Cần đầu tư tương xứng cho nông nghiệp

Chủ nhật, 07 Tháng 6 2020 16:01 (GMT+7)
Mặc dù nông nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế của TP Cần Thơ nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng đầu vào lương thực, thực phẩm phục vụ cho khu vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Do đó, thành phố đang nghiên cứu triển khai các cơ chế chính sách phù hợp để đầu tư tương xứng cho nông nghiệp và hỗ trợ thiết thực hơn cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư lĩnh vực này.
Phát huy mối liên kết
Thu hoạch lúa trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh.
 
Thời gian qua, thành phố đã chủ động phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái; thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu GRDP từ 9,91% (giai đoạn 2011-2015) giảm xuống 7,31% (giai đoạn 2016-2020). Hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, thành phố quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nông dân tổ chức các mô hình liên kết khép kín chuỗi giá trị nông sản từ đầu vào đến đầu ra.
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, trong quá trình thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg (ngày 25-10-2013) của Thủ tướng Chính phủ “Về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản xây dựng cánh đồng lớn”, TP Cần Thơ có 2 doanh nghiệp đầu tiên triển khai mô hình cánh đồng lớn từ năm 2014 là Công ty Cổ phần Gentraco và Công ty TNHH Trung An (nay là Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An) với diện tích thực hiện thí điểm là 11.000ha. Giai đoạn 2014-2018, có 5 doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Gentraco, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, Doanh nghiệp tư nhân Trung Thạnh, Chi nhánh Tổng Công ty Lương thực Miền Nam- Thốt Nốt, Công ty TNHH Hiếu Nhân) được UBND thành phố phê duyệt phương án bao tiêu nông sản thông qua hợp đồng với diện tích hơn 36.535ha. Ngoài ra, còn có Công ty Hoàng Minh Nhật, Công ty Vinacam, Công ty SunWa, Công ty Thái Bình, Công ty Ngọc Lợi, Công ty Sông Hậu… chủ động thương lượng ký kết bao tiêu nông sản với nông dân do nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
 
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, chia sẻ: “Công ty triển khai cánh đồng lớn tại Cần Thơ từ năm 2014 để liên kết với nông dân trồng các giống lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Vụ hè thu 2020, công ty tiếp tục duy trì cánh đồng lớn tại ĐBSCL với diện tích 3.000ha; trong đó, có 500ha ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Qua quá trình liên kết, doanh nghiệp có được nguồn nguyên liệu chất lượng ổn định, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường khó tính cũng như gia tăng giá trị gạo xuất khẩu”.
 
Các doanh nghiệp ký kết hợp đồng với các tổ chức đại diện nông dân hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) hoặc trực tiếp với người dân cung cấp các vật tư đầu vào: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,… và thu mua lúa cho nông dân theo giá thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn cử người xuống hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác lúa, phòng trừ sâu bệnh, thực hiện các tiêu chí công ty yêu cầu… Song, trên thực tế, việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể là số lượng doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm nông nghiệp còn ít; thời gian hợp đồng liên kết ngắn (đa số chỉ có một vụ lúa); tình trạng “bẻ kèo” hợp đồng vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Năng lực và nguồn lực quản lý của hợp tác xã còn yếu, phần lớn chưa liên kết được với doanh nghiệp cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm nên chưa thật sự là cầu nối chính trong liên kết giữa người dân với doanh nghiệp nhằm nâng cao giá trị trong chuỗi giá trị nông sản...
 
Chính sách hỗ trợ phải kịp thời
 
Tại phiên họp thường kỳ tháng 5-2020 của UBND TP Cần Thơ, Sở NN&PTNT thành phố đã trình UBND thành phố Dự thảo Tờ trình “Về việc ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để UBND thành phố trình HĐND thành phố xem xét, ban hành Nghị quyết vào kỳ họp HĐND thành phố giữa năm.
 
Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố, việc ban hành chính sách hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố là hết sức cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm; thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường khả năng chống chịu thiên tai.
 
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết: Doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp rất trông chờ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sẽ được thành phố cụ thể hóa bằng những chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp và thực tiễn ngành Nông nghiệp trên địa bàn. Thành phố cần có những giải pháp hỗ trợ phù hợp để thu hút các doanh nghiệp liên kết với nông dân sao cho hiệu quả, làm sao để gần 100.000ha diện tích đất trồng lúa của TP Cần Thơ phát triển bền vững theo mô hình cánh đồng liên kết, tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp lẫn nông dân.
 
Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, quan điểm chung của Dự thảo “Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” là nhằm xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Dự thảo quan tâm đến các nội dung: Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết; Hạ tầng phục vụ liên kết; Khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm nhằm giúp các đối tượng tham gia tiếp cận được chính sách hỗ trợ, tạo động lực để phát triển và thúc đẩy việc nhân rộng mô hình liên kết sản xuất gắn tiêu thụ nông sản theo hướng tập trung, hiện đại, công bằng. Đảm bảo cân đối được giữa vốn Nhà nước hỗ trợ và vốn đối ứng của các bên tham gia liên kết. Trong quá trình xây dựng Dự thảo, Sở đã thu thập ý kiến đóng góp của các sở, ngành, quận, huyện để hoàn chỉnh nội dung trước khi trình UBND thành phố xem xét để trình HĐND thành phố thông qua vào kỳ họp giữa năm 2020.    
 
Bài, ảnh: MINH HUYỀN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế