Ứng dụng thương mại điện tử giúp doanh nghiệp tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng ở nhiều vùng, miền
Khởi nghiệp với thương mại điện tử
Khởi nghiệp với niềm đam mê làm bánh từ năm 2017, chị Nguyễn Hồng Thế Ngọc, chủ Cơ sở bánh kẹo Thủy Tiên (TP. Long Xuyên, An Giang) tự mày mò và tạo ra sản phẩm cho riêng mình. Sau hơn 2 năm hoạt động, chị Ngọc đã khá thành công với bánh hạt dưa. Sản phẩm hiện đang được khách hàng nhiệt tình đón nhận. Chị Ngọc cho biết, bình quân mỗi tháng, chị xuất khoảng 100kg bánh ra thị trường. Việc kinh doanh của cơ sở chủ yếu qua các trang mạng xã hội như: zalo, facebook.
Tại huyện Thoại Sơn (An Giang, anh Đặng Hoài Linh (thị trấn Phú Hòa) đã lựa chọn hướng khởi nghiệp với cây atiso đỏ (hay còn gọi là cây bụt giấm). Năm 2018, anh Linh thành lập Cơ sở Bảo Trang, chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm như: trà atiso, nước cốt atiso, atiso sấy dẻo…
Ngoài duy trì sản xuất các mặt hàng truyền thống, anh Linh phát triển thêm sản phẩm trà làm từ hoa đậu biếc. Hiện nay, anh Linh đang tích cực giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ; trên các trang mạng xã hội, như: facebook, zalo.
Đặc biệt thời gian gần đây, anh Linh còn quảng bá sản phẩm của mình qua các trang thương mại điện tử lớn như: lazada, sendo, shopee; đồng thời xây dựng website kinh doanh với tên miền atisodobaotrang.com.
Anh Linh chia sẻ: “Việc quảng bá, kinh doanh trên các ứng dụng thương mại điện tử đã giúp sản phẩm của cơ sở được nhiều khách hàng biết đến. Nhờ vậy mà doanh thu hàng tháng của chúng tôi tăng khoảng 20%”.
Cũng nhờ tiếp cận được với nhiều khách hàng mà anh Linh đã xây dựng được nhiều kênh phân phối trực tiếp ở các điểm như: trạm dừng chân, spa, cửa hàng thực phẩm sạch đặc sản vùng, miền, cửa hàng tạp hóa, nhà thuốc, quán cà phê, hệ thống siêu thị tại các địa phương như: Quảng Nam, TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh…
Phát triển thương mại điện tử thông qua website bán hàng
Xu thế tất yếu
Từ thực tế trên có thể thấy, nhiều DN trẻ, thanh niên khởi nghiệp của An Giang đã áp dụng thương mại điện tử vào quá trình kinh doanh của mình. Hướng đi này bước đầu mang lại tín hiệu tích cực cho việc quảng bá, kinh doanh, đồng thời giúp tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đây được đánh giá là xu thế tất yếu của hoạt động kinh doanh hiện nay.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BIT (một trong những “Giảng viên doanh nhân được yêu thích”) Lê Nguyễn Hồng Phương cho rằng, tham gia kinh doanh qua các ứng dụng thương mại điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các DN, đặc biệt đối với các DN khởi nghiệp.
Theo ông Phương, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động khởi nghiệp không phải tốn kém quá nhiều chi phí cho việc thuê cửa hàng, mặt bằng, nhân viên phục vụ; giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian và nhân sự cho việc giới thiệu và quảng bá sản phẩm ở nhiều vùng, miền khác nhau. Khách hàng không còn giới hạn về khoảng cách địa lý hay thời gian làm việc. Do đó, mỗi DN hoàn toàn có thể tiếp cận được số lượng khách hàng lớn dễ dàng, giúp đẩy cao doanh thu, lợi nhuận của mình…
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 9,6 triệu dân, với hơn 143 triệu thuê bao điện thoại; trên 64 triệu người sử dụng internet và khoảng 62 triệu người sử dụng mạng xã hội… Đây là cơ sở quan trọng để hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh đa số DN hiện nay đều tham gia thương mại điện tử, để gặt hái được thành công các DN phải có những ý tưởng sáng tạo, chiến lược kinh doanh hợp lý… để không bị tụt lại phía sau.
Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang vừa tổ chức các lớp tập huấn về thương mại điện tử cho các bạn đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp. Nội dung chủ yếu về các quy trình xây dựng hệ thống kinh doanh online tự động 4.0; “bí quyết” thu hút khách hàng tự động từ kênh 0 đồng; phương pháp kinh doanh hiệu quả với sàn thương mại điện tử; tạo gian hàng và đăng sản phẩm lên sàn Thương mại điện tử Tiki; xây dựng thương hiệu cá nhân và DN; xây dựng website chuyên nghiệp; phương pháp đẩy website lên top google…
ĐỨC TOÀN - (baoangiang.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)