Tiền Giang: Tăng giá trị cho cây sả

Thứ tư, 12 Tháng 8 2020 14:13 (GMT+7)
Gần đây, sả thương phẩm tại huyện Tân Phú Đông có giá trở lại, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân vùng đất nhiễm mặn.
 
Cây sả cho giá trị kinh tế cao.
Cây sả cho giá trị kinh tế cao.
 
Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông Lê Trung Hòa, giá sả thương lái thu mua từ 5.000-6.000 đồng/kg, tùy theo địa bàn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá, giá sả tăng mạnh khả năng do nhu cầu thị trường lớn nhưng nguồn cung không dồi dào bởi địa phương vừa trải qua thiên tai hạn mạn nghiêm trọng khiến nhiều loại cây trồng thất thu, giảm năng suất; trong đó, có cây sả.
 
Với năng suất khoảng 15 tấn/ ha, mỗi ha sả thu hoạch thời điểm hiện nay, nông dân thu từ 75-90 triệu đồng tùy theo phẩm chất. Sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi khoảng 50%. Đây là nguồn thu không nhỏ đối với người dân miền cù lao cồn bãi hạ lưu sông Tiền luôn phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn do biến đổi khí hậu và thiên tai hạn mặn hàng năm.
 
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, diện tích sả hiện có tại địa phương khoảng 1.200 ha; trong đó, đã thu hoạch khoảng 250 ha, sản lượng 4.000 tấn sả thương phẩm. Huyện phấn đấu năm 2020 mở rộng diện tích vùng chuyên canh lên 1.900 ha, sản lượng cả năm khoảng 28.500 tấn sả.
 
Sả Tân Phú Đông là cây trồng nổi tiếng ở tỉnh Tiền Giang và đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Sả Tân Phú Đông” cho Hội Làm vườn huyện Tân Phú Đông. Đây là bước đi quan trọng để khẳng định vị thế, nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh của cây trồng đặc sản miền đất mặn Tiền Giang trong tương lai.
 
 Do địa bàn thường xuyên bị nhiễm phèn, mặn nên trước đây, các xã cù lao thuộc huyện Tân Phú Đông mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ lúa với năng suất thấp. Qua nghiên cứu, theo dõi và đánh giá thực tế, địa phương đã xác định sả là cây trồng chủ lực, bởi dễ trồng, thích hợp với thổ nhưỡng, cho năng suất cao và không cần nhiều nước tưới như các cây trồng khác.
 
Sả được trồng ở trên đất liếp, dưới chân ruộng hoặc trên gò cao. Trong thời gian qua, có rất nhiều diện tích trồng lúa hiệu quả thấp đã được bà con nông dân chuyển sang trồng sả theo mô hình xen canh 01 vụ sả, 01 vụ lúa hoặc 02 vụ sả/năm. Năng suất thu hoạch bình quân từ 15 đến 17 tấn/ha, sản lượng bán từ 70 đến 100 tấn/ngày, lợi nhuận trung bình khoảng 70 triệu đồng/ha.
 
Điều đáng ghi nhận là ngoài những hộ gia đình có cuộc sống khá giả nhờ trồng sả, những lúc nông nhàn, mọi người có thể kiếm thêm thu nhập từ việc chặt sả thuê. Công việc này, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động khu vực nông thôn. Mỗi người chặt sả thuê thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/tháng, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình. Bên cạnh việc sử dụng làm gia vị, cây sả Tân Phú Đông còn được dùng làm nấm sả, giá thể trồng cây, chiết suất tinh dầu…
 
Ước tính 1 ha sả sau khi thu hoạch chế biến tinh dầu thì còn tồn dư khoảng 20 tấn phụ phẩm gồm lá và bã thải sả. Lượng phế phẩm này phần lớn là những hợp chất hữu cơ giàu cacbon và các nguyên tố khoáng đa vi lượng nhưng chưa có giải pháp xử lý hiệu quả. Tuy nhiên, đây lại là nguồn nguyên liệu lý tưởng để sản xuất chế phẩm hữu cơ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp.
 
Hiện nay, với sản lượng sả thương phẩm khoảng trên 22.000 tấn/năm, Tân Phú Đông là nơi cung cấp lượng sả lớn nhất tỉnh, góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. 
              
 
M.TRÍ - (daidoanket.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế