Nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp lãnh đạo cùng sự đồng hành của doanh nghiệp (DN), TPHCM đã thực hiện tốt việc điều tiết thị trường, cung cầu và ổn định giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu.
Theo phản ánh của chị Nguyễn Bảo Ngọc (ngụ quận 5, TPHCM), ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, cho đến thời điểm Chính phủ yêu cầu cách ly toàn xã hội, gia đình chị vẫn không lo thiếu các mặt hàng thiết yếu, nhất là gạo và thực phẩm tươi sống. Nguyên nhân chính vì Việt Nam có thế mạnh trong sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản nên hàng hóa luôn đầy ắp siêu thị, chợ đầu mối.
Mặt khác, gần 20 năm qua, TPHCM đã và đang triển khai rất tốt công tác bình ổn thị trường, ổn định giá cả. “Chỉ cần theo dõi sát thông tin và có niềm tin vào công tác điều hành của TP, chắc chắn nhiều người sẽ từ bỏ tâm lý mua gom hàng dự trữ như một số thời điểm vừa qua”, chị Bảo Ngọc nói.
Ngành công thương đảm bảo tốt nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân trong thời điểm dịch Covid-19. Ảnh: CAO THĂNG
Thực tế cho thấy, để đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm trong mùa dịch, ngày 10-2, Sở Công thương đã ban hành kế hoạch số 716 về đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, sữa trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp với dịch Covid-19. TP đã chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong quý 1-2020 tăng 30%-40% so với cùng kỳ năm 2019. Mục tiêu của kế hoạch là ngăn chặn việc lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá để người dân an tâm, chủ động phòng chống dịch, không để lây lan trong cộng đồng, đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân.
Để thực hiện được mục tiêu này, Sở Công thương đã phối hợp sở ngành chức năng, DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn, dự trữ và cung ứng hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, tránh nguy cơ gây mất ổn định thị trường hàng hóa trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp đối với dịch Covid-19. Qua đó, đảm bảo nguồn cung chủ yếu từ 3 nguồn chính sau: các DN tham gia Chương trình BOTT(chiếm 30%-40% thị phần); các chợ đầu mối với các mặt hàng rau - củ - quả, thủy hải sản, thịt gia súc (chiếm 60%-70% thị phần); các DN khác (chiếm 10%-20% thị phần).
Các chợ đầu mối xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa trong giai đoạn phòng chống dịch; tăng cường kiểm tra, theo dõi số lượng hàng hóa xuất nhập; tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn và về chợ; nắm bắt tình hình kinh doanh, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân trong chợ.
Ban quản lý chợ kịp thời thông tin về nhu cầu thị trường đến thương nhân và tăng cường công tác kiểm tra lượng hàng cung ứng, chủ động điều phối, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa cục bộ, tăng giá đột biến. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi xây dựng kế hoạch chuẩn bị dự trữ hàng hóa phục vụ phòng chống dịch, tăng lượng hàng dự trữ 2-3 lần so với tháng thường.
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh, Sở Công thương tiếp tục theo dõi sát tình hình, diễn biến cung - cầu đối với mặt hàng thực phẩm thiết yếu, chủ động xây dựng, đề xuất các phương án nhằm ổn định thị trường; xây dựng và triển khai kế hoạch cung cấp thực phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19; khuyến khích DN tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, dự trữ, cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, bao gồm lương thực (gạo, mì gói, bún khô …), đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả..., cam kết cung ứng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
TPHCM cũng chủ động làm việc với các địa phương có nguồn cung lượng hàng lớn như Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang,... để nắm bắt tình hình hoạt động nuôi trồng, sản xuất, cung ứng hàng hóa. Trong trường hợp dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng, Sở Công thương chủ động làm việc với các hệ thống phân phối có kế hoạch phân phối, cung ứng hàng hóa theo hình thức, phương thức phù hợp, tránh tình trạng đứt hàng cục bộ.
Theo nhận định của Sở Công thương, tuy chịu tác động của Covid-19 nhưng nhờ sự chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, đa dạng và ổn định về giá nên lĩnh vực thương mại luôn duy trì sức mua tăng trưởng, ổn định. TP phát triển được hệ thống phân phối hiện đại; thương mại điện tử được khuyến khích phát triển và người dân dần chuyển sang mua sắm trực tuyến; các giải pháp kết nối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường được triển khai thường xuyên và hiệu quả, thể hiện được vai trò của một trung tâm phân phối, lưu chuyển hàng hóa. Hàng hóa lưu thông được thông suốt, cung đảm bảo cầu. Đó là những điểm nổi bật của ngành công thương TPHCM trong 4 tháng đầu năm 2020.
Đến nay, dù dịch bệnh cơ bản được khống chế nhưng các DN có quy mô phân phối lớn trên địa bàn TP như Saigon Co.op, Satra, Vinmart, Lotte Mart, Big.C, Aeon Mall… vẫn tiếp tục theo sát tình hình thị trường, luôn có phương án dự trữ hàng hóa với số lượng lớn, giá cả ổn định để đáp ứng đầy đủ và liên tục trong nhiều tháng tới. Mặt khác, các đơn vị phân phối đã làm việc với DN sản xuất, cung ứng nhiều mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu để chuẩn bị nguồn hàng cho những tháng cuối năm.
UYỂN CHI - (sggp.org.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)