Không đốn bỏ dừa bị sâu ăn lá

Thứ ba, 25 Tháng 8 2020 09:08 (GMT+7)
Ngành chức năng khuyến cáo bà con nông dân phát hiện sâu lạ hại dừa cần báo ngay với cơ quan chức năng và không nên đốn bỏ.
 
Sâu hại dừa có tên khoa học Opisina Arenosella Wallker lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Ảnh: Minh Đảm.
Sâu hại dừa có tên khoa học Opisina Arenosella Wallker lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Ảnh: Minh Đảm.
 
Gây hại khủng khiếp
 
Như NNVN đã thông tin, trên địa bàn xã Phú Long, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre xuất hiện một loại sâu lạ tấn công cây dừa. Chúng gây hại ở các thời kỳ sinh trưởng của cây, nhưng chủ yếu là lá và trái dừa. Qua khảo sát ban đầu của các cơ quan chuyên môn thì đây là loài sâu hại ăn lá dừa chưa từng xuất hiện tại Việt Nam, có tên khoa học Opisina Arenosella Wallker.
 
Loài sâu này từng gây hại nhiều vườn dừa tại Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan… Tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên ghi nhận sâu ăn lá dừa gây thiệt hại hơn 70% (hơn 2 ha) của ba hộ dân tại ấp Giồng Tre, xã Phú Long, huyện Bình Đại, Bến Tre. Các vườn lân cận cũng có tình trạng sâu ăn lá dừa tấn công.
 
Ông Bùi Quang Giúp, ấp Giồng Tre, xã Phú Long cho biết: Đây lần đầu tiên ông chứng kiến sâu ăn lá gây hại khủng khiếp trên vườn dừa của gia đình. Chỉ hơn 2 tháng 5.000 m2 vườn dừa (hơn 120 cây) của gia đình bị khô héo lá, trái rụng dần. Sau đó, ông Giúp thuê người phun xịt thuốc nhưng tình trạng không giảm, vườn dừa ngày càng xác xơ.
 
Ông Giúp cho hay, sâu ăn lá dừa khác biệt với các côn trùng gây hại dừa trước đó như bọ cánh cứng, đuông dừa… Ông Giúp chưa từng thấy loài sâu này bao giờ, nó nằm ẩn trong lá dừa nên rất khó diệt. Sâu gây hại từ lá già đến là non và cả trái dừa, làm cho trái không có nguồn dinh dưỡng, sau đó rụng dần.
 
Sâu gây hại từ lá già đến là non và cả trái dừa, làm cho trái không có nguồn dinh dưỡng, sau đó rụng. Ảnh: Minh Đảm.
Sâu gây hại từ lá già đến là non và cả trái dừa, làm cho trái không có nguồn dinh dưỡng, sau đó rụng. Ảnh: Minh Đảm.
 
Thông tin về đối tượng dịch hại này, ông Võ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre cho biết: “Đây là đối tượng sâu mới, chúng gây hại rất nhanh, chủ yếu ăn biểu bì của lá và trái. Đồng thời tấn công hết các giai đoạn của cây dừa, từ cây còn nhỏ đến cây đã cho trái. Chi cục đang theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của nó để đưa ra các giải pháp phòng trị đạt hiệu quả cao nhất”.
 
Cần áp dụng đồng loạt các phương pháp
 
Ông Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam cho biết: “Hiện ở Việt Nam chưa có đơn vị nào sản xuất loại thuốc phòng trừ loài sâu này. Ở Thái Lan, Bộ Nông nghiệp nước này đã có khuyến cáo đối với nông dân trồng dừa.
 
Hiện chúng tôi tạm thời khuyến cáo áp dụng quy trình phòng trị của Thái Lan với các phương pháp sau: Thứ nhất, chặt bỏ các tàu lá dừa bị nhiễm sâu nặng không thể hồi phục. Sau đó đem đi tiêu huỷ bằng cách đốt đi hoặc nhấm chìm dưới nước. Thứ hai, phun thuốc trừ sâu sinh học B.T hoặc phun thuốc trừ sâu có hoạt chất Emamectin benzoate. Cuối cùng là sử dụng ong ký sinh”.
 
Dùng máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu lạ hại dừa. Ảnh: Minh Đảm.
Dùng máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu lạ hại dừa. Ảnh: Minh Đảm.
 
Cũng theo ông Vấn, cần áp dụng đồng loạt các phương pháp trên thì mới đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn chưa phát hiện được loại ong ký sinh nào là thiên địch của loại sâu này nên bước đầu, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam chỉ hướng dẫn áp dụng hai cách là chặt bỏ lá dừa và phun thuốc trừ sâu sinh học B.T.
 
Hiện Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam đang gây nuôi loại sâu hại này trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu vòng đời, loại thuốc đặc hiệu phòng trị…
 
Do đây là đối tượng mới nên Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre cũng phối hợp với các viện, trường để nghiên cứu, trước mắt xác định đây là loài gây hại rất nặng trên cây dừa.
 
Do đó, Chi cục tham mưu cho Sở NN-PTNT xây dựng kế hoạch để phòng trừ các diện tích mà sâu đã gây hại để tránh lây lan sang các địa phương khác.
 
Ông Võ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre khuyến cáo không nên đốn bỏ dừa. Ảnh: Minh Đảm.
Ông Võ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre khuyến cáo không nên đốn bỏ dừa. Ảnh: Minh Đảm.
 
Ông Võ Văn Nam cho biết thêm: “Hiện Chi cục phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời đưa dụng cụ máy bay không người lái để phun đồng loạt hết diện tích khoảng 30ha vườn dừa bị nhiễm bệnh. Chúng tôi cũng đang sử dụng sản phẩm sinh học B.T để phun phòng, không gây ảnh hưởng môi trường cũng như sức khoẻ của con người. Chế phẩm B.T đang lưu thông ngoài thị trường, rất dễ mua.
 
Chi cục cũng khuyến cáo cán bộ BVTV ở các huyện cần tăng cường công tác kiểm tra, dự tính dự báo. Bà con phát hiện loại sâu lạ này cần báo tới cơ quan chuyên môn cấp huyện để được hướng dẫn cách phòng trị.
 
MINH ĐẢM - (nongnghiep.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế