Nhận định trên được đưa ra tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020 do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng nay (8/5) tại Sóc Trăng.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, diện tích tôm thả nuôi đến nay hơn 481.500ha (bằng 84,9% so với cùng kỳ 2019 và đạt 71,1% kế hoạch năm 2020), trong đó tôm sú hơn 457.400ha, tôm thẻ chân trắng 22.132ha. Ước sản lượng tôm nước lợ tính đến ngày 30/4 đạt hơn 168.000 tấn (bằng 94,4% so với cùng kỳ 2019). Bạc Liêu là tỉnh có sản lượng thu hoạch nhiều nhất, tiếp đến là Cà Mau, Trà Vinh, Kiên Giang…
Nuôi tôm thâm canh ở Sóc Trăng. Ảnh: CK
Kim ngạch XK tôm tính đến ngày 31/3 đạt hơn 591 triệu USD (giảm 4,3% so với cùng kỳ 2019). Giá tôm nguyên liệu đến hết quý I/2020 giảm khoảng 20% so với cùng kỳ 2019. Từ đầu năm đến nay có hơn 15.950ha nuôi tôm bị thiệt hại, trong đó hơn 990ha thiệt hại do bị bệnh, hơn 469ha thiệt hại do môi trường và gần 14.500ha thiệt hại chưa rõ nguyên nhân tại 16 tỉnh.
So với cùng kỳ 2019, tổng diện tích thiệt hại tăng 3,3 lần, trong đó diện tích thiệt hại do bị bệnh và thiệt hại do môi trường giảm, trong khi diện tích thiệt hại không xác định được nguyên nhân tăng 5,83% lần, chủ yếu là ở diện tích nuôi quảng canh tại Cà Mau…
Cũng theo Tổng cục Thủy sản, tiết diễn biến phức tạp, thất thường, cực đoan sẽ là một trong những nguyên nhân dễ gay ra dịch bệnh cho tôm nuôi. Tác động từ hạn hán, xâm nhập mặn dẫn đến người nuôi chưa thể thả giống hoặc tôm chậm lớn đối với vùng khó điều tiết nước ngọt sẽ làm đảo lộn kế hoạch sản xuất.
Năm 2020, thế giới có những diễn biến mới theo hướng bảo hộ mậu dịch có thể có tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm. Giá vật tư, tôm nguyên liệu nhập khẩu, thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý môi trường, nhiên liệu, máy móc phụ tùng nuôi tôm tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi tôm của cả nước. Dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống và hoạt động thương mại dẫn đến sụt giảm về cầu nửa đầu năm 2020.
Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, mặc dù gặp những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng ngành tôm vẫn có những tín hiệu lạc quan. XK thủy sản 4 tháng đầu năm ước đạt khoảng 2,5 tỷ USD, trong đó tôm ước đạt khoảng 1 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ 2019. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã có đơn hàng đến tháng 8/2020.
Với thị trường thế giới, nhu cầu tôm quay trở lại sản phẩm truyền thống hơn là giá trị gia tăng, trong khi Ấn Độ đang bị dịch nên lựa chọn thay thế sẽ là tôm Việt Nam. Các thị trường quan trọng có xu hướng phục hồi tốt, thuế vào Mỹ bằng không, còn hiệp định EVFTA có hiệu lực trong năm nay…
Cũng theo ông Hòe, Chính phủ Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 so với các quốc gia khác đã tạo cơ hội cho ngành tôm. Cùng với niềm tin của đối tác với thủy sản Việt Nam, việc phục hồi nhanh hơn chp phép ngành tôm nghĩ đến việc thay thế các nguồn cung khác và gia tăng thị phần.
Ngoài ra, hậu COVID-19 có thể tạo nên làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á. Mặt khác, chuỗi cung ứng vật tư thiết yếu không phụ thuộc vào Trung Quốc nên DN thủy sản tương đối chủ động trong sản xuất.
Đại diện VASEP kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ để DN thu hút được nguồn lao động (hỗ trợ an sinh cho người lao động, cho DN vay để trả lương); thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường các dịch vụ công trực tuyến (bãi bỏ quy định việc sử dụng mã số mã vạch nước ngoài tại Nghị định 74/2018; xác lập hàng “chế biến” đối với sản phẩm thủy sản khi tính thuế thu nhập DN; sửa đổi quy định công việc “nặng nhọc độc hại”…).
Về lâu dài, cần có chính sách giúp ngành nuôi tôm cải thiện giá thành và chất lượng; thúc đẩy và hỗ trợ mạnh cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của ngành thủy sản…
Theo Tổng cục Thủy sản, kế hoạch năm 2020, diện tích tôm cả nước là 730.000ha, sản lượng 830.000 tấn, kim ngạch XK phấn đấu đạt 3,5 tỷ USD (tăng 2-3% so với năm 2019). Còn theo đại diện VASEP, mục tiêu XK tôm năm 2020 là 3,8 tỷ USD, XK cá tra là 1,6 tỷ USD và hải sản khác là 3,2 tỷ USD.
CẢNH KỲ - (tienphong.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)