Vườn rau hữu cơ của các em học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu
Ngoài ra, nông nghiệp hữu cơ còn là lời giải cho nhiều bài toán khó hiện nay như nông sản tồn dư dư lượng phân, thuốc hóa học; đất nông nghiệp bị bạc màu; mất cân bằng sinh thái...
Thay đổi phương thức sản xuất vì một nền nông nghiệp bền vững
Từ nhiều thế kỷ qua, nông dân có tập quán sử dụng phân hữu cơ như phân chuồng, phân xanh và phế phụ phẩm để sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trước áp lực gia tăng dân số, đất canh tác hạn hẹp... bà con nông dân chuyển sang sản xuất nông nghiệp dựa vào phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) mang lại nhiều kết quả nổi bật trong canh tác.
Song, việc lạm dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV vào sản xuất đang khiến cho môi trường sống khu vực nông thôn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe con người cũng như tàn phá nghiêm trọng đất đai, đồng ruộng, khiến đất đai bị chai cứng. Mặt khác, các sản phẩm nông nghiệp bị tồn dư thuốc BVTV vượt mức giới hạn cho phép, không đảm bảo tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Theo các chuyên gia, nhà khoa học, mỗi năm nước ta chi từ 500-700 triệu USD để nhập thuốc BVTV.
Trước thực trạng đó, đòi hỏi nền nông nghiệp cần có sự chuyển dịch về kỹ thuật sản xuất. Ông Võ Thành Ngoan - Phó Giám đốc Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho rằng, tại Đồng Tháp, nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho 70% dân cư, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Tuy nhiên, tăng trưởng ngành nông nghiệp trong thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng thông qua tăng diện tích, tăng vụ. Điều này, phần nào gây tác động không tốt đến môi trường như giảm đa dạng sinh học, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, tăng chi phí sản xuất và đe dọa tính tăng trưởng bền vững.
Trong tương lai, nguồn lực cho tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh không còn được dồi dào, vì vậy việc thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ nhằm tiến tới phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững là điều thiết yếu.
Mô hình trồng rau hữu cơ của Tổ hợp tác Rau hữu cơ Tân An, xã Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh
Những viên gạch đầu tiên
Trong những năm gần đây, từ nguồn kinh phí thực hiện chương trình khuyến nông địa phương, ngành nông nghiệp tỉnh triển khai thực hiện một số mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Đơn cử như mô hình sản xuất lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn ORGANIC-USDA của Mỹ; mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại Hợp tác xã nông nghiệp Tân Bình, huyện Thanh Bình; mô hình sản xuất lúa sạch theo hướng hữu cơ tại xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự; mô hình trồng rau sạch theo hướng hữu cơ tại xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh.
Những mô hình này bước đầu tạo được sự thay đổi về tư duy sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Nông dân ý thức hơn trong việc sản xuất gắn với bảo vệ môi trường và giữ cân bằng cho hệ sinh thái. Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ bước đầu tiếp cận được thị trường và tạo được niền tin cho người tiêu dùng trong nước.
Riêng trong năm 2019, dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Seed to Table, một số nông dân là thành viên của Tổ hợp tác rau hữu cơ Tân An, xã Mỹ Tân và học sinh của Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu đã được hướng dẫn và hỗ trợ trồng rau theo quy trình hữu cơ. Sau gần 2 năm phát triển tại Đồng Tháp, mô hình trồng rau hữu cơ mang đến nhiều thay đổi tích cực trong tư duy làm nông nghiệp của các nông dân tham gia trong mô hình. Đồng thời góp phần giúp cho các em học sinh hiểu sâu sắc hơn về mối quan hệ tương hỗ giữa sản xuất nông nghiệp với môi trường tự nhiên.
Em Bùi Hoàng Anh - học sinh lớp 11 chuyên Sinh, Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu chia sẻ: “Khi tham gia dự án này, chúng em có được hiểu biết thêm về nền nông nghiệp hữu cơ. Trong quá trình tham gia chăm sóc rau tại trường, chúng em có được nhiều trải nghiệm mới trong sản xuất nông nghiệp, nhận thức được giá trị quý giá từ lao động. Hơn hết, chúng em còn hiểu sâu sắc hơn về sự cần thiết của sản xuất nông nghiệp hữu cơ mang lại sức khỏe cho cộng đồng và góp phần giúp bảo vệ môi trường”.
Vưa qua, Sở NN&PTNT phối hợp với Tổ chức Seed To Table tổ chức hội nghị Khởi động dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Đồng Tháp giai đoạn 2019 – 2022. Dự án này được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều chuyển biến tích cực cho nền nông nghiệp tỉnh nhà trong tương lai. Ông Võ Thành Ngoan - Phó Giám đốc NN&PTNT cho rằng, với sự giúp đỡ và hỗ trợ từ Dự án Seed to Table sẽ là nguồn động lực và tiền đề cho nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng an toàn, bền vững đúng với mục tiêu mà ngành nông nghiệp tỉnh hướng đến.
Dự án không những hỗ trợ cho nông dân sản xuất trực tiếp mà còn mở rộng cho đối tượng là các em học sinh trong trường học. Đây là một ý tưởng mới và hay của Dự án nhằm giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái cho thế hệ trẻ trong tương lai.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại các xã, các trường học có đủ điều kiện tham gia. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp đẩy mạnh liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp... tìm đầu ra ổn định cho nông dân sản xuất hữu cơ. Mặt khác hỗ trợ thành lập quầy chuyên bán các sản phẩm hữu cơ tại một số chợ trên địa bàn tỉnh...
MỸ LÝ - (baodongthap.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)