Quyết liệt và kịp thời
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP. Cần Thơ) - đánh giá: Đề xuất của Bộ Công Thương về việc bãi bỏ hạn ngạch, cho xuất khẩu gạo bình thường trở lại từ ngày 1/5 là hành động rất kịp thời, quyết liệt và phù hợp với thực tế sau khi lắng nghe những kiến nghị thực tế từ doanh nghiệp và địa phương.
“Bộ Công Thương lần này đã làm rất quyết liệt để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực này” - ông Bình chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp gạo đang đàm phán hợp đồng mới sau quyết định được xuất khẩu bình thường trở lại
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Hòa - Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ (Long An) - nhấn mạnh rằng, các hành động của Bộ Công Thương trong thời gian qua rất kịp thời, sát cánh hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Dẫn chứng cụ thể, ông Vũ cho hay, trước đó Công ty Dương Vũ đã bị ách tắc 500 container gạo tại cảng, song nhờ sự vào cuộc kịp thời của Bộ Công Thương, doanh nghiệp đã nhanh chóng giải tỏa hết số hàng trên để kịp giao cho đối tác.
Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc đề xuất cho xuất khẩu gạo trở lại bình thường theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo là quyết định đúng đắn.
Trước đó, trong buổi làm việc ngày 22/4 với Đoàn kiểm tra liên ngành về xuất khẩu gạo tại TP. Hồ Chí Minh, đơn vị cũng đã đề xuất, trong bối cảnh mới khi Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch xong vụ Đông Xuân và chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ thu hoạch vụ Hè Thu, chúng ta đã đảm bảo được an ninh lương thực nên cũng phải có cái nhìn nhận rộng hơn để hài hòa giữa sản xuất với tiêu thụ.
Tạo phấn khởi để doanh nghiệp ký thêm hợp đồng mới
Được biết, kể từ khi Chính phủ quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực thì các doanh nghiệp gạo đã tuân thủ nghiêm túc quyết định này và không ký kết thêm hợp đồng mới.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến 22/4 lượng gạo mà doanh nghiệp phải giao cho đối tác đến cuối tháng 5/2020 là 1,3 triệu tấn - giữ nguyên so với thời điểm VFA báo cáo vào với Bộ Công Thương ngày 26/3. Nay với quyết định được xuất khẩu bình thường trở lại, nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ nhanh chóng thực hiện đàm phán hợp đồng mới với đối tác ngay từ đầu tháng 5.
Bà Đặng Thị Liên - Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Long An - chia sẻ, ngay khi biết thông tin được xuất khẩu gạo bình thường trở lại công ty bà đã bắt đầu đàm phán hợp đồng xuất khẩu mới với đối tác. Theo đó, đã có một đối tác đặt hợp đồng khoảng 1.500 tấn gạo thơm đài với giá 510 USD/ tấn. Mức giá này dù thấp hơn so với hồi đầu tháng 4 nhưng vẫn cao hơn 100 USD/ tấn so với tháng 1 và tháng 2/2020. Công ty đang cân nhắc để tiến tới ký kết hợp đồng.
Còn theo ông Phạm Thái Bình, sau khi giải tỏa được 3.000 tấn gạo bị kẹt tại cảng, trong tháng 5 và tháng 6, Trung An sẽ thực hiện giao khoảng 27.000 tấn gạo theo hợp đồng đã ký, đồng thời thương thảo thêm hợp đồng mới với giá tốt hơn.
Mai Ca - (congthuong.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)