Tìm hướng phát triển đô thị bền vững

Chủ nhật, 24 Tháng 5 2020 15:45 (GMT+7)
Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang rất nỗ lực trong xây dựng và phát triển đô thị. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư hạn chế cũng làm ảnh hưởng đến sự phát triển. Vì vậy, tỉnh đã chọn giải pháp kêu gọi nhà đầu tư đến xây dựng các khu đô thị trên địa bàn để mở mang không gian đô thị.
Những dự án đầu tư hoàn chỉnh đã tạo diện mạo mới ở các khu đô thị trên địa bàn.
 
Kết quả bước đầu
 
Sở Xây dựng Hậu Giang cho biết, sau khi tách ra từ tỉnh Cần Thơ, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 9 đô thị, trong đó 8 đô thị loại V và 1 đô thị loại IV. Đến nay, tổng số đô thị trên địa bàn tỉnh là 16 đô thị, gồm 1 đô thị loại II là thành phố Vị Thanh, 2 đô thị loại III là thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ; 13 đô thị loại V, trong đó 11 đô thị là thị trấn và 2 đô thị không là thị trấn (Xà Phiên, Cái Sơn). Kết quả đã nâng tỷ lệ đô thị hóa tăng dần từ 24,21% năm 2014 lên 25,9% năm 2019, bình quân mỗi năm tăng 0,34%.
 
Ông Nguyễn Huỳnh Đức, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang, cho biết: Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Tỉnh ủy ban hành 3 nghị quyết chuyên đề về phát triển đô thị. Bước đầu thực hiện dù gặp không ít khó khăn nhưng đến nay thành phố Vị Thanh mở rộng đã đạt tiêu chí đô thị loại II; thị xã Long Mỹ là đô thị loại III và thành lập thành phố Ngã Bảy trực thuộc tỉnh. Đồng thời, tỉnh cũng đã tái công nhận Vĩnh Viễn là đô thị loại V, xã Xà Phiên là đô thị loại V. Dự kiến cuối năm 2020 tiếp tục công nhận thêm 2 đô thị loại V là Lương Nghĩa và Tân Long, nâng tổng số đô thị trực thuộc tỉnh lên 18 đô thị, với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 26,7%.
Nhiều dự án về đô thị trên địa bàn thành phố Vị Thanh đang được đẩy nhanh tiến độ.
 
Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, cho rằng 20 năm trước Vị Thanh có duy nhất một tuyến đường đối ngoại đi Cần Thơ và Kiên Giang, còn lại là đường nhỏ chưa đầu tư; diện mạo còn sầm khuất, ít nhà kiên cố, nhiều nhà tạm, nhà ven kênh… Đến nay, hệ thống đường đô thị, các tuyến trung tâm được đầu tư như Võ Văn Kiệt, đại lộ Võ Nguyên Giáp, đường Trần Hưng Đạo… Đặc biệt, đường nối Vị Thanh - Cần Thơ đã phá thế độc đạo, rút ngắn được khoảng cách đi Cần Thơ và các tỉnh lân cận. Bờ kè kênh xáng Xà No được đầu tư tạo không gian đẹp, xóa bỏ nhà tạm, diện mạo đô thị Vị Thanh giờ đổi khác rất nhiều, hạ tầng giao thông được đầu tư kết nối giữa thành thị với nông thôn. Nhiều dự án phát triển đô thị trên địa bàn ngày càng tăng cả về quy mô, số lượng; hình thức đầu tư ngày càng phong phú, đa dạng; hiệu quả kinh doanh ngày càng cao. Nhiều dự án trọng điểm, đặc trưng khác đã được đầu tư tạo điểm nhấn cho thành phố và một số dự án đang triển khai như Khu dân cư phát triển đô thị thuộc khu vực 2 và 3, phường V; Khu đô thị Cát Tường Western Pearl 2; Khu dân cư thương mại Vị Thanh... Đồng thời kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư tiếp cận nghiên cứu 24 dự án trên địa bàn. Đến nay, UBND thành phố triển khai lập quy hoạch và chuẩn bị trình chủ trương đầu tư, với quy mô khoảng 783ha. Trong đó, có các nhà đầu tư lớn đang triển khai đúng tiến độ.
 
Chọn hướng đột phá
 
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng: Theo chương trình phát triển đô thị của tỉnh, dự kiến đến năm 2030 Hậu Giang sẽ có 19 đô thị gồm 1 thành phố loại II, 1 thành phố và 1 thị xã đô thị loại III, 7 đô thị loại IV và 9 thị trấn là đô thị loại V. Để đạt mục tiêu thì nguồn lực đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đáp ứng từng loại đô thị là rất lớn. Trong khi đó, điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn nên việc huy động nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nhà ở và phát triển đô thị là rất cần thiết nhằm tạo diện mạo mới cho đô thị, góp phần tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên cơ sở đó, tỉnh đã tăng cường kêu gọi thu hút đầu tư vào Hậu Giang, nhất là trong lĩnh vực nhà ở, phát triển đô thị. Đến nay, tỉnh đã lựa chọn và công nhận chủ đầu tư đối với 19 dự án khu đô thị mới, nhà ở thương mại; cho chủ trương nghiên cứu, tiếp cận lập quy hoạch chi tiết để đề xuất đầu tư đối với 62 dự án.
 
Ông Nguyễn Vũ, Giám đốc đầu tư Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh, cho biết: Trong các dự án trên thì Tập đoàn Đất Xanh có tham gia nghiên cứu lập quy hoạch cho 3 dự án là Khu đô thị mới thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành; Khu đô thị mới khu vực I, phường V, thành phố Vị Thanh và Khu đô thị mới phường V, thành phố Vị Thanh - ấp 7, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy. Trong vòng 2 năm trở lại đây, mảng khu đô thị đã thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia nghiên cứu và đầu tư, điều đó thể hiện ưu thế của tỉnh về vị trí, cũng như khả năng hỗ trợ, chính sách thu hút doanh nghiệp rất tốt.
 
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết đang tìm cơ hội mở rộng thị trường mới và trung tâm tỉnh lỵ Hậu Giang có nhiều điểm thuận lợi. Tuy nhiên, tỉnh cần xác định lợi thế so sánh để chọn hướng đột phá. Dân số ở Hậu Giang ít, nếu đầu tư về nhà ở thì làm sao để thu hút dân cư về và phải phục vụ cho những người thật sự có nhu cầu về nhà ở. Hiện nay, thông tin về Hậu Giang cũng còn khá ít, vì vậy cần có hình thức quảng bá để thu hút nhà đầu tư vào và không riêng gì ở lĩnh vực đô thị.
 
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu cho rằng phát triển đô thị là một yêu cầu tất yếu, quyết định thành công của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian qua, tỉnh đã có những bước đi căn cơ, bài bản trong phát triển đô thị, để phát triển thành công mạng lưới đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh phục vụ cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Tuy nhiên, dù số lượng các đô thị đến nay đã cơ bản đảm bảo nhưng chất lượng, quy mô và tính liên kết của các đô thị còn chưa tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng và chưa tạo được động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Chính vì vậy, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển đô thị còn hạn chế, chủ trương của lãnh đạo tỉnh thời gian qua là tận dụng tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý và tài nguyên đất để đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng, quy mô các đô thị thông qua thu hút đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực đầu tư là chủ trương đúng đắn, kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Hậu Giang và nhu cầu của thị trường bất động sản.
 
Ông Lê Tiến Châu cho biết quan điểm của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang trong phát triển đô thị phải lấy con người làm trung tâm, nhằm mục đích cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; giữ gìn và phát huy các giá trị con người, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm và chăm lo sức khỏe cho người dân. Phát triển đô thị phải cân bằng giữa các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường, cơ sở hạ tầng, không gian đô thị và năng lực quản lý nhà nước. Không phát triển ồ ạt vượt quá nhu cầu thực tiễn, gây ra lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng tới dư địa phát triển của các thế hệ mai sau. Cùng với đó, xây dựng và phát triển đô thị phải có tầm nhìn chiến lược dài hạn và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Các đô thị của tỉnh Hậu Giang phải mang đặc sắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long, gắn kết giữa phát triển đô thị với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, đặc thù tự nhiên đất đai, sông nước, khí hậu và thói quen sinh hoạt của người dân. Mục tiêu là hướng đến xây dựng một mô hình đô thị kiểu mới kết hợp phát triển dịch vụ du lịch và các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, tuần hoàn, bền vững...
 
Để phục vụ phát triển đô thị, đến nay có 335 danh mục đồ án quy hoạch được lập và phê duyệt. Trong đó, có 3 đồ án quy hoạch xây dựng vùng (Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hậu Giang, Quy hoạch xây dựng vùng kinh tế dọc 2 bên Quốc lộ 61C, Quy hoạch xây dựng vùng huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang). Có 19 danh mục đồ án quy hoạch chung, 24 danh mục đồ án quy hoạch phân khu, đạt tỷ lệ 62,6% trên diện tích đất lập quy hoạch chung; 157 danh mục quy hoạch chi tiết và 132 danh mục đồ án quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, đạt 31,7%.
Bài, ảnh: HOÀI THU - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế