Nông dân trồng giống dừa dứa 4 năm tuổi cho trái, hiệu quả cao. Ảnh: TL.
Nâng cao chuỗi giá trị
Cây dừa được xem có nhiều lợi thế sinh trưởng tốt trên đất pha cát và khả năng chống chịu mặn tốt ở các nước vùng nhiệt đới giàu nắng mưa. Bất chấp điều kiệt thời tiết khắc nghiệt, biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế vườn dừa cho thấy khả năng nâng cao giá trị, mở ra nhiều triển vọng.
Trà Vinh hiện có diện tích dừa lớn thứ 2 (sau tỉnh Bến Tre), khoảng 3 triệu cây với hơn 21.400 ha, tăng gấp 2 lần so với năm 2001. Trong đó diện tích dừa đang cho trái hơn 17.200 ha. Năng suất bình quân đạt 15,3 tấn/ha, tăng 17% so năm 2001, tương đương 220 triệu quả.
Đặc biệt Trà Vinh có đặc sản giống dừa sáp độc đáo. Tỉnh đã nuôi cấy phôi dừa sáp được 2 ha và 70 ha đạt chứng nhận VietGAP, tỷ lệ sáp đạt 25-30%, tương đương mức cho trái trên 4.000 trái sáp/năm và xây dựng nhãn hiệu độc quyền dừa sáp Cầu Kè.
Trong những năm qua đã có một số DN đến Trà Vinh tham gia liên kết SX với nông dân trồng dừa.
Trong đó, công ty Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) đã được đánh giá tái chứng nhận dừa hữu cơ đạt 3 tiêu chuẩn Quốc tế (Châu Âu - EU, Mỹ - USDA và Nhật Bản - JAS) với 330 ha của 348 hộ dân tại xã Đại Phước, huyện Càng Long.
Còn Sở NN-PTNT Trà Vinh đang xây dựng và mở rộng 200 ha vườn dừa hữu cơ tại xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần và 150 ha tại xã Long Đức, TP Trà Vinh.
Tỉnh Trà Vinh định hướng dừa là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh. Nông dân có truyền thống thâm canh cây dừa lâu đời.
Cây dừa tươi tốt bạt ngàn trên đất Trà Vinh đã chứng minh lợi thế phù hợp thổ nhưỡng, có khả năng thích ứng BĐKH. Hơn nữa dừa là loại cây dễ chuyển đổi sang canh tác hữu cơ hơn các loại cây khác.
Vì vậy tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu phát huy hiệu quả kinh tế theo xu hướng chuyển đổi từ nền nông nghiệp hóa chất sang nền nông nghiệp xanh.
Các HTX nông nghiệp ở Trà Vinh hiện cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm từ cây dừa: Trái dừa, các phụ phẩm từ dừa như lá, xơ, yếm, hoa, sọ… là nguồn nguyên liệu chính tạo thêm việc làm cho các ngành nghề thủ công, chế biến thực phẩm, than hoạt tính xuất khẩu.
Bà Lê Thị Tuyết Hồng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Trà Vinh, cho rằng: Trong thời gian qua tỉnh Trà Vinh tiếp tục kêu gọi DN liên kết tham gia vào chuỗi giá trị dừa của tỉnh nhằm giúp nông dân SX và tiêu thụ ngành hàng dừa, nâng cao hiệu quả kinh tế để xứng đáng với tiềm năng lợi thế cây dừa của tỉnh.
Hiệu quả kinh tế trồng dừa mang lại ổn định. Ảnh: Hữu Đức.
Tăng chế biến, giảm xuất thô
So sánh tìm lợi thế, dù chỉ cách con sông Cổ Chiên nhưng dừa Trà Vinh còn khá hạn chế nhiều mặt. Diện tích cây dừa Trà Vinh chỉ bằng 1/3 của tỉnh Bến Tre (trên 71.000 ha).
Trong khi Bến Tre có trên 300 cơ sở thu mua, chế biến trong khi ở Trà Vinh mới có một số ít cơ sở thu mua cung cấp dừa trái nguyên liệu. Tình trạng dừa cho trái được mùa mất giá thường xảy ra.
Một chủ cơ sở thu mua cung cấp dừa nguyên liệu tại Trà Vinh, cho rằng: Hiện khó khăn lớn nhất nếu muốn nâng cao giá trị dừa thì cần phải giảm chi phí vận chuyển 3.500 đ/chục (từ Trà Vinh về Bến Tre), chi phí công hái, chi phí đóng container…
Như vậy nếu có thêm nhiều DN đầu tư cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến tại Trà Vinh sẽ giảm được chi phí rất nhiều và giá dừa trái nhà vườn bán ra sẽ cao hơn.
Vườn dừa mới khởi phát sau 2 năm và trồng xen cây quất dưới tán ở Cần Thơ. Ảnh: Hữu Đức.
Thực tế mấy năm gần đây có Công ty CP Chế biến Á Châu hợp đồng liên kết tiêu thụ dừa với HTX Nông nghiệp Tân Thành (huyện Tiểu Cần) tiêu thụ sản phẩm dừa hữu cơ với giá cao hơn 10-20% so với giá giá thị trường.
Hơn 180 hộ nông dân thành viên HTX Tân Thành kỳ vọng sản phẩm dừa hữu cơ sẽ trở thành tâm điểm nhân rộng để nâng cao giá trị. Đại diện công ty Á Châu còn đề xuất phát triển chuỗi SX sẽ nâng cao hơn nữa từ trái dừa, đầu tư công nghệ, cơm dừa chế biến ra nướt cốt dừa, cháo dừa, nước dừa đóng hộp.
Bên cạnh đó, Cty Chế biến dừa Lương Qưới xây dựng vùng nguyên liệu và thu mua dừa tại xã Long Đức, TP Trà Vinh.
Đại diện công ty CP Chế biến dừa Á Châu cho biết, DN sẽ lo khâu cuối của chuỗi SX và tỉnh Trà Vinh cần tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư cho các cơ sở thu mua sơ chế tại chỗ, giảm tối đa chi phí vận chuyển. Từ đó các phụ phẩm từ dừa như chỉ sơ dừa, gáo dừa chế biến thành sản phẩm than hoạt tính có giá trị cao hiện đang được thị trường xuất khẩu rất mạnh.
Năm 2020 tỉnh Trà Vinh ổn định 22.000 ha dừa, năng suất 16,5 tấn/ha, sản lượng trên 321.000 tấn. Đến năm 2030 tỉnh phát triển 25.000 ha, năng suất 17 tấn/ha, sản lượng 357.000 tấn. Toàn tỉnh có 89.000 hộ dân trồng dừa, chiếm 40% tổng số hộ khu vực nông thôn, với khoảng 170.000 lao động tham gia SX, bình quân có khoảng 2,5 công dừa/hộ, thu nhập 30-45 triệu đồng/ha.
HỮU ĐỨC - (nongnghiep.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)