Khu chung cư Cadif do Quỹ Đầu tư Phát triển TP Cần Thơ đầu tư tại địa bàn quận Cái Răng.
Diện mạo đô thị khang trang, hiện đại
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 45, TP Cần Thơ đã thực hiện tốt công tác quy hoạch và phát triển đô thị, trở thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương vào năm 2009 với điểm nhấn về cảnh quan và kiến trúc là “sáng, xanh, sạch, đẹp”, hướng tới là đô thị hạt nhân của vùng. Được chính thức công nhận là đô thị loại 1 vào năm 2009, đến năm 2019, tỷ lệ đô thị hóa của thành phố đạt khoảng 70%, tăng gần 20 điểm phần trăm so với năm 2005 và cao hơn gần 2 lần so với mức trung bình toàn quốc. Trên địa bàn thành phố hiện có 99 dự án khu dân cư, khu tái định cư, khu đô thị mới với quy mô hơn 2.603ha.
Thời gian qua, thành phố đã huy động được nhiều nguồn lực nhằm cải thiện hạ tầng kỹ thuật: giao thông, điện, cấp thoát nước; hạ tầng xã hội: y tế, môi trường…); phát triển đô thị. Một số dự án tiêu biểu đang triển khai thực hiện tạo điểm nhấn về cảnh quan, hình thái đô thị, đưa diện mạo đô thị phát triển ngày càng khang trang, hiện đại. Trong số đó có thể kể đến: Khách sạn Mường Thanh Cần Thơ, Khách sạn Ninh Kiều Riverside, tổ hợp khách sạn 5 sao Trung tâm thương mại và shophouse Vincom Xuân Khánh, Trung tâm thương mại Vincom Hùng Vương, Bến xe khách trung tâm TP Cần Thơ; các dự án khu dân cư, khu tái định cư, khu đô thị mới, khu đô thị sinh thái, khu đô thị du lịch sinh thái tại các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Thốt Nốt, Ô Môn... Một số dự án quan trọng nhằm nâng cao khả năng thích ứng, chống ngập cho đô thị được triển khai thực hiện đã mang lại nhiều kết quả tích cực: Dự án nâng cấp đô thị TP Cần Thơ đã tập trung nâng cấp các khu dân cư thu nhập thấp tại quận Ninh Kiều, Bình Thủy, qua đó có 35 khu vực gồm 245 hẻm đã được cải tạo. Nhờ đó, không chỉ môi trường sống của người dân được cải thiện mà còn góp phần nâng giá trị bất động sản ở các khu vực này.
Quá trình đầu tư kết cấu hạ tầng cũng đặt ra yêu cầu phải giải quyết vấn đề tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng tại các dự án. Trong giai đoạn 2018-2020, thành phố đã bố trí ngân sách để đầu tư 5 dự án tái định cư ở Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt và Phong Điền với tổng vốn đầu tư trên 971 tỉ đồng nhằm tạo quỹ nền tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa bởi các dự án đầu tư trên địa bàn các quận, huyện. Hay đầu năm 2020, Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ cũng triển khai Dự án Khu tái định cư An Bình để giải quyết nhu cầu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng cho đô thị, ông Đoàn Thanh Tâm, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ, chia sẻ: Hiện nay, Ban Quản lý Dự án ODA đang gấp rút triển khai thi công hạ tầng Khu tái định cư An Bình. Khi hoàn thành giai đoạn 1 với diện tích 28,3ha, dự án sẽ đóng góp cho thành phố 986 nền để phục vụ nhu cầu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị.
Vai trò hạt nhân của vùng
Cần Thơ đang định hướng quy hoạch đô thị theo hướng đô thị sông nước, sinh thái, văn minh và hiện đại. Trong định hướng mở rộng không gian và chức năng đô thị của TP Cần Thơ sẽ bao gồm khu đô thị trung tâm ở quận Ninh Kiều và một phần ở quận Bình Thủy với các trung tâm tài chính, thương mại, khoa học và công nghệ, y tế, giáo dục, đổi mới sáng tạo cấp vùng; khu đô thị đặc thù với thế mạnh về cảnh quan sông nước, văn hóa đặc trưng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị đầu mối cấp thành phố, cấp quận Bình Thủy; khu đô thị công nghiệp, dịch vụ cảng, logistics ở quận Cái Răng, khu đô thị mới với các trung tâm công nghiệp chuyên ngành, công nghệ cao, công nghiệp điện năng cấp vùng, đầu mối giao thông liên vùng ở quận Ô Môn, khu đô thị trung tâm công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản và công nghiệp phụ trợ, trung tâm kho vận cấp vùng, trung tâm thương mại dịch vụ quan trọng của thành phố và các vùng du lịch sinh thái đường thủy ở quận Thốt Nốt; khu đô thị sinh thái, vùng lá phổi xanh cảnh quan đặc trưng của thành phố và vùng ở huyện Phong Điền…
Tại Hội thảo Phát triển bền vững TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Cần Thơ tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng quy định của pháp luật phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ĐBSCL, quy hoạch đô thị theo hướng đô thị sông nước sinh thái văn minh và hiện đại, đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL. Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách nông nghiệp, Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm vùng ĐBSCL và có điều kiện phát triển đô thị hiện đại. Do đó, Cần Thơ phải là trung tâm đô thị và dân cư trung tâm của cả vùng ĐBSCL. Cần Thơ có thế mạnh về mức độ an toàn để phát triển đô thị, tập trung dân cư mà không một địa bàn nào trong vùng có được. Song song với việc quy hoạch, xác định vị trí, quy mô đô thị hợp lý, điều chuyển dân cư ở các địa bàn bị đe dọa bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, cần dành quỹ đất và tổ chức cơ sở hạ tầng hợp lý để quy hoạch và phát triển TP Cần Thơ thành thành phố có chức năng đô thị trung tâm của vùng, kèm theo hệ thống các đô thị vệ tinh thu hút dân cư đô thị và tham gia kinh tế phi nông nghiệp trong tương lai nhằm giảm tải cho TP Hồ Chí Minh.
Bài, ảnh: MINH HUYỀN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)