Mít Thái nghịch mùa được khách hàng ưa chuộng. (Ảnh minh họa: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)
Trong khi nhiều loại cây ăn trái đang rớt giá mạnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình xuất khẩu gặp khó khăn thì tại thành phố Cần Thơ cũng như một số tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mít Thái (giống mít có nguồn gốc từ Thái Lan) lại là loại cây ăn trái đang được thương lái tìm mua với giá rất cao khiến cho nhiều nông dân trồng mít rất phấn khởi.
Anh Trần Thiện Thanh, nông dân ở khu vực Trường Trung, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, có hơn 2ha diện tích trồng mít Thái, cho biết hiện nay tuần nào thương lái cũng vào vườn để tìm mua với giá cứ tăng dần.
Cách đây vài ngày, anh cân cho thương lái được giá 40.000 đồng/kg đối với mít loại 1 (loại mỗi trái từ 8kg trở lên).
Đến ngày 26/8, giá mít loại 1 đã tăng lên đến 52.000 đồng/kg làm anh rất phấn khởi. Hiện mỗi tuần, anh đều cân cho thương lái với sản lượng khoảng vài trăm kg mít.
Nhiều nông dân trồng mít cũng cho biết, khoảng 3 tuần trở lại đây, giá mít Thái tại Cần Thơ cũng như một số tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng liên tục, từ 30.000 đồng/kg tăng lên 40.000 đồng/kg và hiện nay có giá lên tới trên dưới 50.000 đồng/kg đối với mít loại 1, tăng gấp từ 5-7 lần so với thời điểm chính vụ (là tháng Năm và tháng Sáu).
Nguyên nhân giá mít tăng cao là do hiện nay đang là mùa nghịch, sản lượng mít Thái rất ít trong khi đây là mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc được khách hàng rất ưa chuộng.
Đây không phải là lần đầu tiên giá mít Thái tăng cao mà trong khoảng 2 năm trước, có thời điểm giá mít tăng lên trên 60.000 đồng/kg làm cho nông dân rất phấn khởi và đầu tư mở rộng diện tích nhanh chóng.
Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, hiện nay trên địa bàn thành phố Cần Thơ có tổng diện tích cây ăn trái khoảng 20.800ha; trong đó có khoảng 520,7ha được nông dân trồng mít Thái.
Vừa qua, do có thời điểm giá mít tăng cao nên nông dân đã ồ ạt mở rộng diện tích; trong đó chỉ qua hơn một năm, từ năm 2019 đến nay, nông dân thành phố Cần Thơ đã mở rộng thêm 268ha trồng mới.
Cũng theo ông Nhơn, ngành nông nghiệp thành phố không khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng mít mà chủ yếu khuyến khích người dân sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm các loại cây ăn trái nào có hợp đồng liên kết, kết nối với các nhà máy chế biến, các doanh nghiệp xuất khẩu.
Riêng đối với loại mít Thái được trồng tại thành phố Cần Thơ hiện chủ yếu được xuất khẩu tươi sang Trung Quốc, chỉ có một số ít sản lượng được cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến làm mít sấy.
Ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ cũng đang triển khai xây dựng các chuỗi giá trị cho cây ăn trái trên địa bàn theo hướng sản xuất an toàn thực phẩm và có liên kết tiêu thụ.
Về mặt lâu dài, ngành nông nghiệp thành phố đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản để phát triển nông nghiệp bền vững, tránh tình trạng giá cả lên xuống bấp bênh như thời gian vừa qua./.
Ngọc Thiện (TTXVN/Vietnam+)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)