Trồng xoài theo hướng bền vững
Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, thị trường tiêu thụ xoài của An Giang ngay lập tức gặp khó khăn do sản lượng lớn xuất sang Trung Quốc. Tại Chợ Mới, sản phẩm xoài 3 màu có lúc rơi xuống mức 5.000 - 7.000 đồng/kg, giảm 4 - 5 lần so năm trước.
Trong khi đó, tại xã Lê Trì (Tri Tôn), những nông dân tham gia hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp và trồng xoài VietGAP Bến Bà Chi (HTX Bến Bà Chi) vẫn bán xoài được với giá tương đối khá. Nguyên nhân do HTX tập trung trồng xoài cát Hòa Lộc cùng một số giống xoài giá trị khác theo tiêu chuẩn VietGAP để đáp ứng đa dạng thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Gần đây, HTX Bến Bà Chi đã ký kết hợp đồng mua bán, tiêu thụ xoài với Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp. Theo đó, công ty sẽ hợp tác lâu dài thu mua vùng nguyên liệu xoài cát Hòa Lộc đạt tiêu chuẩn VietGAP của HTX để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc, Nhật Bản…
Giám đốc HTX Bến Bà Chi Bùi Văn Quý cho biết, HTX đã thu hút được 36 xã viên là các nhà vườn trồng xoài với diện tích 54ha, định hướng theo chuẩn VietGAP. Ngay trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, sản phẩm xoài của HTX vẫn được tiêu thụ tốt, thậm chí có thời điểm không đủ hàng để cung cấp cho đối tác. “Dự kiến thời gian tới, diện tích tham gia HTX sẽ mở rộng thêm 46,5ha, nâng tổng diện tích lên trên 100ha, tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và liên kết đầu ra ổn định” - anh Quý nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn Trần Văn Mì cho biết, cùng với cây xoài, Tri Tôn định hướng cho HTX Bến Bà Chi phát triển thêm những loại cây ăn trái cho giá trị cao như sầu riêng, bơ… “Các giống cây này thích hợp khí hậu, thổ nhưỡng vùng núi Dài, chất lượng thơm ngon hơn vùng miền Đông, giá bán luôn ở mức cao và nhu cầu thị trường lớn” - ông Mì thông tin. Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, được sự hỗ trợ của tỉnh, thời gian tới, địa phương sẽ xây dựng hồ chứa nước núi Dài 2 rộng 27ha, đáp ứng nhu cầu nước tưới để HTX mở rộng diện tích.
Dẫn đầu đoàn công tác tỉnh đến thăm HTX Bến Bà Chi vào ngày 21-4 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đánh giá cao mô hình liên kết sản xuất này; đề nghị HTX tiếp tục thu hút thêm nhiều xã viên cùng tham gia mở rộng diện tích, tăng sản lượng, đảm bảo chất lượng xoài để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. “Tri Tôn có thể nghiên cứu mở rộng thêm diện tích xây dựng hồ chứa nước dưới chân núi Dài, vừa cung cấp nước tưới cho các vườn cây ăn trái, vừa phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng và phát triển du lịch” - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình gợi ý.
Khai thác thế mạnh nông nghiệp
Cũng nhân chuyến khảo sát tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện Tri Tôn, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã đến kiểm tra tiến độ triển khai xây dựng Nhà máy gạo Hạnh Phúc của Công ty Cổ phần gạo Hạnh Phúc và hoạt động xay xát, chế biến, tiêu thụ lúa gạo của Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú (xã Lương An Trà); Dự án trồng chuối cấy mô công nghệ cao của Công ty TNHH XNK Nông sản Xanh Việt (xã Tân Tuyến); thăm và làm việc với Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang (xã Cô Tô). Đây đều là những sản phẩm thế mạnh của huyện Tri Tôn.
Qua báo cáo sơ bộ, Nhà máy gạo Hạnh Phúc đang được triển khai xây dựng đảm bảo tiến độ. Đây là dự án được Chủ tịch UBND tỉnh trao quyết định chủ trương đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018. Với tổng vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng, áp dụng quy trình công nghệ hiện đại, dự án sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
Đối với Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú, cùng với liên kết sản xuất lúa truyền thống, công ty đang chuyển hướng kinh doanh gạo hữu cơ, gạo dinh dưỡng để đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu có giá trị gia tăng cao.
“Công ty đã đầu tư 142,9 tỷ đồng để xây dựng kho chứa, nhà máy xay xát, chế biến lúa gạo với quy mô 56.480m2, sản xuất 62.720 tấn/năm. Hiện nay, công ty đang liên kết với nông dân sản xuất các giống lúa hữu cơ có hàm lượng dinh dưỡng cao theo quy trình riêng, đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU)… đồng thời đáp ứng nhu cầu thị trường cao cấp trong nước” - ông Trịnh Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú chia sẻ.
Còn tại vùng đất phèn Tân Tuyến trước đây, nông trại chuối cấy mô công nghệ cao rộng 43ha của Công ty TNHH XNK Nông sản Xanh Việt đang phát triển tươi tốt. Giám đốc Nguyễn Thị Ngọc Thủy cho biết, dù giá xuất khẩu có bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 nhưng nhờ canh tác theo quy trình an toàn sinh học, sản phẩm chuối của công ty vẫn được tiêu thụ tốt tại thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc… “Công ty dự tính mở rộng thêm khoảng 30ha trồng bưởi da xanh theo chuẩn VietGAP để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa” - bà Thủy thông tin.
Giám đốc Công ty TNHH XNK Nông sản Xanh Việt mong muốn sớm được nhận kinh phí hỗ trợ theo chính sách khuyến khích dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để triển khai thi công hệ thống cáp chằng đỡ chuối trước khi mùa mưa bão đến. Đồng thời, hỗ trợ nâng cấp, mở rộng tuyến đường vào dự án và nâng cao hệ thống điện để công ty thuận tiện vận chuyển sản phẩm chuối.
Trong quá trình khảo sát tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, đây là cơ hội để phát huy thế mạnh ngành nông nghiệp.
“Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ nhưng nông nghiệp lại có điều kiện phát triển. Quý I-2020, khu vực 1 (nông, lâm nghiệp và thủy sản) của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng 3,82%, cao hơn mức tăng cùng kỳ (quý I-2019 tăng trưởng 3,01%). Thời gian tới, vẫn là cơ hội cho nông nghiệp nhưng cần thay đổi thói quen sản xuất từ số lượng sang chất lượng, đáp ứng nhu cầu “ăn ngon” thay vì chỉ “ăn no” như trước đây” - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
NGÔ CHUẨN - (baoangiang.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)