Trạm cung cấp nước sạch nông thôn được TP Cần Thơ quan tâm đầu tư xây dựng. Trong ảnh: Trạm cung cấp nước sạch tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền.
Thiếu nước
Nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL cùng nhận xét, diễn biến mùa khô hạn năm 2019-2020 ở ĐBSCL đến sớm, gay gắt và kéo dài nhất trong những năm gần đây. Cho đến những ngày cuối tháng 5-2020, một số địa phương có xuất hiện vài cơn mưa đầu mùa, nhưng chưa thể giải hạn cái nóng oi bức và làm giảm độ XNM trong vùng. Theo các địa phương vùng ven biển ĐBSCL, hạn hán, XNM đã làm mức độ ảnh hưởng, thiệt hại nặng nhất vào giai đoạn từ cuối năm 2019 đến ngày 24-3-2020, với 96.000 hộ dân, tương đương 430.000 người thiếu nước sinh hoạt. Trong đó, vùng nông thôn hiện có 20.600 hộ được cấp nước từ công trình cấp nước tập trung, chiếm 22%; 75.400 hộ tự cấp nước, chiếm khoảng 78%, tập trung tại 7 tỉnh: Bến Tre có 20.000 hộ, Sóc Trăng 24.400 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Cà Mau 20.500 hộ, Bạc Liêu 3.300 hộ, Long An 7.900 hộ, Trà Vinh 8.600 hộ. Mặc dù mùa hạn mặn năm nay phạm vi ảnh hưởng xâm nhập mặn cao hơn năm 2015-2016 nhưng số hộ thiếu nước sinh hoạt trong vùng giảm khoảng 114.000 hộ (giảm 54% trong khi năm 2015-2016 có tới 210.000 hộ thiếu nước).
Nguyên nhân dẫn đến thiếu nước sinh hoạt do các công trình cấp nước tập trung bị nước mặn xâm nhập sâu; nguồn nước mặt bị nhiễm mặn, nguồn nước ngầm suy giảm. Toàn vùng có khoảng 167 công trình cấp nước tập trung bị ảnh hưởng XNM, làm sụt giảm công suất, thậm chí có những công trình ngưng hoạt động… Bên cạnh đó, các hộ dân sống rải rác ở các khu vực xa công trình cấp nước tập trung và nhiều cư dân vùng nông thôn ven biển thiếu dụng cụ trữ nước ngọt…
Sóc Trăng là một trong những tỉnh ven biển có đông dân cư vùng nông thôn khó khăn trong việc chưa có nước sạch sử dụng, nhất là trong vùng hạn mặn. Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, bức xúc: “Mùa khô hạn, XNM năm 2020, tỉnh Sóc Trăng còn nhiều hộ dân ở một số địa phương thiếu nước sinh hoạt. Tình trạng thiếu nước có nhiều nguyên nhân, trong đó, có 3 nguyên nhân là do thiếu nước trời (nước mưa), trên sông Hậu thiếu nước từ đầu nguồn sông Mekong đổ về và thực trạng thiếu vốn đầu tư các trạm cấp nước tập trung. Do đó, tôi kiến nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT cần có biện pháp giải quyết dứt điểm trong việc đầu tư các công trình cấp nước tập trung cấp bách, trước mắt cho các địa phương. Từ đó, đầu tư mở rộng sang những địa phương, khu vực khác bằng cách mở rộng nối dài tuyến đường ống cấp nước lan tỏa cho vùng nông thôn các tỉnh trong vùng…”.
TP Cần Thơ, đang vận hành, khai thác 188 công trình cấp nước tập trung trên địa bàn nông thôn. Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ người dân nông thôn của thành phố có nước sạch sử dụng đạt 80,61%, tương đương 133.717 hộ; theo kế hoạch đến cuối năm 2020, thành phố có tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch phải đạt 85%. Tuy nhiên, trong mùa khô hạn năm 2020, thành phố gặp khó khăn và tốn kém nhiều chi phí cho việc bơm tát, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp…
Cần giải quyết cấp bách
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, vùng ĐBSCL hiện có khoảng 13 triệu người dân sinh sống ở khu vực nông thôn. Những năm qua với sự đầu tư của Nhà nước, hỗ trợ hiệu quả của các tổ chức quốc tế và đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân đến nay đã có 98% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, 55% nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia. Trong đó, khoảng 8 triệu người được sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung và 5 triệu người sử dụng nước quy mô hộ gia đình: giếng đào, lu, bể… chứa nước. Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết bất thường đã ảnh hưởng đến công tác cấp nước sinh hoạt nông thôn vùng ĐBSCL. Trước tình hình diễn biến thời tiết cực đoan như hiện nay và chuẩn bị cho những năm tiếp theo, cần có đánh giá đầy đủ, toàn diện về hiện trạng tình hình cấp nước nông thôn gồm những khó khăn, tồn tại và đề xuất các giải pháp trong thời gian tới một cách căn cơ, bền vững và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không để người dân nào thiếu nước sinh hoạt…
Về giải pháp khắc phục thiếu nước trong thời hạn lâu dài, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: “Đơn vị chuyên môn của Bộ cần phối hợp cùng các địa phương khảo sát thực địa, xác định tình trạng sử dụng nước ngầm như thế nào để đưa ra giải pháp hạn chế, giảm tỷ lệ khai thác. Bởi, thực trạng khoan nước ngầm dùng trong sinh hoạt hiện nay chỉ 8%, trong khi sử dụng cho sản xuất đến 92%, vì vậy trường hợp bất khả kháng mới đào khoan giếng, tránh sụp lún đồng bằng. Nơi nào xa trạm cấp nước có thể khoan giếng nhưng cấp nước tập trung cho nhiều hộ dân cùng sử dụng hoặc tính toán đầu tư xây bể chứa nước. Đầu tư công trình cấp nước nông thôn cần có lộ trình, thời gian đầu tư xây dựng, trong đó giải pháp nước sinh hoạt cần có chương trình đầu tư riêng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và đến năm 2025 ĐBSCL giải quyết cơ bản về nước sinh hoạt, đến 2030 giải quyết xong an ninh nguồn nước cho sinh hoạt, phục vụ sản xuất và thích nghi biến đổi khí hậu…”.
|
Theo ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, ở Cà Mau mùa mưa thì thừa nước, thậm chí nhiều huyện phải tháo nước để chống úng, trong khi mùa khô luôn thiếu nước. Ở vùng ngọt hóa Bắc Cà Mau mặn xâm nhập sâu, độ mặn cao. Việc cấp nước sạch mỗi năm chỉ được đầu tư vài tỉ đồng nên việc đầu tư trạm cấp nước chưa tới vùng dân cư nông thôn, người dân chưa tiếp cận nguồn cấp nước tập trung. Hiện nay, Cà Mau có đến 74% dân phải tự khoan giếng tiêu dùng, tỷ lệ sử dụng nước lớn nên còn ảnh hưởng trữ lượng nước ngầm. Do đó, Cà Mau cần nguồn vốn đầu tư cho khoảng 20.000 hộ tiếp cận nguồn cấp nước tập trung, nâng tỷ lệ lên 20-23% hộ dân có nước sạch sử dụng. Mặt khác, nếu muốn hạn chế sử dụng nước ngầm cần hướng tới giải pháp dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau và xây hồ dự trữ nước. Ở huyện U Minh nếu xây hồ trữ nước 3,8 triệu m3 có thể đáp ứng gần 100.000 hộ dân. Tỉnh Cà Mau kiến nghị Trung ương, Bộ NN&PTNT đầu tư 1.500 tỉ đồng để thực hiện những công trình cấp nước sạch thời gian tới.
Ở TP Cần Thơ cũng cần nguồn kinh phí để mở rộng mạng đường ống 500.000m đấu nối với nguồn nước cấp tập trung đến các khu vực thiếu nước do hạn hán, nơi người dân không thể tiếp cận nguồn nước cấp tập trung. Công trình này nhằm phục vụ hộ dân nông thôn với mục tiêu đạt 94% hộ dân nông thôn có nước sạch sử dụng vào năm 2025. Đồng thời, TP Cần Thơ đã lập kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để cung cấp nước cho nhân dân với tổng nhu cầu cần vốn thực hiện là 480 tỉ đồng…
Hạn mặn năm nay ở ĐBSCL có nhiều tỉnh, thành vùng ven biển thiếu nước sinh hoạt nông thôn. Do đó, trong tháng 7-2020, các địa phương cần sớm hoàn thiện các báo cáo bản đồ tổng thể cấp nước sạch cho hộ gia đình vùng nông thôn để Bộ NN&PTNT đưa ra giải pháp đầu tư, cung cấp nước sạch đến người dân. Để giải quyết 96.000 hộ dân có nước sạch sử dụng trong vòng 3 năm tới cần xác định nơi nào có và không có nguồn cấp nước, từ đó Bộ sẽ phối hợp với các địa phương tìm giải pháp đầu tư. Bên cạnh đó, các địa phương có thể tăng công suất các trạm cấp nước tập trung, kéo dài tuyến đường ống đến vùng nông thôn để cung cấp cho người dân sử dụng...
Bài, ảnh: HÀ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)