Doanh nghiệp khởi nghiệp: Cần thay đổi để thích ứng với thị trường

Thứ sáu, 05 Tháng 6 2020 14:20 (GMT+7)
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp (KN) trên địa bàn tỉnh đã nhận ra sự thay đổi của thị trường và tìm cách thích ứng thông qua từng bước tái cấu trúc DN.
 
Khảo sát về tình hình sản xuất nông nghiệp sau đợt hạn mặn năm 2020.
Khảo sát về tình hình sản xuất nông nghiệp sau đợt hạn mặn năm 2020.
 
Tái cấu trúc hoạt động
 
Giám đốc Công ty TNHH Tự động hóa Tùng Phát Lê Thị Huế My cho biết: Tác động của dịch Covid-19 là dịp để DN nhận ra “sức khỏe”, “sức đề kháng” của mình. Từ đó, DN tái cấu trúc về nhân sự, khách hàng đối tác. Qua đợt này là cơ hội để công ty nhìn nhận lại nhiều vấn đề và đánh giá, quyết định lựa chọn đối tác thật sự gắn bó, tham gia vào chuỗi sản xuất, kinh doanh của công ty lâu dài.
 
Chị Phạm Thị Vân, người KN với thương hiệu Dừa Cười cho biết: “Trước giờ, mình bị cuốn theo công việc. Còn dịp này, mình có thời gian xem lại khách hàng, củng cố lại những mối quan hệ, chuỗi cung ứng, duy trì nhà cung cấp nào. Riêng hạn mặn đã ảnh hưởng nguồn nguyên liệu dừa, DN quan tâm về vấn đề là làm sao có đủ nguồn nguyên liệu cho khách hàng...”.
 
Từng là hướng dẫn viên du lịch đi qua 40 quốc gia, rồi chị quyết định dừng lại và KN ở tuổi 30, chị Vân đã chọn KN từ trái dừa Bến Tre, với thương hiệu Dừa Cười. “Một trái dừa uống nước là cái mình có nhưng để đáp ứng được yêu cầu khách hàng thì làm sao để người dùng có thể dùng nó một cách tiện lợi nhất, cầm trái dừa lên và cắm ống hút vào uống được ngay. Đó mới là bán cho khách hàng cái mà họ cần chứ không chỉ bán cho họ cái mình đang có”, chị Phạm Thị Vân chia sẻ.
 
Cũng theo chị Vân, DN luôn được sự quan tâm hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền. Đặc biệt là Trung tâm Xúc tiến đầu tư và KN. Bến Tre là địa phương hỗ trợ KN nhiều nhất, từ chính sách, thủ tục, vốn, đào tạo, hội thảo… Vì thế, chị Vân đã tận dụng tất cả các cơ hội để tham dự và giao lưu với cộng đồng KN, với lãnh đạo các cấp.
 
Chuyển hướng hỗ trợ
 
Giám đốc Sở Công Thương Châu Văn Bình cho biết: “Nếu trước thương mại theo kiểu truyền thống thì nay đã chuyển sang gắn với internet, thương mại điện tử. Sở Công Thương cũng thay đổi hướng đào tạo KN là đẩy mạnh đào tạo lĩnh vực thương mại điện tử, tổ chức đưa sản phẩm KN vào Tiki, Lazada...
 
Doanh nghiệp chia sẻ nỗ lực vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 tại Không gian khởi nghiệp - Đổi mới sáng tạo.
Doanh nghiệp chia sẻ nỗ lực vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 tại Không gian khởi nghiệp - Đổi mới sáng tạo.
 
“Chọn lọc khoảng 20 DN có sản phẩm tìm năng phát triển để xây dựng thương hiệu; đồng hành với DN đánh giá sản phẩm, vị trí của DN để có hướng phát triển lâu dài; hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu trực tuyến. Sở cũng sẽ xây dựng 15 cửa hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc sản Bến Tre, hỗ trợ theo mô hình chuẩn của Bộ Công Thương, đẩy mạnh truyền thông, xây dựng thương hiệu, xây dựng cửa hàng dừa tại Yến Hương và Tuyết Phụng. Đồng thời, sở hỗ trợ DN tham gia xúc tiến thương mại theo nhu cầu của DN. Đối với hồ sơ điện tử, Sở Công Thương sẽ ưu tiên giải quyết trước.
 
Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Nguyễn Văn Phúc, trạng thái bình thường là mở cửa hàng, nhưng thời gian dịch bệnh thì chuyển mạnh qua thương mại điện tử. Sở Công Thương sẽ hỗ trợ trình tự, thủ tục cho DN đăng ký thủ tục bán hàng thương mại điện tử theo quy định. Đồng thời, hạn chế việc kiểm tra không cần thiết.
 
Ngành thuế sẽ đẩy mạnh tuyên truyền dịch vụ thuế điện tử: khai, nộp, hoàn thuế điện tử. Sở Công Thương khuyến khích DN nên thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, mức độ 3, gắn với bưu điện để gửi hồ sơ, thủ tục thuế.
 
Thông tin từ phía ngân hàng, đến giữa tháng 5-2020, tổng số 1.431 khách hàng, số dư nợ được miễn giảm lãi 375 tỷ đồng. Số tiền lãi được miễn giảm là 327 tỷ, số dư cơ cấu gia hạn nợ 547 tỷ đồng. Chính sách hạ lãi suất của một số ngân hàng từ 0,5 - 2%/năm.
 
Ông Đinh Hoàng Hiệp - Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF) khẳng định: Để đón bắt được cơ hội trong thách thức sau dịch Covid-19 và hạn mặn, trước hết, người chủ DN phải thay đổi chính mình. Một trong những hành động tái cấu trúc, chuyển đổi của DN là thay đổi làm tốt hơn so với cũ, kết nối cùng phát triển, tìm nhân sự giỏi vào đội ngũ, xây dựng hệ thống, thay đổi sản phẩm mới, thay đổi đối tượng phục vụ, cách phục vụ, giao hàng...
 
Bài, ảnh: Nhiên Luận - (baodongkhoi.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế