Nắm bắt cơ hội tiến vào thị trường EU

Thứ bảy, 08 Tháng 8 2020 15:44 (GMT+7)
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa được tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, EVFTA mở ra cơ hội cho Việt Nam đổi mới nguồn tăng trưởng, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới khó hơn để tiến sâu hơn, tiến tới thực hiện những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối của Liên minh châu Âu (EU) và toàn cầu. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam trong bối cảnh nhiều tập đoàn, những doanh nghiệp lớn của EU đang có ý định dịch chuyển đầu tư, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hóa... Cũng như các địa phương khác, Cần Thơ đã xây dựng lộ trình sẵn sàng nắm bắt thời cơ tiến vào thị trường EU.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lãnh đạo TP Cần Thơ tìm hiểu sản phẩm cá thát lát của Công ty CP thực phẩm Phạm Nghĩa.
 
►Thời cơ
 
Ðể thực thi EVFTA một cách hiệu quả nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực thi EVFTA của Chính phủ. Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, đây là một điểm rất khác so với các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã có trước đây, vì vậy càng cho thấy vai trò và tầm quan trọng của EVFTA, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay.
 
Chính phủ đã có kế hoạch hành động tổng thể, Bộ Công Thương cũng đã có kế hoạch chi tiết, tổ chức thường xuyên, liên tục các hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tận dụng được tối đa những cơ hội mà Hiệp định mang lại, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta cũng như nhiều thị trường trên thế giới đang chịu tác động lớn từ dịch COVID-19. Ðây cũng là cơ hội để chúng ta có thể thúc đẩy quá trình tái cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu, tái cơ cấu các chuỗi cung ứng theo định hướng đa dạng hơn, bền vững hơn.
 
Cơ hội lớn nhất mà EVFTA mang lại là khả năng mở rộng thị trường nhờ cắt giảm thuế quan và dỡ bỏ rào cản thương mại để hàng hóa của doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, xu thế gia tăng nhu cầu sản phẩm nông nghiệp và lương thực trên thế giới.
 
Hiệp định cũng mang lại cho ngành Nông nghiệp Việt Nam là việc thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp chuyển giao công nghệ, cách thức tổ chức sản xuất, từ đó mới giúp tăng sản lượng, chất lượng hàng hóa, giúp nông sản của Việt Nam tiến dần tới các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu.
 
TP Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm ÐBSCL có 116.992ha là đất nông nghiệp (chiếm 84%), có thế mạnh về lúa gạo, thủy hải sản và cây ăn trái. Thành phố có hơn 8.600 doanh nghiệp đang hoạt động, đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), trong đó có 143 doanh nghiệp về hoạt động xuất khẩu hàng hóa, tính riêng vào thị trường EU (có khoảng 40 doanh nghiệp xuất vào 20/27 quốc gia EU) chủ lực là gạo và thủy sản.
 
Với dân số các nước EU trên 500 triệu người, EVFTA thực sự sẽ là cơ hội “vàng” tạo ra cú huých lớn cho xuất khẩu nông lâm thủy sản thông qua ưu đãi thuế quan, bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với hàng nông lâm thủy sản.
 
Ðiều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam. Ðây cũng là một trong những lợi thế lớn của ÐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng. Một cơ hội lớn khác đó là, tăng cường hoạt động đầu tư từ EU vào Việt Nam đi kèm với chuyển giao công nghệ và nâng cao trình độ, kỹ năng lao động.
 
Ðiều này sẽ giúp tăng sản lượng, chất lượng nông lâm thủy sản để đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
 
►Chủ động nắm bắt cơ hội
 
Ngay sau khi phê duyệt Kế hoạch thực hiện EVFTA, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng Kế hoạch thực hiện. Theo đó, UBND TP Cần Thơ cần phải xây dựng Kế hoạch thực hiện rõ ràng để bảo đảm triển khai đầy đủ các nhiệm vụ cần thiết nhằm đưa EVFTA thực thi có hiệu quả cao, chủ động rà soát các văn bản pháp luật để đảm bảo tính pháp lý và kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.
 
TP Cần Thơ đã xây dựng lộ trình thực hiện EVFTA theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (năm 2020), tập trung vào các nhiệm vụ: hoàn tất các công việc liên quan đến việc ban hành các văn bản cần thiết để thực hiện EVFTA trên địa bàn thành phố; quán triệt về sự cần thiết và lợi ích của việc thực hiện hiệp định trong toàn bộ các sở, ban, ngành thành phố và các Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, văn hóa - xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng trong việc triển khai thực hiện EVFTA; tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến có hệ thống, bài bản về EVFTA ở các cấp độ khác nhau, đặc biệt lưu ý các nội dung có tính chuyên sâu, mang tính cấp thiết với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân, hạn chế các hoạt động tuyên truyền khái quát chung chung.
 
Giai đoạn 2 (từ năm 2021-2025) tập trung vào các nhiệm vụ: tiếp tục triển khai thực hiện việc sửa đổi, ban hành các văn bản pháp luật để thực hiện EVFTA; hằng năm, phối hợp với viện, trường và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện việc tập huấn, bồi dưỡng các cán bộ làm việc tại các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp thông tin chi tiết về Hiệp định, qua đó có thể đánh giá hiệu quả của việc tập huấn, đào tạo; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND quận, huyện xây dựng các chương trình hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp các ngành hàng trong thành phố, tập trung vào các lĩnh vực mà thành phố có thế mạnh.
 
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng, nhận định được cơ hội và khó khăn khi EVFTA đem lại, thời gian qua, TP Cần Thơ từng bước chuẩn bị xây dựng các phương án, kế hoạch triển khai. Theo đó, thành phố giao Sở Công Thương làm đầu mối tham mưu triển khai các vấn đề liên quan đến EVFTA, chủ động phối hợp thực hiện các kế hoạch của Bộ Công Thương.
 
Hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như giúp cho doanh nghiệp xuất khẩu tại Cần Thơ nắm rõ, hiểu đúng các quy tắc xuất xứ hàng hóa với quy tắc cụ thể cho từng mặt hàng để doanh nghiệp áp dụng, tận dụng có hiệu quả những ưu đãi từ hiệp định này. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật có liên quan đến Hiệp định.
 
Ðặc biệt, ngày 31-7-2020, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ công bố Cổng thông tin, tư vấn EVFTA trực tuyến dành cho doanh nghiệp ÐBSCL, với phương thức tư vấn mới, thuận tiện cho doanh nghiệp hỏi đáp, cung cấp thông tin mới về chính sách, pháp luật, tìm hiểu thông tin về EVFTA tại doanh nghiệp thông qua nền tảng internet, webinar…
 
Ðể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Âu các mặt hàng có thế mạnh của Cần Thơ (gạo, thủy sản, cây ăn trái, may mặc,…), thời gian tới thành phố thường xuyên cập nhật thông tin từ Thương vụ của Việt Nam tại các nước, nhằm kịp thời thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu, những thông tin cảnh báo về rào cản kỹ thuật; tăng cường mối liên kết giữa các tác nhân tham gia từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
 
Ðẩy mạnh phát triển thương hiệu quốc gia nông thủy sản, hình thành chuỗi liên kết sản xuất - cung ứng - tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, phát triển các sản phẩm đặc thù, đặc sản để nâng được lợi thế cho sản phẩm chủ lực của thành phố gắn với truy xuất nguồn gốc hàng hóa...
 
Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng hàng hóa trong việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa để quản lý được thông tin từ khâu sơ chế, đóng gói, bảo quản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...
 
Nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ thông qua việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước phát triển dịch vụ logistics của địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành, đào tạo chuỗi cung ứng logistics; dịch vụ logistics với các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trong nước.
 
Ðồng thời, thành phố rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ cũng như các bộ, ngành, các cơ quan Tham tán tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, cung cấp thông tin những sản phẩm có cơ hội tại các nước sở tại với nhu cầu về số lượng và chất lượng, cách thức tiếp cận thị trường, giới thiệu nhà nhập khẩu để doanh nghiệp có cơ hội chào bán sản phẩm…
 
"Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu TP Cần Thơ gần 1,8 tỉ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU chiếm 117,54 triệu USD (gạo, thủy hải sản, may mặc, nông sản và các nông sản chế biến, dược phẩm, thuốc thú y và da, máy móc thiết bị); kim ngạch nhập khẩu là 17,21 triệu USD (nguyên liệu dược, nông dược, thuốc thú y, phân bón, hóa chất, vải và lông vũ, da, máy móc thiết bị). 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu 13,4 triệu USD".
 
 KHÁNH NAM - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế