Trà Vinh: Nỗ lực phát triển thêm 80.000 con heo trong quý II

Thứ ba, 26 Tháng 5 2020 13:43 (GMT+7)
Mục tiêu trong quý II/2020, tỉnh Trà Vinh quyết tâm khôi phục đàn heo thêm 80.000 con, tương đương thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, mọi chuyện không hề dễ dàng.
 
Tại Trà Vinh, một số hộ chăn nuôi đã tái đàn trở lại. Ảnh: Minh Đảm.
Tại Trà Vinh, một số hộ chăn nuôi đã tái đàn trở lại. Ảnh: Minh Đảm.
 
Chi phí tăng cao, tỷ lệ tái đàn thấp
 
Sở NN-PTNT Trà Vinh cho biết, hiện giá heo giống khá  cao, con giống lại khan hiếm. Do ảnh hưởng của dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) năm 2019 nên người dân chưa mạnh dạn tái đàn, dẫn đến tổng đàn giảm mạnh.
 
Tổng đàn heo của Trà Vinh chỉ còn trên 50% so với thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra, dao động trong khoảng 119.000 con, giảm 101.000 con.
 
Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh lở mồm lông móng và DTHCP bước đầu được kiểm soát, giá heo hơi cao nên một số hộ chăn nuôi đã rục rịch tái đàn trở lại.
 
Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Trà Vinh đến nay, đã có 1.637 hộ chăn nuôi tái đàn heo. Trong đó, chỉ có 44 hộ có đăng kí với ngành chức năng, còn lại 1.593 hộ "âm thầm" tự nuôi mà không đăng ký với địa phương.
 
Hiện chi phí tái đàn heo đã tăng lên rất nhiều, đẩy giá thành chăn nuôi lên cao. Trong khi vốn của người dân đã kiệt do dịch bệnh nên tỷ lệ tái đàn heo còn thấp.
 
Ông Nguyễn Duyên Hải, một hộ nuôi heo trên địa bàn huyện Châu Thành cho biết: “Giá heo giống tăng cao quá chừng. Ngày 25/3, một đơn vị heo giống tại TP HCM thông báo giá heo con dưới 18kg là 175.000 đồng/kg, trên 18kg là 170.000 đồng/kg, chưa kể công vận chuyển đến trại 350.000 đồng/con. Bây giờ thì giá heo còn tăng cao hơn nữa. Heo giống 8-10kg là 2,3 triệu đồng/con, tức là trên 230.000 đồng/kg. Heo từ 18-20 kg là 3,75 triệu đồng/con”.
 
Cũng theo ông Hải, tuy giá cao nhưng con giống cũng đâu dễ mua. Các công ty chăn nuôi lớn có đàn nái nhiều thường bán con giống cho các trang trại quen biết, người nuôi nhỏ lẻ vẫn thiếu nguồn.
 
Mỗi con heo giống 10kg có giá bán 2,3 triệu đồng, chi phí thức ăn 2,5 triệu đồng và chi phí thuốc thú y 1 triệu đồng, tổng cộng 5,8 triệu đồng. Đó là chưa kể các chi phí khấu hao trang trại, tiền điện nước, nhân công chăm sóc. Điều này khiến người dân khó xoay sở vì vốn đầu tư chăn nuôi heo giờ khá nặng.
 
Giá heo con tăng cao khiến giá thành chăn nuôi cũng đẩy lên, từ đó vốn đầu tư tái đàn heo càng lớn, không phải ai cũng có tiền chăn nuôi heo. Ảnh: Minh Đảm.
Giá heo con tăng cao khiến giá thành chăn nuôi cũng đẩy lên, từ đó vốn đầu tư tái đàn heo càng lớn, không phải ai cũng có tiền chăn nuôi heo. Ảnh: Minh Đảm.
 
Còn tại huyện Tiểu Cần, ông Trần Văn Quân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện, cho biết: “Trước khi dịch bệnh xảy ra, đàn heo của huyện đạt trên 63.000 con. Dịch bệnh đã làm giảm 28% tổng đàn. Mục tiêu năm 2020 này, huyện quyết tâm khôi phục đàn heo đạt mức 65.000 con. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có trên 40 hộ tái đàn heo, với trên 1.100 con có khai báo với chính quyền địa phương.
Tỷ lệ tái đàn heo còn thấp, do đa số hộ nuôi vẫn còn tâm lý sợ dịch bệnh tái phát. Bây giờ thả heo mà dịch bùng lên là trắng tay luôn.
Vì vậy, một số hộ chuyển sang nuôi gia cầm, bò, dê... Số khác không có vốn nên muốn tái đàn cũng đành chịu. Bên cạnh đó, một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn nhỏ giọt nhưng làm lặng lẽ mà không có thông báo với cơ quan chuyên môn”.
 
Đại lý thức ăn bán chịu 
 
Trước khi dịch bệnh xảy ra, tại xã Phước Hưng, huyện Trà Cú có 178 hộ nuôi với tổng đàn heo khoảng 3.800 con. Từ khi dịch bệnh xảy ra, đàn heo của xã giảm mạnh. Từ Tết Nguyên đán đến nay, dịch bệnh đã được khống chế. Hiện xã này còn khoảng 1.500 con heo thịt với khoảng 300 con nái. Do con nái bị thiệt hại nhiều nên nguồn con giống khan hiếm.
 
Do nguồn vốn chăn nuôi của người dân dần cạn kiệt, hiện nay tại xã Phước Hưng xuất hiện mô hình nuôi heo liên kết giữa nông dân với cửa hàng thức ăn gia súc với hình thức bán chịu thức ăn tới lúc xuất chuồng.
 
Theo UBND xã Phước Hưng hiện trên địa bàn xã có 7 cửa hàng kinh doanh thức ăn gia súc bán chịu cho các hộ nuôi với các hình thức như bán “nợ gối đầu”, tức là trả nợ lần trước rồi mới bán lần sau và nợ “trọn gói”.
 
Anh Hưởng, chủ đại lý Hưởng Hằng nói, đại lý thường bán chịu thức ăn cho người nuôi heo đến cuối vụ. Ảnh: Minh Đảm.
Anh Hưởng, chủ đại lý Hưởng Hằng nói, đại lý thường bán chịu thức ăn cho người nuôi heo đến cuối vụ. Ảnh: Minh Đảm.
 
Anh Hưởng, chủ đại lý thức ăn Hưởng Hằng cho biết, anh có khoảng 40 hộ nuôi heo theo hình thức mua chịu đến cuối vụ: “Tôi mở cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi hai năm rồi. Bà con mua chịu toàn bộ đến lứa xuất chuồng trả tiền chiếm 60% số khách hàng. Còn lại cũng có người nuôi mua thiếu, kiểu trả gối đầu”.
 
 “Hiện giá heo cao nên người nuôi rất phấn khởi. Chỉ sợ người nuôi không có lời chứ có lời thì người ta sẽ trả nợ hết cho mình thôi”, anh Hưởng tâm sự.
 
Anh Điệp, cán bộ thú ý xã Phước Hưng cho biết: “Xã có tỷ lệ heo bị tiêu hủy khá cao so với tổng đàn, chiếm khoảng 60%. Qua đợt dịch này, cơ quan thú y đã mở 3 lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn cho bà con. Qua đó, tâm lý trong tái đàn heo đã mạnh dạn hơn trước.
 
Mô hình liên kết giữa đại lý thức ăn và người chăn nuôi tại xã Phước Hưng có những điểm tích cực giúp tái đàn heo, nhất là hỗ trợ được phần lớn chi phí thức ăn trong lúc người dân chưa có tiền mặt ngay. Ở đây, người dân tạo tin tưởng với nhau chứ không cần giấy tờ”.
 
Mục tiêu khôi phục 80.000 con heo không dễ
 
Để tạo điều kiện cho người dân tái đàn, ngành chăn nuôi tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu phát triển thêm khoảng 80.000 nghìn con heo trong quý II/2020. Vì vậy, các ngành chức năng đã có những bước chuẩn bị như tuyên truyền, hướng dẫn người dân tái đàn theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT.
 
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh, đơn vị đã tổ chức 83 lớp tập huấn và tư vấn trực tiếp kỹ thuật cho người dân về “Tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh nguy hiểm cho đàn gia súc, gia cầm, nuôi thuỷ sản và giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh” với hơn 2.400 người tham dự. Trong đó, có kỹ thuật làm đệm lót sinh học nuôi heo ít dùng nước.
 
Song song đó, tiêu độc sát trùng kỹ lưỡng các chuồng trại đã bị nhiễm bệnh. Đồng thời, Sở NN-PTNT thành lập 3 Tổ chỉ đạo, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh nguy hiểm đối với gia súc, gia cầm. Các địa phương trong tỉnh nhanh chóng thành lập tổ thẩm định tái đàn heo.
 
Vừa qua, hộ bà Nguyễn Thị Bé Hai, tại Kinh 1, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú có heo bị nhiễm bệnh DTHCP, làm thiệt hại 23 con vừa heo thịt vừa heo nái. Giá heo cao, bà Bé Hai đang chuẩn bị thả nuôi heo trở lại.
 
Bà cho biết: “Tôi đã sửa chuồng lại rồi. Làm lồng heo con trong chuồng luôn. Bắt đầu bắt heo lại nuôi cho đảm bảo. Kỳ rồi chuồng không sửa đã bắt chục con rồi cũng bị dính dịch trở lại. Tính đợt này, tôi lên thú y xã hỏi coi cách ngừa bệnh rồi mới nuôi cho chắc.
 
Tôi tính bắt lại 5 con gầy đàn heo nái. Giá heo bây giờ cao vậy chứ không biết sau này có ổn định không. Chứ phải kỳ này nuôi heo là ngon rồi. Thấy heo giá cao mà chưa tái đàn được cũng tiếc nè”.
 
Giá thức ăn chăn nuôi tăng 4.000 đồng/bao kể từ tháng 3/2020 càng khiến việc tái đàn heo trở nên khó khăn. Ảnh: Minh Đảm.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng 4.000 đồng/bao kể từ tháng 3/2020 càng khiến việc tái đàn heo trở nên khó khăn. Ảnh: Minh Đảm.
 
Bên cạnh đó, công tác kiểm dịch động vật được ngành chức năng đẩy mạnh. Đến nay, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh đã kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất nhập ra vào tỉnh đối với heo là gần 2.300 con, bò gần 2.600 con, gia cầm trên 289.000 con, sản phẩm động vật trên 90 tấn. Công tác giải ngân hỗ trợ người dân có heo bị thiệt hại do DTHCP đạt 99,9% với tổng kinh phí trên 139 tỷ đồng.
 
Theo bà Nguyễn Ngọc Hài, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh, hiện bệnh DTHCP và bệnh lở mồm lông móng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh đe dạo đàn vật nuôi, đặc biệt là tái đàn heo. Tỷ lệ tiêm phòng chưa cao, chưa bảo hộ được đàn vật nuôi, một số hộ chưa thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng đúng quy định, mầm bệnh tồn lưu ngoài môi trường sẽ là những điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát sinh.
 
Thời gian tới Sở NN-PTNT Trà Vinh tiếp tục chỉ đạo ngành chăn nuôi và thú y triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng chống, dịch bệnh gia súc, gia cầm và thuỷ sản 2020. Đồng thời, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, nhất là DTHCP; vận động các hộ chăn nuôi tiêm phòng đầy đủ để bảo hộ cho đàn vật nuôi, nhất là thời điểm gia mùa.
Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác tiêu độc, khử trùng, kiểm soát giết mổ tại các cơ sở tập trung, tăng cường công tác tuyên truyền tập huấn phòng chống dịch bệnh trên gia súc,…
 
MINH ĐẢM - LÊ HOÀNG VŨ - (nongnghiep.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế