Chờ tín hiệu vui từ thị trường

Thứ sáu, 08 Tháng 5 2020 09:04 (GMT+7)
Duy trì nuôi cá, chờ tín hiệu thị trường là giải pháp tình thế của những người nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh hiện nay, bởi trong thời điểm này, nếu hộ nuôi xuất bán cá với giá 18.500 đồng/kg, họ phải chịu lỗ từ 4.000 - 5.000 đồng/kg. Người nuôi cá trong tỉnh đang chờ những quyết sách mang tính táo bạo của nhà quản lý nhằm xoay chuyển tình hình.
 
Chờ tín hiệu vui từ thị trường
Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ
 
Cho ăn ít lại
 
Đến đầu tháng 5-2020, cả 3 ao cá tra của gia đình ông Mai Hòa Hận (xã Bình Thạnh Đông, Phú Tân, An Giang) đã bước sang tháng thứ 14, cá trong hầm đã vượt mức 1,5 kg/con mà vẫn chưa xuất bán được.
 
Nguyên nhân do giá cá nguyên liệu thấp và cá đã vượt kích cỡ (size) xuất khẩu vào thị trường Liên minh Châu Âu (EU), vì vậy hy vọng cuối cùng là trông chờ thị trường Trung Quốc (mở cửa trở lại).
 
“Cá bán không được nhưng vẫn phải cho ăn, việc này gây thiệt hại rất nhiều cho gia đình. Đây là thời điểm phải trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng, phải thanh toán tiền mua thức ăn cho đại lý. Mọi khi, cá nuôi chỉ 8 tháng là xuất bán, nay nuôi đến 14 tháng mà vẫn chưa bán được, người nuôi phải chịu nộp phạt đối với ngân hàng, không tiền thanh toán cho hộ bán cá giống, người nuôi cá bây giờ đang gặp khó đủ bề” - ông Hận bức xúc.
 
Trước thực tế này, để duy trì sản xuất, ông Hận cũng như bao ngư dân khác trong tỉnh phải sử dụng biện pháp “tình thế” như: cho cá ăn ít lại, thay nước ít; nếu trước đây, bình quân mỗi ngày cho ăn 2 lần, nay đến 3 ngày mới cho cá ăn 1 lần, thay nước cũng vậy, việc này nhằm giảm bớt chi phí để vượt qua giai đoạn đầy khó khăn này.
 
“Ưu điểm của cá tra, mặc dù bị bỏ đói nhưng cá không bị chai. Khi cá có giá trở lại, người nuôi chỉ cần cho cá ăn nhiều hơn, bổ sung nhiều vitamin, đạm, chất xơ là cá lớn nhanh”- ông Hận thông tin.
 
Chia sẻ khó khăn với ngư dân trong lúc này, ngành nông nghiệp đưa ra nhiều khuyến cáo, nhằm khuyến khích ngư dân hạn chế thả cá giống vào ao nuôi mới. Thả nuôi với mật độ thưa để hạn chế phát sinh dịch bệnh. Ngoài ra, bà con cần nghiên cứu kỹ thị trường, có thể chuyển sang nuôi các đối tượng thủy sản khác, có thị trường tiêu thụ ổn định.
 
Niên vụ 2020, toàn tỉnh thả nuôi 1.226ha, trong đó diện tích các vùng nuôi lớn/vùng nuôi doanh nghiệp là 837ha, chiếm 68% diện tích nuôi, diện tích hộ nuôi cá thể có liên kết là 185ha (15%), diện tích nuôi cá thể không liên kết là 204ha (17%). Sản lượng ước đạt khoảng 120.000 tấn/năm.
 
Qua con số này cho thấy, so với những năm trước, diện tích, sản lượng nuôi cá tra của tỉnh trong năm 2020 không giảm, mặc dù thị trường có nhiều biến động. Hậu quả là hàng loạt hộ nuôi thua lỗ, nợ quá hạn ngân hàng tăng cao, sức cạnh tranh của nền kinh tế kém.
 
Chờ tín hiệu vui từ thị trường
Tùy theo kích cỡ cá lớn hay nhỏ, ngư dân cho ăn ít lại để chờ giá
 
Tìm đối tượng nuôi khác
 
Thống kê của Hiệp hội Cá tra Việt Nam vừa đưa ra cho thấy, năm 2018 và 2019, mỗi năm toàn vùng ĐBSCL thả nuôi đến 5.400ha cá tra, sản lượng đã vượt 1,5 triệu tấn. Dự báo năm 2020, diện tích và sản lượng nuôi cá tra cũng không giảm, trong khi từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến kinh tế thế giới gần như tê liệt. Việc tiêu thụ cá tra tại các thị trường liên tục gặp khó khăn, điều này cho thấy, công tác dự báo thị trường của các cơ quan chức năng chưa tốt.
 
Đối phó với những khó khăn, thách thức, nhiều hộ nuôi cá tra trong tỉnh đã chủ động chuyển sang nuôi các đối tượng khác để duy trì ngành nghề mà mình đã gắn bó, song con số này không nhiều bởi muốn chuyển sang nuôi các đối tượng khác đòi hỏi hạ tầng nuôi phải phù hợp, trong khi hạ tầng nuôi cá tra khác với hạ tầng nuôi cá lóc, cá trê, cá mè vinh, cá rô... về điều kiện lấy nước, xả thải.
 
“Tuy hạ tầng của các đối tượng nuôi khác nhau, song lúc này chúng tôi phải vận dụng hết mức để tồn tại. Cụ thể, đối với hầm nuôi cá tra, chúng tôi chuyển sang nuôi cá lăng nha, song hiện nay do môi trường nước ô nhiễm nghiêm trọng, cách làm ăn theo kiểu “chụp giật” của những hộ ương nuôi cá giống đã làm cho những hộ chuyển từ cá tra sang nuôi cá lăng nha bị thua lỗ thêm một lần nữa. Con giống thả vào hầm hao hụt đến 70%” - ông Nguyễn Văn Hải (xã Bình Thạnh Đông, Phú Tân) chia sẻ.
 
Nuôi cá duy trì, chờ tín hiệu của thị trường, nhiều hộ ngư dân trong tỉnh đang mong chờ vào sự ra tay của các cơ quan nhà nước trong việc lập lại trật tự từ khâu nuôi trồng đến chế biến, xuất khẩu để sau năm 2020, ngành hàng cá tra sẽ đi vào quy cũ, phát triển bền vững, tránh được tình trạng “cung vượt cầu” như hiện nay.
 
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra như hiện nay, ngư dân lẫn doanh nghiệp đang trông chờ thông tin từ cuộc họp của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường với lãnh đạo các tỉnh nuôi cá tra tại ĐBSCL, lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), Hiệp hội Cá tra Việt Nam, các tổng cục chuyên ngành của bộ nhằm tìm ra giải pháp cho ngành hàng cá tra.
 
“Nuôi duy trì chỉ là giải pháp “tình thế” bởi cá tra 3-4 ngày mới cho ăn 1 lần thì khi cá đói, chúng sẽ lặn xuống đáy ao ăn bùn, từ đó cá dễ sinh bệnh đường ruột, điều trị rất tốn kém. Để ngành hàng cá tra phát triển bền vững, người nuôi rất cần giải pháp mang tính căn cơ, mà ở đó vai trò quản lý ngành hàng, định hướng cho sự phát triển của ngành cũng như việc xử lý nghiêm những hộ nuôi ngoài quy hoạch của nhà nước là rất quan trọng” - ông Mai Hòa Hận (xã Bình Thạnh Đông, Phú Tân) kiến nghị.
 
MINH HIỂN - (baoangiang.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế