Khách hàng ngày càng quan tâm, ưu tiên lựa chọn hàng sản xuất trong nước.
Sức mua của thị trường gần 100 triệu dân
Dịch Covid-19 chưa đi qua, chưa có bất kỳ ai khẳng định thời điểm kết thúc của nó nhưng có một điều chắc chắn: Sau đại dịch này, nhiều thứ sẽ dần được khôi phục, như công nghiệp, thương mại hay du lịch; nhiều điều sẽ không quay trở lại như trước nữa, như cách nhìn, cách hành xử của chúng ta trong thế giới này. Nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra khi ứng phó cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu.
Nhìn tổng thể, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nước ta, trong đó có tình trạng thiếu nguyên liệu nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất, ảnh hưởng nặng đến ngành công nghiệp. Xuất khẩu cũng gặp khó khăn lớn do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại các thị trường chính của chúng ta là Mỹ và EU. Trong bối cảnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ mặc dù giảm tốc nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng so với các kỳ trước đó. Hơn nữa, xét về cơ cấu, mức giảm mạnh chủ yếu nằm ở khu vực dịch vụ (hàng không, du lịch, vận tải…) do tác động của việc giãn cách xã hội. Còn doanh thu bán lẻ hàng hóa, chiếm tỷ trọng tới 80% vẫn tăng. Ðiều đó cho thấy, sức mua của gần 100 triệu dân đang hỗ trợ mạnh mẽ cho nền kinh tế.
Một là, tốc độ tăng của thu nhập bình quân đầu người năm 2019 gấp 2,45 lần năm 2010 (hơn 2.600 USD so với 1.061 USD), đã theo sát tốc độ tăng trưởng GDP gấp 2,5 lần trong cùng thời gian. Ðiều đó có nghĩa là, thành quả của tăng trưởng GDP chuyển gần hết vào thu nhập của người dân; và như thế, với đánh giá mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đầu tháng 4, nền kinh tế nước ta sẽ tăng mạnh trở lại với mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2021 sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong trung và dài hạn, thu nhập bình quân tính trên đầu người cũng tăng tương ứng, trở thành lực lượng tiêu dùng lớn.
Hai là, tiêu dùng trong nước ngày càng có sức đóng góp lớn hơn trong tăng trưởng kinh tế. Năm 2010 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 72,4 tỷ USD, tương đương 77,2% GDP; đến năm 2019, tiêu dùng trong nước không chỉ tăng gần ba lần về số tuyệt đối, lên tới 214,8 tỷ USD mà xét về tỷ lệ, còn tăng lên mức tương đương 89,1% GDP.
Những bài học kinh nghiệm
Tiềm năng của thị trường trong nước càng được thể hiện rõ qua đại dịch Covid-19; ngay cả trong tình huống phức tạp, ở cả những khu vực thuộc diện cách ly, hàng hóa vẫn dồi dào, không có hiện tượng người dân hoảng loạn, rất ít người tích trữ thực phẩm hay găm hàng tăng giá. Từ đó có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm rất quan trọng trong ứng phó tình trạng khẩn cấp:
Thứ nhất, Bộ Công thương đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, kế hoạch hành động qua các chỉ thị, quyết định của ngành ứng phó tác động của dịch Covid-19, đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc bộ. Chỉ riêng Quyết định 481 và Chỉ thị 06 của Bộ đã phân giao 127 nhiệm vụ, trong đó tập trung củng cố năng lực sản xuất, tái cơ cấu các lĩnh vực thuộc ngành.
Thứ hai, Bộ Công thương đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, rà soát khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa ở mỗi địa phương. Các Sở Công thương đều chuẩn bị sẵn "phương án tác chiến", kết nối giữa sản xuất và phân phối; cập nhật các kịch bản ứng phó với dịch bệnh theo 5 cấp độ. Sự sát sao, khẩn trương trong thời gian "vàng" của hai tuần lễ đầu tiên đã tạo ra thế trận thông suốt trong bảo đảm hậu cần.
Thứ ba, việc kết nối cung cầu trong thời gian qua đã được ngành công thương triển khai rộng khắp và hiệu quả. Qua 10 năm triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã có hơn 1.000 hội nghị kết nối cung cầu của các Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức, có sự tham gia của hầu hết các nhà phân phối lớn như Big C, Saigon Co.op, Vincommerce… Vì thế, khi dịch bệnh xảy ra, chuỗi liên kết cung ứng đã sẵn sàng tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp nhiều lần bình thường.
Thứ tư, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, các doanh nghiệp (DN) trong nước đã không ngừng vận động, tạo thành làn sóng sáng tạo sản xuất các thiết bị phòng dịch như nước rửa tay, may khẩu trang vải kháng khuẩn,... Vì vậy, nhanh chóng đáp ứng các vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh. Ðiều đó cho thấy, nguyên tắc bảo đảm quyền tự chủ của các DN, kể cả DN nhà nước đã được thực hiện tốt, cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn nữa để phát huy nguồn lực này.
Thứ năm, thị trường nội địa, cũng chính là gần 100 triệu dân, đã chung tay nuôi dưỡng, thổi bùng lên sức sống mãnh liệt của hàng Việt Nam.
Trong cuộc họp mới đây, Bộ Công thương đã thống nhất triển khai ngay một số biện pháp trong ngắn hạn nhằm phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng thương mại nội địa. Theo đó, song song với việc ứng phó toàn diện các tác động của dịch Covid-19, trong mọi trường hợp, cần bảo đảm đầy đủ thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân. Hỗ trợ DN phân phối, dự trữ, chế biến, logistics và người dân, nhất là những đối tượng yếu thế cả trong và sau dịch. Tận dụng cơ hội mới của thương mại điện tử để phát triển thị trường trong nước, duy trì và thúc đẩy các chuỗi cung ứng hàng hóa, trước hết là chuỗi cung ứng mặt hàng thiết yếu của thị trường nội địa, chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản, đẩy mạnh liên kết trong toàn chuỗi cung ứng. Ðối với dài hạn, cần đẩy mạnh hạ tầng thương mại, đồng bộ hóa quá trình phát triển chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, với các chợ ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, để giải quyết nghịch lý nơi sản xuất lại thiếu hạ tầng thương mại, người tiêu dùng phải đi xa hơn để mua sắm. Ðồng thời, có chính sách khuyến khích liên kết dọc (giữa các nhà sản xuất trong chuỗi) và liên kết ngang (giữa nhà sản xuất và nhà phân phối)... Tăng cường đầu tư cho hoạt động chế biến, nhất là với hàng nông sản có tính mùa vụ cao như dưa hấu, thanh long, vải, nhãn…
BÀI VÀ ẢNH: MẠNH ĐỨC - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)