Theo Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, địa phương này xác định ngành công nghiệp chế biến dừa và chế biến thủy sản là 2 ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Chính vì vậy, Bến Tre đã xác định giải pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hai ngành công nghiệp này.
Từ năm 2019, Sở Công Thương tỉnh Bến Tre cũng đã chủ trì thành lập nhóm thực hiện và hoàn thành nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu tiềm năng phát triển ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre”, đề tài được triển khai vào đầu năm 2020, với mục đích sớm phát huy hiệu quả, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của Bến Tre, góp phần phát triển ngành công nghiệp của địa phương này một cách bền vững.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, ngành công nghiệp chủ lực là các ngành công nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, có tính lan tỏa mạnh đến ngành công nghiệp của tỉnh, có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; đầu tư dây chuyền thiết bị sản xuất có trình độ công nghệ cao, phù hợp với trình độ sản xuất trong từng thời kỳ, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo về môi trường; tạo ra mức tăng trưởng cao, ổn định; hoặc là các ngành công nghiệp thuộc nhóm ngành xuất khẩu chủ lực, đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp; tạo nhiều việc làm cho người lao động, nhất là lao động nông thôn; là ngành công nghiệp mới, phù hợp, đón đầu xu hướng thị trường, có sức cạnh tranh cao và phát triển bền vững.
Qua kết quả khảo sát 200 doanh nghiệp đại diện cho các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre, nhóm nghiên cứu xác định danh mục các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và hướng đến năm 2030, đó là ngành sản xuất chế biến thủy sản (64 điểm) và ngành sản xuất, chế biến dừa (67 điểm). Trên thực tế, tỉnh Bến Tre có sản lượng thủy sản đứng thứ 4/13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Chế biến thủy sản xuất khẩu ở Bến Tre. (Ảnh: Báo Đồng Khởi)
Toàn tỉnh hiện có 22 doanh nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh, trong đó có 15 doanh nghiệp chủ yếu là mua bán và gia công, 7 doanh nghiệp phục vụ xuất khẩu, sản phẩm chủ yếu là cá tra fillet, nghêu, tôm, sản phẩm giá trị gia tăng… Công suất chế biến thủy sản ước đạt 76 nghìn tấn sản phẩm/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 3.580 lao động. Sản lượng sản phẩm thủy sản đông lạnh giai đoạn 2016 - 2020 có xu hướng tăng, bình quân đạt 7,24%/năm và sản lượng thủy sản xuất khẩu tăng bình quân 5,46%.
So với các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các nhà máy chế biến thủy sản của tỉnh Bến Tre thuộc diện tương đối về quy mô và trình độ khoa học công nghệ. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh của tỉnh này đều xây dựng những tiêu chuẩn, quy chuẩn cho vùng nuôi và cho nhà máy chế biến đạt yêu cầu xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU...
Ngoài ra, Bến Tre cũng là thủ phủ dừa của cả nước. Dừa được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh này. Đến nay, diện tích dừa đạt 72.022 ha, năng suất 9.500 trái/ha, sản lượng 612.500 trái.
Toàn tỉnh có khoảng 138 doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa, với nhiều loại hình, quy mô hoạt động khác nhau, gồm một số ngành chính như: chế biến vỏ dừa (chỉ xơ dừa, mụn dừa, các sản phẩm sau chỉ), chế biến gáo dừa (than hoạt tính, than thiêu kết, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa), chế biến cơm dừa (sơ chế cơm dừa, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, bột sữa dừa, kẹo dừa, các loại mỹ phẩm từ dừa....), chế biến nước dừa (thạch dừa, nước dừa đóng hộp), chiếm 25,79% tổng số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của tỉnh, giải quyết việc làm cho hơn 9.500 lao động.
Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa tăng bình quân 14,80%, chiếm 21,47% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh này. Thị trường xuất khẩu dừa tiếp tục được giữ vững và mở rộng, đã xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ./..
K.V - (dangcongsan.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)