Xoài tứ quý đang mang lại hiệu quả cao trên vùng đất giồng cát Thạnh Phú (Ảnh Tư liệu)
Nâng tầm sản xuất, bảo vệ môi trường
HTX dịch vụ - sản xuất nông nghiệp Thạnh Phong được thành lập từ năm 2016 với 149 thành viên, diện tích trồng xoài tứ quý hơn 30 ha, trong đó 16 ha được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Ông Nguyễn Văn Trường – Giám đốc HTX, chia sẻ khi đến với vùng giồng cát Thạnh Phú, không ít người bất ngờ bởi miền đất ven biển bốn bề là nước mặn lại có thể thành công với mô hình trồng xoài tứ quý - giống cây trồng đòi hỏi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vô cùng khắt khe.
Để có được những vùng xoài 4 mùa trĩu quả, thành viên HTX Thạnh Phong đã phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp kỹ thuật, chú trọng khoa học – công nghệ, đẩy mạnh sản xuất theo hướng xanh, sạch.
Khi thực hiện trồng xoài theo VietGAP, sau đó đến xoài hữu cơ, các thành viên HTX đã có sự tiến bộ vượt bậc trong chăm sóc cây xoài, từ khâu làm đất, đến tỉa cành, tạo tán, bón phân, bao trái… đều đúng kỹ thuật, quy trình và thời điểm.
“Cho đến nay, các thành viên HTX đều hiểu sản xuất xoài sạch là xu thế tất yếu. Trồng xoài phải sử dụng phân bón hữu cơ để đảm bảo chất lượng theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp, từ đó tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm”, Giám đốc Nguyễn Văn Trường nhấn mạnh.
Đặc biệt, HTX đang áp dụng kỹ thuật bao túi cho trái xoài, mang lại hiệu quả vượt trội về kinh tế và môi trường sinh thái. Theo đó, việc bao trái giúp các hộ trồng xoài hạn chế sự xâm nhập của sâu bệnh hại, từ đó giảm thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo ghi nhận, bao túi đúng kỹ thuật, 1ha xoài sẽ cho lợi nhuận cao hơn 18 – 20 triệu đồng so với phương pháp cũ. Lượng thuốc trừ sâu bệnh giảm đi 5 - 10 kg/ha góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn cho sức khỏe cộng đồng.
Chất lượng sản phẩm là chìa khóa để HTX chinh phục thị trường khó tính (Ảnh TL)
Bắt tay doanh nghiệp, bao tiêu sản phẩm
Nhờ sản xuất khoa học, năm 2019, HTX Thạnh Phong được Dự án AMD Bến Tre (Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre) hỗ trợ hơn 1,3 tỷ đồng để đầu tư nhà xưởng, máy sấy, kho lạnh... và sản xuất thử nghiệm sản phẩm xoài sấy.
Các tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm, môi trường sinh thái là chìa khóa giúp sản phẩm của HTX mở cửa thị trường với giá bán ổn định. Hiện, 100% sản phẩm của thành viên được HTX bao tiêu theo các hợp đồng ký kết với doanh nghiệp với giá cao hơn thị trường 1.500 - 2.000 đồng/kg.
Sở hữu hơn 6.000 m2 trồng xoài tứ quý theo quy trình GlobalGAP, bà Lê Thị Tuyết Nga (ấp Ðại Thôn, xã Thạnh Phong), cho hay nhờ cán bộ nông nghiệp hướng dẫn, gia đình bà đầu tư hệ thống nước tưới, kỹ thuật canh tác, bao quả để cho sản phẩm chất lượng.
“Trung bình 15 - 20 ngày, vườn xoài sẽ cho thu hoạch một đợt với sản lượng 200 - 300 kg. Toàn bộ sản lượng được HTX bao tiêu với giá 12.000 – 14.000 đồng/kg. Trừ chi phí, gia đình thu về cả trăm triệu đồng mỗi năm, khỏe hơn nhiều so với thời trồng màu vất vả”, bà Nga phấn khởi nói.
Tương tự, ông Mai Thanh Triển (ấp Thạnh Lộc, xã Thạnh Phong) canh tác 1 ha xoài tứ quý. Năm 2017, ông là một trong 10 hộ dân tại địa phương được Dự án AMD Bến Tre hỗ trợ để đầu tư mô hình tưới tiết kiệm nước và dinh dưỡng trên cây xoài.
Nhờ được HTX hỗ trợ các dịch vụ đầu vào, bao tiêu sản phẩm, 1 ha xoài của gia đình ông Triển phát triển ổn định, năng suất và chất lượng cao, mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
“Trong năm 2020, HTX sẽ tích cực chào hàng sản phẩm xoài sấy tại thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản... Để chinh phục các thị trường xuất khẩu khó tính, sản xuất khoa học gắn với bảo vệ môi trường sinh thái sẽ tiếp tục là hướng đi của HTX trong thời gian tới”, Giám đốc Nguyễn Văn Trường khẳng định.