện có", công ty đang tập trung tối đa vào nâng cao năng lực quản lý và tay nghề cho đội ngũ cán bộ công nhân viên thông qua việc cải tiến kỹ thuật, công nghệ để tiết kiệm tối đa về nhân công, hao hụt thất thoát trong sản xuất.
"Chúng tôi liên kết với Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc đào tạo thợ cơ khí để bảo vệ, bảo trì, nâng cấp máy móc và đồng bộ hóa các dây chuyền sản xuất. Nhờ vậy, công ty từng bước giảm chi phí sửa chữa máy móc hằng năm từ 4 tỉ đồng xuống còn 2,5 tỉ đồng"-ông Phạm Văn Quang thông tin.
►Cần sự phối hợp đồng bộ
Có thể thấy, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tế hoạt động sản xuất là bài toán vô cùng nan giải do hạn chế về nguồn vốn đầu tư; quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên khó ứng dụng đồng bộ; nguồn nhân lực còn hạn chế; các rào cản về chính sách… Tuy nhiên, các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản của TP Cần Thơ đều nhận thức rõ ứng dụng khoa học kỹ thuật là cần thiết và là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung Thạnh, cho biết: Hiện Trung Thạnh đang xây dựng Dự án Nâng cao hiệu quả cho chuỗi giá trị lúa gạo phục vụ xuất khẩu thông qua ứng dụng công nghệ cao vào quản lý và sản xuất tại các "Cánh đồng lớn". Dự án này được sự hỗ trợ từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và sự phối hợp giữa 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Nếu Dự án thành công sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho công ty trong việc ứng dụng cơ giới hóa hiện đại vào các khâu sản xuất ngoài cánh đồng và tự động hóa các khâu trong chế biến tại nhà máy.
Theo bà Hoàng Thị Hồng Lộc, đồng sáng lập Công ty TNHH vườn sinh thái Kim's Garden, trong thời đại Internet phát triển mạnh mẽ như hiện nay, DN nên mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và hoạt động bán hàng… DN phải nhạy bén nắm bắt được các thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng hiện nay. Chẳng hạn, xưa nay chúng ta vẫn nghĩ nông dân là đối tượng ít tiếp cận với công nghệ thông tin. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rất nhiều nông dân tìm đến công ty thông qua Google hay truy cập kênh Youtube để xem các video clip hướng dẫn kỹ thuật và đặt hàng qua website. Nhiều ý kiến cho rằng, để DN có thêm cơ hội cũng như mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất rất cần sự trợ lực từ phía Nhà nước.
Trồng rau thủy canh theo công nghệ Hà Lan tại Cantho Farm.
Theo ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, trong năm 2020, thành phố tiếp tục khai thác có hiệu quả các hạ tầng khoa học và công nghệ hỗ trợ DN: Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ, Vườn ươm Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc… Đồng thời, tập trung thực hiện các Chương trình Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đổi mới công nghệ (giai đoạn 2018-2020); Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (giai đoạn 2016-2020), Chương trình Nâng cao năng suất, chất lượng…
Đây là các kênh hỗ trợ đắc lực để DN tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch vào thực tế sản xuất. Một số ý kiến đề xuất ngành nông nghiệp rà soát Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của thành phố để kịp thời bổ sung kế hoạch, giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao để thích ứng với tiến trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ và cung cấp tín dụng cho nông dân, DN, trang trại trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0 ở tất cả các lĩnh vực trong chuỗi nông sản thực phẩm.
MỸ THANH - (baocantho.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)