Bắt tay hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu an toàn

Thứ bảy, 22 Tháng 8 2020 07:32 (GMT+7)
Thị trường luôn đòi hỏi hàng hóa, nông sản phải có thương hiệu, chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm… Bắt nhịp xu hướng này, nhiều doanh nghiệp bắt tay cùng với hợp tác xã (HTX) xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn GAP, đảm bảo chất lượng nông sản lưu thông trên thị trường, đáp ứng các yêu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Thu hoạch lúa tại một cánh đồng lớn trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh.
 
Theo ông Nguyễn Ðức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, thành phố đã xây dựng và phát triển các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới gắn với chuỗi giá trị và đây được xem là nhân tố quan trọng, tăng giá trị nông sản và thu nhập cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng ngành Nông nghiệp. Hiện, Liên minh HTX thành phố triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho các HTX xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với từng mô hình, lĩnh vực; xúc tiến quảng bá thương hiệu, hình ảnh sản phẩm của HTX thông qua cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Liên minh HTX thành phố; hỗ trợ các HTX tiếp cận và ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp có tiềm năng. Cùng với sự hỗ trợ của thành phố, nhiều HTX đã chủ động tạo ra mối liên kết mua chung, bán chung; đổi mới phương thức tổ chức sản xuất; bắt nhịp thị trường sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP hay đạt chuẩn an toàn thực phẩm khi lưu thông trên thị trường. Ðiển hình là HTX Khiết Tâm, huyện Vĩnh Thạnh, HTX Trường Trung A, huyện Phong Ðiền, HTX Nông nghiệp thủy sản Thắng Lợi, huyện Vĩnh Thạnh… đã thực hiện có hiệu quả chuỗi liên kết tiêu thụ, góp phần tăng giá trị nông sản, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia vào chuỗi giá trị.
 
Doanh nghiệp luôn cần nguồn hàng đảm bảo về số lượng lẫn chất lượng để phục vụ cho nhu cầu chế biến và xuất khẩu, nhưng không thể trực tiếp ký kết hợp đồng với hàng nghìn hộ nông dân có quy mô sản xuất nhỏ lẻ cũng như hướng dẫn kỹ thuật đến từng hộ dân. Vì vậy, HTX là đơn vị đại diện cho các nông dân thực hiện các giao dịch và ký kết hợp đồng theo nhu cầu doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra tiêu thụ, để nông dân yên tâm sản xuất, tránh tình trạng bị thương lái ép giá. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết: Bản thân doanh nghiệp rất cần vùng nguyên liệu có chất lượng, đảm bảo ổn định và nông dân tham gia vào HTX canh tác ở các cánh đồng lớn mong muốn đầu ra ổn định. Do đó, HTX chính là cánh tay nối dài của doanh nghiệp, giúp tăng cường sức mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Hiện, Công ty Trung An đã liên kết với nhiều HTX tại TP Cần Thơ và các tỉnh: Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau,… phát triển vùng nguyên liệu sản xuất lúa chất lượng cao, với tổng diện tích 10.000ha. Theo ông Bình, hầu hết các HTX liên kết với doanh nghiệp đều thực hiện tốt quy trình sản xuất an toàn. Song, để các loại gạo thơm đạt chất lượng cao, có hương vị đặc trưng, doanh nghiệp đã bố trí sản xuất, lựa chọn các giống lúa có đặc tính, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương. Chẳng hạn, tại TP Cần Thơ ưu tiên trồng các giống lúa OM hay Jasmine, vùng đất Hậu Giang trồng giống ST21,… đảm bảo vùng nguyên liệu an toàn, có chất lượng phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
 
Ðể đầu ra nông sản ổn định, đảm bảo chất lượng theo hợp đồng cam kết với doanh nghiệp, HTX Trường Trung A, huyện Phong Ðiền đã vận động nhà vườn áp dụng quy trình sản xuất an toàn, để giảm chi phí canh tác, nâng cao thu nhập. Anh Ngô Văn Ðoàn, ấp Trường Tây, xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền, cho biết: Trước đây, gia đình tôi trồng nhiều loại cây ăn trái khác nhau trên cùng diện tích hơn 3.000m2, nên giá cả đầu ra không ổn định và thường bị thương lái ép giá. Vì vậy, khi địa phương vận động vào HTX, tôi và nhiều nhà vườn cùng tham gia và được hỗ trợ tập huấn, tuân thủ các quy trình sản xuất an toàn, từ việc xây dựng nhà kho chứa thuốc bảo vệ thực vật, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phòng trừ dịch bệnh cho trái ổi ruột hồng... Ðiều quan trọng, là HTX có ký kết hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp thu mua, đảm bảo đầu ra nên bà con yên tâm trồng ổi đạt chất lượng, cung cấp cho doanh nghiệp, để tăng thêm thu nhập. Ước tính với diện tích hơn 3.000m2 trồng ổi ruột hồng xen với các loại cây ăn trái khác, gia đình có thêm thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.
 
Phát triển các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, liên kết theo chuỗi giá trị được xem là động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ phối hợp với các ngành hữu quan thành phố tiếp tục rà soát và thực hiện đồng bộ các chính sách của Trung ương nhằm hỗ trợ các HTX nông nghiệp, tổ hợp tác, phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị nông sản trong chuỗi liên kết; phát triển chuỗi truy xuất nguồn gốc gắn với hệ thống, bảo đảm có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng. Vận động các doanh nghiệp, HTX, chủ động liên kết, hỗ trợ nông dân trong các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ; tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tổ chức, điều hành, hoạt động, kinh doanh cho các HTX; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm; hỗ trợ và tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận các nguồn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, các ngân hàng để mở rộng quy mô sản xuất; khuyến khích phát triển liên kết giữa HTX với doanh nghiệp, hình thành chuỗi giá trị hàng hóa, nông sản trên địa bàn thành phố.
 
Bài, ảnh: M.HOA - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế