Huyện Gò Công Tây: Chuyển đổi sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ hai, 08 Tháng 6 2020 11:20 (GMT+7)
Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng xâm nhập mặn ngày càng gay gắt, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích đất lúa kém hiệu quả.
 
Biến đổi khí hậu đang tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Tình trạng xâm nhập mặn gay gắt trở thành nguy cơ hiện hữu hằng năm. Để thích ứng với tình hình trên, chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đang được huyện tập trung thực hiện.
 
Cây thanh long phát triển mạnh trên địa bàn huyện Gò Công Tây.
Cây thanh long phát triển mạnh trên địa bàn huyện Gò Công Tây.
 
HIỆU QUẢ
 
Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, phong trào trồng cây thanh long ở huyện Gò Công Tây phát triển mạnh. Nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả đã được người dân chuyển sang trồng cây thanh long cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Chị Trần Thị Lệ Hằng (ấp Lợi An, xã Đồng Thạnh) cho biết, cách nay hơn 6 năm, gần 3.000 m2 đất trồng lúa cho thu nhập bấp bênh, có lúc lỗ vốn. Chị Hằng quyết định chuyển sang trồng cây thanh long dưới sự hoài nghi của nhiều người. Tuy nhiên, đất không phụ người, vườn thanh long phát triển tốt, cho năng suất cao, thanh long bán được giá nên có những mùa gia đình chị “thắng đậm”. “Người dân ở đây giờ chuyển sang trồng thanh long rất nhiều. Nhờ cây thanh long, cuộc sống của gia đình được thoải mái, có của ăn của để trong nhà. Tính ra mỗi năm, tôi thu nhập vài trăm triệu đồng nhờ vườn thanh long” - chị Hằng chia sẻ.
 
Theo Bí thư xã Bình Nhì Lương Văn Hải, hằng năm xã chuyển đổi cây màu trên chân ruộng (luân canh) khoảng từ 400 - 500 ha. Mô hình này mang lại lợi nhuận rất cao, từ đó đời sống của người dân những năm qua không ngừng tăng. Ngoài ra, xã Bình Nhì còn vận động người dân ở những diện tích da beo, khó khăn chuyển đổi sang trồng những cây có giá trị kinh tế cao hơn như: Thanh long, bưởi, dừa, chanh. Hiện người dân đã chuyển đổi được khoảng 40 ha và đang phát triển tốt.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê, toàn huyện có khoảng 700 ha thanh long và đang tăng. Hiện người dân đang chuẩn bị tiếp tục chuyển đổi từ đất lúa sang trồng thanh long, chắc chắn trong thời gian tới, diện tích thanh long sẽ tăng nhanh. Ngoài cây thanh long, cây bưởi da xanh cũng đang phát triển mạnh ở địa phương, với khoảng 300 ha. “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng về giá trị trên một diện tích cho lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa từ khoảng 2 - 16 lần. Việc chuyển đổi sẽ ít sử dụng nước tưới hơn so với trồng lúa” - đồng chí Lê Văn Nê cho biết thêm.
 
KIÊN QUYẾT CẮT VỤ
 
Theo UBND huyện Gò Công Tây, trong năm 2020 này, chắc chắn huyện phải cắt 1 vụ lúa, sạ trễ hơn đối với vụ hè thu (khoảng 1 tháng) và sạ sớm hơn đối với vụ đông xuân. Đây là giải pháp để hoạt động sản xuất nông nghiệp không bị thiếu nước vào cuối vụ đông xuân. Đồng chí Lê Văn Nê cho biết, hiện người dân đã “thấm đòn” đối với ảnh hưởng hạn, mặn, do đó huyện sẽ thành công trong việc cắt 1 vụ, mạnh dạn chuyển sang 2 vụ ăn chắc. Hiện địa phương đang điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, cắt những diện tích trồng lúa gặp khó khăn về nước tưới để chuyển sang trồng cây thanh long. Hiện diện tích đất lúa của huyện khoảng 8.900 ha, tới đây dự kiến sẽ điều chỉnh giảm còn dưới 7.000 ha, còn lại sẽ mạnh dạn
chuyển sang các loại cây trồng khác.
 
Thanh long là cây chịu hạn tốt, sẽ thích hợp với điều kiện hạn, mặn như hiện nay. Đối với các xã Nam Quốc lộ 50 (Long Bình, Bình Tân), huyện sẽ mạnh dạn vận động người dân chuyển sang trồng cây thanh long mà hiện loại cây trồng này đang phát triển rất tốt.
 
Cũng theo đồng chí Lê Văn Nê, song song với việc vận động người dân cắt vụ, huyện đang khuyến khích người dân sản xuất các giống lúa như: VD20, Nàng hoa 9, những loại giống có giá trị cao... Địa phương cũng tiếp tục thực hiện mô hình Cánh đồng lớn, sản xuất lúa hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị hàng hóa. Ngoài ra, đối với một số vùng đã chuyển đổi, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc này, chuyển sang trồng một số cây như: Dừa, thanh long, bưởi da xanh, rau màu…
 
“Trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, điều quan trọng là phải nhanh chóng tổ chức thực hiện các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là các mô hình có chuỗi giá trị liên kết. Hiện nay, địa phương đang thực hiện xây dựng thương hiệu gạo Gò Công, xây dựng vùng trồng. Điều này phải được thực hiện nghiêm túc, có như vậy mới sản xuất ra hàng hóa giá trị, năng suất cao, bù đắp lại vụ lúa bị cắt” - đồng chí Lê Văn Nê nhấn mạnh.
 
MINH THÀNH - (baoapbac.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế