Thúc đẩy liên kết, phát triển chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao

Thứ bảy, 04 Tháng 7 2020 07:16 (GMT+7)
Những năm qua, nông dân nói chung và thành viên hợp tác xã (HTX) sản xuất lúa ở tỉnh Kiên Giang nói riêng, hằng năm luôn gặp phải khó khăn do tình trạng được mùa mất giá và được giá thì mất mùa; các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chỉ thu mua lúa tại kho và thu mua chủ yếu thông qua các thương lái. Từ đó nông dân bị ép giá, hoặc bán lúa khô giá bán tính bằng lúa tươi do hẹn ngày cắt nhưng kéo dài ngày mới cắt hoặc kéo dài thời gian thanh toán, thậm chí có nông dân bị quỵt tiền lúa...
Hợp tác xã liên kết trong sản xuất, phát triển chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao.
 
Theo ông Nguyễn Văn Thế, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang, từ năm 2015 đến nay, để có được vùng nguyên liệu xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp đã trực tiếp xuống ký hợp đồng mua lúa với từng hộ nông dân. Do doanh nghiệp không ký hợp đồng với HTX nên tình trạng phá hợp đồng ‘‘bẻ kèo’’ giữa doanh nghiệp và nông dân, giữa nông dân và doanh nghiệp xảy ra, do giá lúa không ổn định hoặc do thương lái đưa giá ảo lên để phá giá và cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp, gây mất ổn định tại địa phương.
 
Thực hiện Ðề án "Xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn và sức lan tỏa" của Liên minh HTX Việt Nam và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Kiên Giang về xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang đã chủ động, chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành đoàn thể, địa phương giới thiệu doanh nghiệp xuất khẩu gạo xuống hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho thành viên HTX.
 
Việc thực hiện khâu tiêu thụ trong chuỗi liên kết thời gian đầu gặp không ít khó khăn do thành viên HTX đã quen sản xuất lúa theo phương thức thông thường, khi sản xuất theo chuỗi phải canh tác theo quy trình, thành viên ngán ngại; hoặc sợ không đảm bảo năng suất do phải sử dụng giống lúa mới và tên loại vật tư nông nghiệp mới, lạ theo yêu cầu của doanh nghiệp; hoặc thành viên sợ bị doanh nghiệp "bẻ kèo" như thương lái và sợ không trả tiền mua lúa do trước kia đã bị thương lái dây dưa không trả, nên thành viên HTX chưa tích cực tham gia. Mặt khác, cán bộ quản lý HTX đa số là những người có tâm huyết, có uy tín trong cộng đồng được thành viên bầu lên, nên đa số là lớn tuổi và có một số người trình độ, năng lực hạn chế nên chưa đủ khả năng để thực hiện các khâu trong chuỗi liên kết. Bên cạnh đó, để thực hiện được chuỗi liên kết thì HTX phải thực hiện tốt khâu cung ứng đầu vào để đảm bảo thực hiện đồng loạt các dịch vụ: thủy lợi, làm đất, lúa giống, gieo sạ, vật tư nông nghiệp, thu hoạch... nhưng hiện đa số các HTX chỉ thực hiện được một dịch vụ thủy lợi.
 
Ðể xây dựng được chuỗi liên kết trong các HTX sản xuất lúa, Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang đã chủ động tham mưu với Ban Chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể tỉnh, có kế hoạch liên quan tổ chức triển khai cụ thể hóa các chính sách của Ðảng và Nhà nước để hỗ trợ HTX phát triển; tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp giữa Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang với các sở, ban ngành liên quan và địa phương trong công tác quản lý và định hướng phát triển hợp tác xã. Ðồng thời, Liên HTX tỉnh Kiên Giang thực hiện công tác tư vấn trong quản lý, điều hành, hỗ trợ các HTX từng bước để thực hiện chuỗi liên kết như: Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về các chuyên ngành quản trị nội dung được cụ thể hóa và sát với HTX cho đối tượng là thành viên hội đồng quản trị, giám đốc, phó giám đốc và kế toán HTX; tư vấn cho cán bộ quản lý HTX về kỹ năng tổ chức thực hiện các dịch vụ trong Hợp tác xã sản xuất lúa để thực hiện các khâu cung ứng đầu vào- sản xuất- thu gom- tiêu thụ nông sản trong chuỗi liên kết.
 
Đến đầu năm 2020, tỉnh Kiên Giang có 451 HTX với 59.024,1ha canh tác, chiếm 14,16% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh; có 52.795 hộ thành viên, chiếm 14,5% số hộ của tỉnh và tạo việc làm cho 9.443 lao động thường xuyên và lao động thời vụ. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có 399 HTX; lĩnh vực phi nông nghiệp có 52 HTX.
 
Ðối với khâu tiêu thụ, Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang trực tiếp hỗ trợ HTX qua việc chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương tổ chức hội thảo tại HTX để thành viên và doanh nghiệp trực tiếp gặp gỡ đối thoại, thỏa thuận mua- bán và đi tới thống nhất ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang và các sở, ngành, địa phương với vai trò làm trung gian, cầu nối, tư vấn giúp cho thành viên và doanh nghiệp thương lượng, mua- bán. Riêng Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang có trách nhiệm tư vấn giúp HTX xây dựng hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa HTX và doanh nghiệp.
 
Với cách làm trên, hằng năm, Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ được 219 HTX sản xuất lúa, với tổng diện tích 37.273ha tham gia vào chuỗi liên kết. Trong đó, có 9 HTX có doanh nghiệp xin gia nhập làm thành viên, góp vốn điều lệ và tham gia vào hội đồng quản trị, làm Chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc, phó giám đốc HTX. Có 2 HTX liên kết được giữa HTX với HTX. Số HTX còn lại đã chỉ làm dịch vụ thủy lợi, khâu sản xuất và khâu tiêu thụ.
 
Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Thế, việc HTX tham chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và được doanh nghiệp tham gia làm thành viên, làm cán bộ quản lý HTX. Ngoài việc doanh nghiệp không yêu cầu HTX phải chia lãi và phải trả lương mà HTX còn được doanh nghiệp đầu tư vốn san lấp mặt bằng, lúa giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn quy trình sản xuất lúa an toàn, tiếp cận được trình độ quản lý doanh nghiệp; được doanh nghiệp định hướng cho HTX trong việc sản xuất kinh doanh. Từ đó, thành viên HTX an tâm được ổn định đầu ra, vì khi gieo sạ đã biết bán được lúa, biết được lợi nhuận. Doanh nghiệp cũng được hưởng lợi là có được vùng nguyên liệu ổn định, có chỉ dẫn địa lý sẽ thuận lợi hơn trong việc cạnh tranh trên thị trường gạo quốc tế.
 
Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế