Trong đó, đa số các công ty đều có đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Toàn tỉnh cũng có 2 hợp tác xã và 2 tổ hợp tác nuôi cá lồng bè được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, cùng với đó là 134 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm với gần 260 ha mặt nước được chứng nhận tiêu chuẩn Global GAP, ASC, VietGAP.
Một cơ sở nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Long Hồ - Vĩnh Long. (Ảnh: K.V)
Được biết, cá tra là đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của Vĩnh Long, tỉnh cũng là địa phương đứng thứ năm về diện tích và sản lượng nuôi cá tra của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cá tra ở Vĩnh Long tập trung chủ yếu được nuôi ở các huyện Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, Trà Ôn và Bình Tân.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, nuôi cá tra thâm canh là mô hình sản xuất hàng hoá xuất khẩu có hiệu quả kinh tế cao và chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Do đó, ngành hàng này nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo địa phương và các cấp, các ngành có liên quan. Ngoài ra, nghề nuôi cá tra thâm canh đã phát triển ở địa phương từ giai đoạn đầu tiên, do đó, người nuôi cá tra trong tỉnh Vĩnh Long có nhiều kinh nghiệm sản xuất và các dịch vụ hậu cần phục vụ nghề nuôi phát triển tương đối đầy đủ và đồng bộ.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành hàng này cũng đã gặp rất nhiều khó khăn, đó là do giá cá tra nguyên liệu liên tục biến động và giữ ở mức thấp trong thời gian dài nên một số doanh nghiệp, người nuôi cá tra bị thua lỗ, không còn vốn để tái sản xuất. Mặc dù hiện nay giá cá nguyên liệu đạt khá cao nhưng diện tích thả nuôi lại vẫn chưa khôi phục và phát triển nhiều do người nuôi thiếu vốn sản xuất và giá vật tư phục vụ hoạt động nuôi như con giống, thức ăn... liên tục tăng cao.
Bên cạnh đó, chất lượng con giống cá tra ngày càng giảm sút và hơn 70% con giống cá tra thả nuôi ở Vĩnh Long nhập ngoài tỉnh nên khó kiểm soát chất lượng, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất. Điều kiện thời tiết trong năm diễn biến bất thường nên các yếu tố môi trường thường xuyên biến động, nhất là nhiệt độ, pH (dao động giữa ngày và đêm rất lớn) là điều kiện thuận lợi cho bệnh thủy sản phát sinh, nhất là bệnh xuất huyết, bệnh gan thận mủ trên cá tra nuôi thâm canh.
Ngoài ra, việc sản xuất thủy sản trong tỉnh chủ yếu với quy mô nhỏ lẻ, thiếu liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững nên hiệu quả sản xuất không ổn định khi có tác động không tích cực của cơ chế thị trường.
Định hướng phát triển của tỉnh Vĩnh Long trong thời gian tới là phát triển thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó cá tra được xem là đối tượng chủ lực của tỉnh với lợi thế về sản xuất phục vụ cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.
Thực hiện định hướng này, thời gian qua tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ để ngành thủy sản nói chung và cá tra nói riêng và thủy sản nói chung ở địa phương này phát triển ổn định và bền vững hơn. Tỉnh Vĩnh Long cũng đã thực hiện một số dự án, đề tài trên đối tượng cá tra nuôi thâm canh và các hoạt động này đã có tác động tích cực đến sự phát triển của ngành hàng thời gian qua.
Đó là việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện thành công Dự án “Đầu tư hỗ trợ xây dựng vùng nuôi cá tra an toàn Ứng dụng theo Quy trình Global GAP/ASC giai đoạn 2011 - 2015”. Dự án đã hỗ trợ đầu tư xây dựng vùng nuôi cá tra an toàn theo quy trình nuôi tiên tiến (BMP/VietGAP/GlobalGAP/ASC) và đã phổ biến rộng rãi cho người nuôi cá tra trong tỉnh áp dụng, thực hành quản lý và nuôi tốt, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng hoá chất kháng sinh trong quá trình sản xuất.
Bên cạnh đó, để ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cũng đang triển khai thực hiện dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình giám sát và cảnh báo tự động chất lượng nước trong ao nuôi cá tra thâm canh giai đoạn 2018 - 2020” nhằm hỗ trợ cho các cơ sở nuôi cá tra có thể dễ dàng kiểm soát chất lượng nước trong ao nuôi một cách chủ động và kịp thời, từ đó đưa ra những phương án ứng phó một cách chủ động, nhanh chóng góp phần phát triển nghề nuôi cá tra theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường, hạn chế bệnh xảy ra và mang lại lợi nhuận, hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.
Bên cạnh các dự án hỗ trợ ngành hàng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc tăng cường công tác quản lý, đảm bảo ngành hàng phát triển ổn định, theo đúng quy hoạch và các quy định có liên quan; kịp thời hỗ trợ sản xuất, cung cấp cho người nuôi các thông tin về thị trường, thông tin hỗ trợ sản xuất (môi trường, dịch bệnh), cập nhật các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kỹ thuật nuôi tiên tiến..../.
K.V - (dangcongsan.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)