Hoạt động xuất khẩu xoài tại Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp được nối lại bắt đầu từ tháng 4.
Hoạt động xuất khẩu xoài tăng trưởng khả quan trong thời gian qua, bà Đinh Kim Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp, cho biết: “Bắt đầu từ tháng 4 vừa qua các thị trường xuất khẩu xoài truyền thống của DN: Mỹ, Trung Quốc, Úc, Hàn Quốc đã bắt đầu đặt hàng trở lại. Mặc dù hoạt động giao thương đã được nối lại, song do ảnh hưởng của COVID-19 nên chi phí logistics thời gian qua tăng rất nhiều so với thời điểm trước dịch bùng phát toàn cầu, đây cũng là một trong những khó khăn lớn của DN khi hoạt động kinh doanh trở lại. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì sản lượng xuất năm nay giảm đáng kể nhưng trong tình cảnh khó khăn như thế này mà hàng đi xuất khẩu được là chúng tôi mừng rồi. Và đây cũng là sự kỳ vọng lớn của nông dân, nhờ hoạt động xuất khẩu được trở lại bình thường nên giá xoài đã tăng mạnh trở lại, sau thời gian dài hoạt động mua bán phải ngưng trệ”.
Nhờ hoạt động xuất khẩu được nối lại nên so với cách đây hơn một tháng giá nhiều mặt hàng nông sản đã tăng mạnh. Cụ thể, giá xoài tăng từ 2.000-5.000 đồng/kg; nhãn Ido tăng từ 6.000-8.000 đồng/kg; chanh tăng từ 5.000-6.000 đồng/kg…
Đặc biệt, trong nhiều mặt hàng nông sản thì lúa, gạo có mức tăng trưởng tốt. Cụ thể, lúa hè thu thường có giá bán 5.100-5.450 đồng/kg (cao hơn vụ đông xuân từ 600-850 đồng/kg), lúa chất lượng cao 5.500-5.700 đồng/kg (cao hơn vụ đông xuân từ 500-600 đồng/kg), kênh tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái.
Mặc dù còn nhiều khó khăn trước mắt, song với những thuận lợi trong công tác kiểm soát dịch COVID-19 sớm, cộng đồng DN của Việt Nam nói chung và DN tỉnh Đồng Tháp nói riêng có nhiều thuận lợi khi có cơ hội bắt nhịp sản xuất kinh doanh sớm hơn.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho rằng, hiện nay một số thị trường đã có sự phục hồi trở lại, song sự phục hồi rất chậm và “thận trọng”. Cùng với thách thức thì vẫn có nhiều cơ hội phía trước, sau quyết sách và phương châm chống dịch hiệu quả của Chính phủ, an sinh xã hội kèm phát triển kinh tế đã phát huy tác dụng, niềm tin của các nhà đầu tư, các tập đoàn nhập khẩu-bán lẻ với Việt Nam và với thủy sản Việt Nam gia tăng đáng kể hiện nay và sau dịch COVID-19. Các quốc gia sản xuất thủy sản cạnh tranh chính với Việt Nam phải phong tỏa cách ly chống dịch, giảm đáng kể sản lượng sản xuất và xuất khẩu. Các nước này sẽ có độ trễ đáng kể hơn Việt Nam về phục hồi sản xuất sau dịch để duy trì nguồn cung thủy sản cho thế giới. Đây là cơ hội lớn cho thủy sản Việt Nam.
VASEP cũng dự đoán sẽ có dịch chuyển sản xuất từ một số quốc gia sang Việt Nam, nhu cầu nguồn nguyên liệu qua sơ chế từ Việt Nam có xu hướng tăng, trong khi các sản phẩm thủy sản tiện dụng (ăn liền hoặc chỉ việc nấu chín) có giá trị gia tăng có xu hướng được ưa chuộng hơn trên thị trường thế giới…
Mặc dù tình hình dịch COVID-19 ở một số nước châu Âu vẫn còn diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của nhiều DN trong đó có Công ty Cổ phần Thực phẩm Bích Chi, TP Sa Đéc, song DN này cũng đặt nhiều kỳ vọng về sự phục hồi nhanh của các thị trường ở khối Liên minh châu Âu. Cho biết về định hướng phát triển của DN trong những quý tới, ông Phạm Thanh Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Bích Chi, bày tỏ: “Hiện DN chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực về con người cũng như cơ sở vật chất để có thể bắt đầu sản xuất hết công suất khi thị trường xuất khẩu được nối lại. Điều chúng tôi mong chờ nhất hiện giờ là việc Chính phủ ở các nước Liên minh châu Âu sớm kiểm soát tốt dịch COVID-19 để các hoạt động giao thương có thể nối lại như bình thường. Nếu trong tương lai gần châu Âu kiểm soát tốt dịch COVID-19 và đi kèm với việc hiệp định thương mại tự do EVFTA giữa Việt Nam và châu Âu có hiệu lực, chúng tôi nghĩ những tháng cuối năm Bích Chi có khả năng tăng trưởng tốt. Song song với việc kỳ vọng vào sự phục hồi của các thị trường truyền thống thì hiện nay Bích Chi cũng đang có kế hoạch mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới nằm ở khu vực châu Phi…”
Với những tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 đến nền kinh tế, có lẽ trong thời gian sắp tới cộng đồng DN của tỉnh nhà sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và phải mất một thời gian dài để lấy lại mức tăng trưởng bình thường. Song với sự đồng lòng vượt khó, chủ động tìm cơ hội bứt phá trong khó khăn, tin rằng cộng đồng DN tỉnh nhà sẽ sớm “chèo lái” nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng vượt bậc trong những tháng cuối năm.
VÂN KHÁNH - (baocantho.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)