Bán nhà máy thủy sản ở An Giang - Nông dân nguy cơ mất trắng tiền nợ cá

Thứ hai, 27 Tháng 7 2020 09:38 (GMT+7)
Hàng loạt nông dân bán cá cho Công ty CP Việt An (Anvifish) có nguy cơ mất trắng nhiều tỷ đồng bởi công ty phải rao bán nhà máy thủy sản và các tài sản khác để trả nợ cho ngân hàng và đã hết tài sản trả nợ…
 
Ngày 27-7, ông Cao Lương Tri, ngụ phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên (An Giang) gửi đơn cầu cứu đến Báo SGGP và các cơ quan chức năng phản ánh việc bị Công ty CP Việt An (Anvifish ở An Giang) nợ tiền bán cá tra nguyên liệu hơn 26,8 tỷ đồng đã nhiều năm không trả; hiện nay nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu của Anvifish đang rao bán để thanh toán tiền vay của các ngân hàng, khiến nhiều nông dân bị nợ tiền cá có nguy cơ mất trắng…
 
Bán nhà máy thủy sản ở An Giang - Nông dân nguy cơ mất trắng tiền nợ cá ảnh 1
Ông Cao Lương Tri và nhiều hộ nuôi cá tra ở An Giang khốn đốn vì bị Anvifish nợ số tiền lớn mua cá tra, kéo dài không trả 
 
Ông Cao Lương Tri than thở, vào năm 2013 ông có hợp đồng bán cá tra nguyên liệu cho Anvifish nhiều đợt, với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Theo hợp đồng, sau khi giao cá, công ty sẽ trả tiền 20%, phần còn lại trả dứt điểm trong 1 tháng. Thế nhưng, khi lấy cá xong, Anvifish không trả tiền như hợp đồng, mà đưa ra nhiều lý do nhằm né tránh thanh toán. Đến đầu tháng 5-2018, Anvifish nợ tiền mua cá của ông Tri hơn 27 tỷ đồng, vì vậy ông làm đơn gửi các cơ quan chức năng hỗ trợ, đồng thời liên tục yêu cầu công ty giải quyết. Tuy nhiên, họ chỉ trả nhỏ giọt và đến thời điểm này còn nợ khoảng 26,8 tỷ đồng.
 
“Gia đình tôi đang nợ ngân hàng hơn 16 tỷ đồng tiền vay vốn đầu tư nuôi cá. Chưa kể từ đầu năm 2020 đến nay giá cá tra sụt xuống mức 17.500 – 19.000 đồng/kg, người nuôi lỗ từ 3.000- 5.000 đồng/kg. Ao cá của gia đình còn tồn hơn 400 tấn đã quá lứa nhưng không bán được và không còn vốn mua thức ăn. Vậy mà, Anvifish nợ tiền mua cá nhiều năm không trả, đẩy gia đình tôi vào cảnh kiệt quệ. Đáng lo hơn là hiện tại cơ quan chức năng rao bán nhà máy thủy sản của Anvifish để trừ một phần vốn vay của ngân hàng; do đó nhiều nông dân nguy cơ mất trắng tiền nợ cá, bởi Anvifish không còn tài sản nào khác”.
 
Bán nhà máy thủy sản ở An Giang - Nông dân nguy cơ mất trắng tiền nợ cá ảnh 2
Nhà máy của Anvifish rao bán nhưng số tiền không thấm vào đâu so với số nợ quá lớn
 
Tìm hiểu về việc Anvifish bán nhà máy, chúng tôi được bà Đặng Nguyễn Hồng Châu, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (thuộc Sở Tư pháp tỉnh An Giang) khẳng định là ngày 10-6-2020, Trung tâm có thông báo đấu giá tài sản của Anvifish gồm: quyền sử dụng đất diện tích 21.851m², công trình xây dựng gắn liền với đất (gồm 23 danh mục), hệ thống dây chuyền, máy móc thiết bị chuyên dùng (23 danh mục), hệ thống điện 6 máy 3 pha, cây trồng trên đất… Giá khởi điểm tài sản gần 193 tỷ đồng.
 
Theo bà Châu, việc bán đấu giá nhà máy là theo quyết định thi hành án của Chi cục Thi hành án dân sự TP Long Xuyên, dựa trên quyết định của TAND TP Long Xuyên về công nhận thỏa thuận trả nợ giữa bị đơn là Anvifish và nguyên đơn là Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (ở Hà Nội). Người đại diện theo ủy quyền là Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và đại diện cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, là Agribank chi nhánh An Giang.
 
Theo thỏa thuận, Anvifish có trách nhiệm trả cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, do Agribank chi nhánh An Giang đại diện nhận số tiền hơn 226,3 tỷ đồng (gồm vốn vay và lãi, tính đến cuối tháng 1-2019). Thế nhưng việc bán đấu giá lần đầu tiên không có người mua và đang chờ thông báo lần 2…
 
Ông Lâm Phước Nghĩa, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh An Giang cho biết: “Qua ghi nhận thì Anvifish nợ ngân hàng có bản án của tòa và có tài sản thế chấp hơn 230 tỷ đồng; nợ không có tài sản thế chấp hơn 500 tỷ đồng, cùng nợ nhiều tỷ đồng của những nông dân bán cá… Nếu tới đây mà bán đấu giá nhà máy Anvifish thành công thì số tiền trên sẽ thanh toán cho các ngân hàng theo quy định. Trong khi nhiều nông dân cũng gửi đơn xin thi hành án, nhưng khó giải quyết bởi chưa có bản án của tòa. Ngoài ra, tài sản của Anvifish chẳng còn bao nhiêu so với số nợ quá lớn…
 
Bán nhà máy thủy sản ở An Giang - Nông dân nguy cơ mất trắng tiền nợ cá ảnh 3
Giấy xác nhận công nợ của Anvifish đối với nông dân bán cá cho công ty 
 
Theo tìm hiểu được biết, Anvifish do ông Lưu Bách Thảo thành lập năm 2007 và là một trong những doanh nghiệp có tiếng ở ĐBSCL về chế biến, xuất khẩu cá tra. Tuy nhiên, năm 2014 ông Thảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc đột ngột bỏ đi Mỹ để lại số nợ khủng hơn 1.116 tỷ đồng (vay của 8 chi nhánh ngân hàng) và hơn 300 tỷ đồng của 33 nông dân bán cá tra cho công ty. Sau đó, ông Ngô Văn Thu, tiếp nhận chức vụ Tổng Giám đốc Anvifish và thực hiện gia công cá tra để kiếm tiền trả nợ; đồng thời bán một số tài sản do ông Thảo để lại trả nợ. Cụ thể, như năm 2014, Anvifish trả được cho nông dân số tiền 130,2 tỷ đồng; năm 2015 trả 24,6 tỷ đồng… Các năm sau trả ít hẳn bởi tài sản đã gần hết, trong khi số nợ của Anvifish còn rất nhiều…
 
Tháng 5-2017, Công an tỉnh An Giang ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN – chi nhánh An Giang và Công ty CP Việt An, Công ty XNK Bình Minh, Công ty TNHH Minh Giàu. Đến tháng 6- 2018, Công an tỉnh An Giang tạm đình chỉ điều tra vụ án trên…
 
HUỲNH LỢI - (sggp.org.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế