Chuối cấy mô vẫn được tiêu thụ tốt
Tăng cường xuất khẩu
Gạo và cá tra là 2 mặt hàng nông sản chủ lực của An Giang có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gạo của An Giang đạt 223 triệu USD, thủy sản 273 triệu USD, đóng góp quan trọng vào xuất khẩu nông sản của “vựa lúa”, “vựa cá” vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, theo Sở Công thương, để duy trì xuất khẩu ổn định, công tác xúc tiến thị trường phải được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Năm 2019, Sở Công thương đã thông tin đến doanh nghiệp (DN) sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu gạo, nếp trên địa bàn tỉnh về hoạt động của 20 hội chợ và 23 chuyến khảo sát thị trường ngoài nước do Bộ Công thương tổ chức để DN biết, tham gia nếu có nhu cầu. Sở còn thông tin đến DN 15 chính sách, các yêu cầu quản lý chất lượng sản phẩm nhập khẩu, nhu cầu, thị hiếu, các quy định mới ban hành của các thị trường quan trọng như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Úc, Algeria, Nga.
Hàng năm, Sở Công thương duy trì liên hệ với các tham tán thương mại Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Hong Kong, Malaysia, Australia, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nigeria, Algeria, Australia, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Singapore, Israel, Czech, Uzbekistan… để hỗ trợ tỉnh An Giang tổ chức mời các đoàn DN kinh doanh, xuất nhập khẩu lương thực, thủy sản tại các nước này đến làm việc và tham quan một số DN xuất khẩu thực tế tại An Giang. Năm 2019, Sở Công thương đã nhận phản hồi của 13/15 tham tán hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường và danh sách DN nhập khẩu tại nước sở tại.
Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu ổn định, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 422/QĐ-UBND, ngày 1-3-2018). UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển thương mại biên giới tỉnh An Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Quan tâm thị trường nội địa
Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, xuất khẩu nông sản vào thị trường này ngay lập tức bị gián đoạn. Những mặt hàng nông sản của An Giang xuất nhiều vào Trung Quốc như: cá tra, xoài, chuối… gặp khó khăn, rớt giá. Tuy nhiên, nhờ kịp thời chuyển hướng tiêu thụ nội địa, số lượng lớn xoài, chuối đã được thương lái thu mua, phân phối hết. Riêng mặt hàng gạo, giá bán nội địa và xuất khẩu đều tăng; cá tra chuyển hướng sang các thị trường cao cấp.
Điều này cho thấy, thị trường trong nước với gần 100 triệu dân là rất quan trọng, cần khai thác tốt. Sở Công thương cho biết, những năm qua, việc tổ chức và giới thiệu DN tham gia các hoạt động kết nối thị trường trong nước diễn ra thường xuyên, đặc biệt là các hoạt động liên kết ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp), kết nối bình ổn thị trường giữa các tỉnh ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh…
Để đáp ứng thị trường trong nước với đòi hỏi chất lượng ngày càng cao, An Giang chủ trương tổ chức lại sản xuất nông nghiệp gắn với các mô hình liên kết. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, toàn tỉnh hiện có 172 tổ sản xuất lúa giống với khoảng 15.000 nông dân tham gia. Diện tích nhân giống lúa cộng đồng duy trì khoảng 31.000ha/năm, sản lượng khoảng 190.000 tấn, đáp ứng nhu cầu giống lúa cho An Giang và khu vực ĐBSCL. Trong khi đó, diện tích xoài được cấp chứng nhận VietGAP đạt 503ha.
Đối với dự án xây dựng 500ha xoài VietGAP tại 3 xã cù lao Giêng của huyện Chợ Mới (Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân), nhờ sự hỗ trợ của Viện Cây ăn quả Miền Nam, đến nay đã chứng nhận được 310ha. Đối với cá tra, nhiều DN như: Sao Mai, Vĩnh Hoàn, Nam Việt, Agifish, Afiex, CP, Biển Đông, VinCa, Hiệp Thanh, Hoàn Long, Hải Sáng, Đông Á, Việt Thắng… đã quan tâm đầu tư và liên kết với hộ dân xây dựng vùng nguyên liệu ổn định theo tiêu chuẩn VietGAP, phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Để khai thác tốt thị trường trong nước, các sở, ngành, địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thực hiện đổi mới và nâng chất các hoạt động xúc tiến thị trường. Hiện nay, tỉnh đã xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, giải pháp về đẩy mạnh phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ tại thị trường trong nước.
An Giang đã đưa vào vận hành chuỗi phân phối sản phẩm theo hình thức đối tác công tư (PPP), hệ thống truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả và thịt heo; tiến đến xây dựng thương hiệu gạo, thương hiệu xoài nhằm quản lý tốt chất lượng và tăng giá trị sản phẩm nông sản của tỉnh…
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gạo của An Giang đạt 223 triệu USD, thủy sản 273 triệu USD, rau quả đông lạnh 16 triệu USD. Năm 2020, tỉnh phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu gạo 234 triệu USD, thủy sản 286 triệu USD, rau quả đông lạnh 17 triệu USD.
|
NGÔ CHUẨN - (baoangiang.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)