Tàu cá trên vùng biển thành phố Hà Tiên. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang nhấn mạnh, mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến hết tháng 8 này cơ bản ngăn chặn được tình trạng tàu cá và ngư dân Kiên Giang xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái pháp luật.
Đến hết tháng 12 sẽ có 100% tàu cá từ 15 m trở lên của tỉnh khi tham gia hoạt động khai thác hải sản phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sắp xếp tổ chức bộ máy quản lý thủy sản hợp lý, hoạt động hiệu quả.
Chính vì vậy, tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương và Nghị quyết số 34-NQ/TU ngày 13/7/2020 của Tỉnh ủy Kiên Giang về tăng cường các giải pháp quản lý ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái pháp luật; trong đó, chú trọng tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển và tại các cảng cá để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm với hình thức cao nhất đối với các hành vi vi phạm lĩnh vực thủy sản, nhất là các hành vi vi phạm quy định về khai thác IUU.
Các đơn vị chức năng hữu quan kiểm soát chặt chẽ tàu cá cập và rời cảng, kiên quyết không giải quyết tàu cá có hành vi vi phạm các quy định về khai thác IUU lên hàng tại các cảng cá trong tỉnh, kiểm soát xử lý tàu cá lên hàng thủy sản sai cảng chỉ định.
Ngoài ra, tỉnh thực hiện quy chế, kế hoạch phối hợp tuần tra chung trong hoạt động khai thác thủy sản giữa 8 tỉnh gồm Bến Tre, Bình Thuận, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau và đã ký kế hoạch phối hợp tuần tra chung trong hoạt động khai thác thủy sản với tỉnh Cà Mau.
Mặt khác, tỉnh còn chỉ đạo đơn vị chức năng thực hiệp tốt quy chế phối hợp với Vùng 4 Hải quân, Vùng Cảnh sát biển 4, Hải đoàn 28 để tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển.
Cùng với đẩy nhanh tiến độ hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, các ngành chức năng của tỉnh tăng cường kiểm tra hành chính, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không trang bị, không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển, tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác, nhất là kiểm soát nguyên liệu tại các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản.
Theo đó, đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương lập danh sách, quản lý chặt chẽ chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân vi phạm bị nước ngoài bắt giữ đã thả trở về.
Đáng lưu ý, tỉnh xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được phân công thực hiện nhiệm vụ về chống khai thác IUU mà lơ là, thiếu trách nhiệm, cố ý làm sai lệch hồ sơ, chứng cứ… để trục lợi, làm ảnh hưởng đến nỗ lực chung tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”.
Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, tỉnh tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá của ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, lực lượng chức năng đã xử phạt 12 vụ/21 tàu cá, số tiền gần 12 tỷ đồng. Đến cuối tháng 7 vừa qua, tỉnh có 3.418 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 85,6% kế hoạch theo quy định Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Lê Huy Hải (TTXVN)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)