Tín hiệu tốt từ thị trường Mỹ, Trung Quốc
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành tôm Việt xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm nay đã có tín hiệu tích cực khi đạt giá trị kim ngạch 1,2 tỷ USD, tăng nhẹ 2,3% so với cùng kỳ.
Trong cơ cấu tôm xuất khẩu, hiện tôm chân trắng chiếm 69,5% trong tổng giá trị, tôm sú chiếm 19,2%, còn lại là tôm biển. Trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng chế biến (mã HS 16) và tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh (mã HS 03) tăng lần lượt 13% và 5% so với cùng kỳ; xuất khẩu tôm sú chế biến khác (HS16) tăng 18% trong khi tôm sú sống/tươi/đông lạnh (HS03) giảm 19%...
Lý giải nguyên nhân xuất khẩu tôm chân trắng chiếm tỷ trọng lớn và tăng cao, VASEP cho hay, trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19, do tôm chân trắng có giá hợp lý nên tăng tốt hơn tôm sú.
Về cơ cấu thị trường, VASEP cho biết, hiện top những thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam là Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ… Tuy nhiên, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản, EU, Hàn Quốc 5 tháng đầu năm nay có chiều hướng chậm, riêng thị trường Mỹ, Trung Quốc và Anh đã ghi nhận mức tăng trưởng tích cực và được dự báo sẽ giữ mức khả quan này trong các tháng tới.
Để giữ vững thị trường doanh nghiệp phải bảo đảm chất lượng tôm tốt, đồng đều, các doanh nghiệp phải làm đúng tất cả điều khoản hợp đồng đã ký kết
Theo đó, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đạt 225,6 triệu USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ; EU đạt 162,2 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ. Tại thị trường Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng tốt khi đạt 224,5 triệu USD, tăng 20,4%. Đáng chú ý, dù dịch Covid-19 nhưng tôm Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng dương liên tục trong cả 5 tháng đầu của năm 2020. Riêng với Trung Quốc, sau khi giảm trong 3 tháng đầu năm thì từ tháng 4 vừa qua đã phục hồi trở lại và tính chung 5 tháng đạt trên 169 triệu USD.
Một điểm đáng mừng là giá tôm Việt Nam được dự đoán sẽ tốt trong đầu quý 3 năm nay do tồn kho tại các thị trường chính như Nhật Bản, Mỹ và EU không cao như những tháng trước đó. Nguồn cung nguyên liệu tại Trung Quốc dự báo giảm do ảnh hưởng của virus DIV1. Tại Ấn Độ, lệnh phong tỏa kéo dài tới tháng 5, khiến người nuôi ngần ngại thả nuôi, chuỗi nguồn cung bị xáo trộn. Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng tới nguồn cung tôm nguyên liệu tại Ecuador, Indonesia và Thái Lan. Trong khi đó, tại Việt Nam, người nuôi tôm vẫn chủ động thả nuôi nên doanh nghiệp không phải lo ngại về vấn đề thiếu nguyên liệu.
Kiểm soát tốt chất lượng để giữ thị trường
Nhận định về triển vọng xuất khẩu tôm của Việt Nam trong các tháng tới, đại diện VASEP cho biết, tình hình dự kiến tăng trưởng tốt bởi nhu cầu tại các thị trường như Mỹ, Trung Quốc… vẫn cần thủy sản.
Cũng theo VASEP, mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức kể cả thị trường nhập khẩu hay trong nội tại ngành. Do vậy, các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng các liên kết chuỗi từ khâu nuôi trồng nguyên liệu đến chế biến, nhằm kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường…
TS. Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT FIMEX Việt Nam - cho rằng, doanh nghiệp phải bảo đảm chất lượng tôm tốt, đồng đều; làm đúng tất cả điều khoản các hợp đồng đã ký kết như thời gian giao hàng, cơ cấu lô hàng, mẫu mã bao bì, hậu mãi… Song song đó cố gắng gia tăng quy mô vốn quy mô kinh doanh để đủ tiềm lực tài chính đẩy mạnh marketing và khuyến mại nhằm thu hút khách hàng tiêu thụ sản phẩm.
Về mặt chính sách, Chính phủ phải có giải pháp mạnh mẽ tích tụ ruộng đất, giảm hạn điền; chính quyền các địa phương phải có nhiều dự án kêu gọi đầu tư tổ chức nuôi tôm quy mô trang trại, có chuẩn chất lượng quốc tế; đồng thời quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng như điện, thủy lợi, lộ giao thông; có chương trình gia hóa tôm bố mẹ kháng bệnh… Tất cả để có nguồn tôm sạch, chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh.
Mai Ca - (congthuong.vn)
T/h: Nguyễn Quyên - (dongbang.vn)